Duy trì chính sách điều hành lãi suất | |
Lãi suất huy động điều chỉnh giảm: Gửi sao có lợi? |
Chẳng hạn, lãi suất huy động tiền đồng của Shinhan Bank hiện nay dao động từ 4,6%-5,6%/năm (kỳ hạn từ 6-12 tháng). Ngoại trừ USD, những loại ngoại tệ khác gửi vào Shinhan Bank đều có lãi suất trên dưới 1%/năm. Tương tự, biểu lãi suất tiền gửi tại CIMB, HSBC, SCB, UOB… dao động từ 6%/năm (kỳ hạn 12 tháng). Riêng HSBC, nếu gửi tiền trực tuyến tại ngân hàng khách hàng sẽ được cộng thêm 0,25%/năm so với biểu lãi suất niêm yết.
Theo một phó giám đốc chi nhánh ngân hàng UOB, nhận thấy lãi suất chính là yếu tố mà khách hàng gửi tiết kiệm quan tâm hàng đầu, nên ngân hàng đã rất chú trọng đến việc thiết kế biểu lãi suất sao cho phù hợp với nhu cầu của người gửi tiền. Theo đó, trần lãi suất cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng của ngân hàng khoảng 5,5%/năm còn đối với kỳ hạn trên 6 tháng lãi suất các ngân hàng huy động, dao động từ 6% trở lên. Ngoài lãi suất, phương thức nhận lãi khối ngoại tiếp tục cộng thêm cho những người nhận lãi cuối kỳ, mức lãi suất cộng thêm từ hình thức nhận lãi dao động từ 0,1-0,25%/năm.
Các ngân hàng ngoại chủ yếu nhắm vào phân khúc người Việt có thu nhập cao sử dụng dịch vụ khép kín |
Nếu so với lãi suất tiền gửi của BIDV, Vietcombank, VietinBank… lãi suất gửi tiết kiệm của khối ngân hàng ngoại (sau khi cộng hết các lãi suất cộng thêm) đang cao hơn hẳn. Đơn cử, lãi suất gửi tiền tại những ngân hàng nêu trên dao động 5,1-5,6%/năm. Trong khi đó, cùng kỳ hạn thì một số ngân hàng ngoại đang có mức lãi suất huy động lên tới 6%/năm, tính cả các chi phí tặng thêm. Lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất thị trường lúc này không còn thuộc về nhóm các NHTM quy mô nhỏ mà đã có sự góp mặt của các ngân hàng nước ngoài.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, phần lớn các ngân hàng ngoại đến nay vẫn trung thành với 2 mục tiêu quan trọng là dịch vụ tài chính DN và dịch vụ tài chính cá nhân. Thế nhưng, các ngân hàng ngoại có nghiêng về mảng dịch vụ cá nhân thông qua dịch vụ thẻ tín dụng, thẻ thanh toán quốc tế…
Điều này trở nên rõ nét hơn khi mà rất nhiều ngân hàng ngoại cung cấp dịch vụ cho vay qua thẻ hấp dẫn từ đầu năm đến nay. Trường hợp Shinhan Bank Việt Nam là một ví dụ, từ khi mua lại mảng bán lẻ của ANZ, Shinhan Bank gia nhập thị trường rất nhanh. Trong đó, ngân hàng này đặc biệt ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm vay tiện ích, đầu tư công nghệ cho ngân hàng số và mở rộng các chương trình ưu đãi dành cho thẻ tín dụng.
Ngân hàng CIMB cũng không kém cạnh khi thông báo cho khách hàng biết việc vay vốn tiêu dùng dễ dàng. Theo chia sẻ của một nhân viên tín dụng tại ngân hàng này, nếu khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng CIMB, khi cần tiền có thể cầm cố sổ tiết kiệm để vay với lãi suất ưu đãi. Tính theo tỷ lệ, lãi suất cầm cố sổ tiết kiệm mà ngân hàng này áp dụng không cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm.
Không phải ngẫu nhiên Công ty Kiểm toán PwC nhận định các ngân hàng nội có ưu thế về mạng lưới chi nhánh và mối quan hệ xây dựng từ lâu với cộng đồng địa phương, trong khi các ngân hàng nước ngoài lại có thế mạnh về các sản phẩm phức tạp được kiểm chứng qua nhiều thị trường và những mối quan hệ quốc tế. Khối ngoại lại còn có ưu thế về lãi suất thấp nên các ngân hàng nội chịu nhiều áp lực. Nhưng một chuyên gia tài chính cho rằng, sự cạnh tranh sẽ mang lại điểm tích cực cho thị trường, giúp người dùng hưởng lợi.
Tính đến nay, Việt Nam có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thành lập bao gồm ANZ Việt Nam, Hong Leong Việt Nam, HSBC Việt Nam, Shinhan Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam; Public Bank Berhad, UOB Việt Nam, CIMB và ngân hàng Woori. Ngoài 9 gương mặt ngoại kể trên, còn hai ngân hàng liên doanh là Indovina Bank và Ngân hàng Việt Nga cùng hơn 50 chi nhánh, văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Song song với việc tăng số lượng ngân hàng ở Việt Nam, năm nay được đánh dấu là năm bùng nổ của khối ngân hàng ngoại vì họ đang triển khai nhiều sản phẩm huy động hấp dẫn người gửi tiền, cạnh tranh với khối ngân hàng nội địa. |
Quỳnh Vũ