Lãi suất tiết kiệm sẽ ổn định

15:39 | 26/10/2021

Hiện, lãi suất tiết kiệm trên thị trường đang có những xê dịch nhỏ nhưng mặt bằng vẫn được duy trì ổn định ở mức thấp. Trong giai đoạn mới, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân tăng cao cũng đặt ra "bài toán" hạ lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra, nhưng đây không còn là giải pháp phù hợp và duy nhất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

lai suat tiet kiem se on dinh
Các ngân hàng tiếp tục duy trì lãi suất tiết kiệm ở mức ổn định

Lãi suất tiết kiệm vẫn ổn định

Khảo sát nhanh của Thoibaonganhang.vn, lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng hầu như không có biến động so với đầu tháng 9/2021. Với khách hàng cá nhân, nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước như Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vẫn niêm yết lãi suất tiết kiệm từ 3,1-4%/năm, tùy hạn mức; lãi suất cao nhất là 5,6% dành cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Tương tự, lãi suất tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục ở mức 5,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng.

Ở nhóm ngân hàng tư nhân, lãi suất tiết kiệm có diễn biến "trái chiều" nhưng biên độ dao động không quá lớn so với tháng trước. Theo đó, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) có lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng giảm từ 3,9%/năm xuống còn 3,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 6,25%/năm xuống 6,1%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 6,4%/năm xuống còn 6,35%/năm. Ở chiều ngược lại, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đưa ra lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 2 tháng đến dưới 6 tháng tăng 0,6%, lên 3,2% - 3,4%/năm so với đầu tháng 10/2021.

Đánh giá về mức lãi suất tiết kiệm thời gian qua, tại buổi họp báo diễn ra gần đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, lãi suất đầu vào của các ngân hàng đã giảm liên tục từ năm 2020 đến nay, hiện dao động trong khoảng 4 - 5,5%/năm. Như vậy, nếu lạm phát không tăng cao thì người gửi tiền mới có lãi suất thực dương.

Trong khi đó, dự báo về lạm phát cả năm 2021, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đánh giá, lạm phát có thể ghi nhận nhiều yếu tố thuận lợi như giá lương thực thực phẩm nội địa ổn định với cầu tiêu dùng sẽ không tăng đột biến; hỗ trợ giảm giá điện cho một số đối tượng đến tháng 12/2021; giá nước, y tế, giáo dục vẫn hoàn toàn nằm dưới điều hành của Chính phủ. Vì vậy, lạm phát sẽ tăng dưới 3,0%, là nền tảng vững chắc cũng như dư địa để Ngân hàng Nhà nước điều hành.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, duy trì được chính sách lãi suất tiết kiệm thực dương mới có khả năng làm tăng tính hấp dẫn của kênh tiết kiệm so với đầu tư khác. Qua đó giúp tăng nguồn vốn huy động của các nhà băng để phân phối vốn đến các lĩnh vực có nhu cầu, thúc đẩy nền kinh tế phát triển một cách hài hoà và cân bằng hơn. Đồng thời, chính sách lãi suất thực dương cũng khuyến khích người dân tiết kiệm nhiều hơn, tăng nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế.

Chia sẻ với báo chí, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, đánh giá lãi tiết kiệm hiện tuy thấp nhưng phù hợp với kinh tế vĩ mô và so với lạm phát, đảm bảo lãi suất tiết kiệm thực dương cho người gửi tiền. Diễn biến lãi suất thời gian tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào định hướng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh.

Dư địa giảm lãi suất huy động không nhiều

Bàn về mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian tới, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp sẽ khó có thể giảm thêm và nhiều khả năng sẽ đi ngang trong quý IV/2021, trong bối cảnh rủi ro lạm phát trong một vài quý tới là hiện hữu và vì vậy chính sách hỗ trợ sẽ tương đối thận trọng.

"Trong trường hợp ngân hàng huy động lãi suất quá thấp, người dân sẽ không gửi tiền ngân hàng nữa mà đi mua nhà, mua vàng... Trong khi các ngân hàng chủ yếu là đi vay từ người dân để cho vay trở lại nền kinh tế, do đó phải duy trì được nguồn vốn đầu vào, không thể đặt mục tiêu giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra từ nay đến cuối năm", Phó Thống đốc Đào Minh Tú phân tích.

Hơn thế nữa, các chuyên gia tài chính - ngân hàng nhìn nhận, nếu tiếp tục giảm lãi suất sẽ gây khó khăn cho ngân hàng. Bởi, các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, họ kinh doanh chủ yếu dựa vào huy động tiền gửi của người dân để cho vay ra nền kinh tế, nếu người dân không gửi tiền họ sẽ mất thanh khoản.

Xét ở góc độ thị trường, khi chuyển trang trạng thái "bình thường mới", nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh, nhất là vào những tháng cuối năm nhu cầu này càng tăng thì việc giữ lãi suất huy động, thậm chí thêm các khuyến mãi để "hút" tiền về sẽ được các ngân hàng hướng tới.

Để tạo điều kiện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh thay vì hạ lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra, các nhà băng đã chủ động xây dựng kế hoạch tiết giảm thêm chi phí và cắt giảm lợi nhuận. Đơn cử, đại diện Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết đang nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường áp dụng công nghệ, số hoá hoạt động nhằm giảm tối đa chi phí mà vẫn bảo đảm đà tăng trưởng. Đồng thời, trong chiến lược phát triển, ngân hàng này tập trung đẩy mạnh chất lượng tài sản, chủ động tận dụng nguồn vốn dài hạn chất lượng với chi phí vốn thấp hơn từ ủy thác đầu tư và phát hành giấy tờ có giá, hài hòa cấu trúc huy động và góp phần giảm chi phí vốn đáng kể.

Ghi nhận những hỗ trợ tích cực từ phía ngành Ngân hàng, một chuyên gia cũng lưu ý rằng bài toán hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn "bình thường mới" không phải của riêng ngân hàng mà là câu chuyện của cả nền kinh tế và các ngành khác. Vì vậy, cần có các giải pháp đồng bộ với nhiều chính sách khác nhau hơn nữa, bao gồm các chính sách tài khoá, tiền tệ, an sinh xã hội như Chính phủ và các bộ, ngành đang triển khai.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

Hương Giang

Tin đọc nhiều