Những nguyên tắc vàng trong sử dụng thẻ tín dụng |
Hiện nay, các ngân hàng nội địa lẫn nước ngoài đều cung cấp đủ loại thẻ tín dụng với đủ các chương trình khuyến mãi như tặng voucher, mua hàng giảm giá, tặng mã khuyến mãi, quẹt thẻ hoàn tiền… Thế nhưng lời khuyên của các chuyên gia là trước khi xài thẻ tẹt ga, người dân cần tìm hiểu xem nhu cầu của mình là gì? Chứ đừng rơi vào trường hợp khi mở thẻ thì nghĩ rằng chỉ xài lúc cần thiết, nhưng lại không thể kiểm soát được lý trí, rơi vào cảnh “nợ nần chồng chất”.
Trường hợp của chị Phan Thị Mỹ Hạnh là một ví dụ. Đang trong giờ làm việc, chị nhận được email gửi đến từ ngân hàng mà chị mở thẻ thông báo tri ân khách hàng bằng cách hoàn tiền cho chủ thẻ khi mua sắm đồ gia dụng, nội thất mới cho đến trang phục, mỹ phẩm, thực phẩm…
Làm chủ được hành vi sử dụng thẻ là làm chủ thẻ thành công |
Dù chưa đến tết và cũng chưa có nhu cầu gấp, nhưng vì nghĩ rằng đây là cơ hội có một nên chị Hạnh lập tức lên mạng đặt mua online rất nhiều sản phẩm. Số tiền chi trả cho lần mua này hết luôn hạn mức được cấp trong thẻ của chị là 30 triệu đồng. Số tiền được hoàn lại cũng không nhỏ, 3 triệu đồng.
Tuy nhiên, niềm vui của chị chẳng kéo dài bao lâu vì đến ngày chị phải thanh toán nợ thẻ, cũng là trúng dịp lễ lớn ngày 20/10. Những sản phẩm chị mua giảm giá hàng loạt, số tiền giảm giá nếu tính so với số tiền mà chị được hoàn lại trong thẻ cao hơn rất nhiều.
Cũng là người nghiện mua sắm ngay khi nhận được tin nhắn ưu đãi giảm giá, chị Phùng Thị Bích Ngọc mới ngoài 20 tuổi mà mỗi tháng đều phải trả nợ thẻ lên tới vài triệu đồng. Chị Ngọc chia sẻ, lúc đầu, chị mở thẻ tín dụng để mua sắm trực tuyến và thanh toán online giúp tiết kiệm nhiều thời gian. Do vậy, dù bận rộn với công việc, chị cũng chẳng lo lỡ mất những chương trình khuyến mãi hấp dẫn vì chỉ cần tranh thủ lúc rảnh rỗi, lướt xem, so sánh giá trên các trang web, ưng ý thì chọn mua và thanh toán.
Tuy nhiên, dần dà sự thuận tiện đưa chị vào mê trận mua sắm không có điểm dừng. Bất cứ chương trình khuyến mãi nào chị cũng muốn mua, dẫn đến chuyện chị nợ thẻ triền miên. “Tiền làm được bao nhiêu, tôi trả thẻ hết. Nhiều khi nghĩ không biết đến khi nào mới kết thúc được cuộc sống nợ nần?”, chị Ngọc tươi cười nói.
Thực tế, những người sử dụng thẻ tín dụng bây giờ đều là người trẻ. Họ có thu nhập và đủ khả năng để trả nợ thẻ. Thậm chí, nói như Thanh Mai (28 tuổi), người trẻ bây giờ không thể thiếu thẻ tín dụng. Vì trong hoạt động mua sắm online, thẻ tín dụng giúp xóa bỏ rào cản không gian, thời gian, địa lý, an toàn và thuận tiện tối đa cho người sử dụng. Như trường hợp của chị, trước đây mỗi lần nghe mùa khuyến mãi đón Giáng Sinh, năm mới ở nước ngoài, chị chỉ có thể nhìn bạn bè khoe mua được đồ hiệu giá rẻ. Giờ thì khác, với một chiếc thẻ tín dụng quốc tế trong tay, chị có thể chọn mua rất nhanh theo chương trình khuyến mãi tại nhiều quốc gia.
Có điều, việc quản lý được thẻ tín dụng không phải ai cũng biết. Nói như một chuyên gia tài chính, là chủ thẻ nhưng làm chủ được cái thẻ là hai điều khác nhau. Theo đó, chỉ khi nào chủ thẻ làm chủ được hành vi sử dụng thẻ thì mới là người tiêu dùng thông minh. Cũng theo vị này, việc quản lý tài chính trên thẻ cũng không quá khó khăn. Đầu tiên, thẻ tín dụng có rất nhiều loại, chủ thẻ trước hết phải xác định là mình mở thẻ vì mục đích gì rồi mở đúng loại thẻ đó sẽ không phải chịu nhiều loại phí, đồng thời cũng không nhận được những tin nhắn quảng cáo câu dẫn không cần thiết. Thí dụ, nếu mở thẻ để sử dụng khi đi du lịch thì chỉ nên mở thẻ chuyên dụng để đi du lịch vì nó sẽ giúp người chủ thẻ hưởng những ưu đãi du lịch. Ngược lại, nếu để thanh toán online thì mở thẻ cash card để có thể hưởng chế độ hoàn tiền mua sắm. Còn nếu mở thẻ chỉ vì cần thanh toán trước một khoản lớn để trả dần thì nên chọn ngân hàng nào cho thời gian miễn lãi dài hoặc ngân hàng có liên kết với nhiều đối tác cho phép chuyển khoản giao dịch thành trả góp lãi suất 0%...
Sau khi xác định được nhu cầu mở thẻ thì đến phần quyết định xem mở loại thẻ chuẩn, thẻ vàng, hay bạch kim. Bởi mỗi loại thẻ sẽ có hạn mức chi tiêu khác nhau và dĩ nhiên mức phí thường niên sẽ rất khác. Nếu mở đúng loại thẻ theo đúng nhu cầu thì người chủ thẻ đã tiết kiệm được một khoản phí rất lớn hàng năm.
Tiếp theo đó, người chủ thẻ cần xác định khả năng thanh toán dựa trên thu nhập để có thể làm chủ được chiếc thẻ vạn năng mình đang sở hữu. Đây là yếu tố quan trọng chủ thẻ cần biết khi sử dụng thẻ tín dụng. Tỷ lệ nợ an toàn trên thẻ chỉ nên nằm trong mức 50% trên tổng thu nhập, tức là nếu chủ thẻ có tổng thu nhập bình quân 15 triệu đồng/tháng thì chỉ nên chi tiêu qua thẻ từ 7 – 8 triệu đồng/tháng.
Cuối cùng, điểm tối quan trọng đó là người chủ thẻ phải nhận thức tầm quan trọng của lịch sử tín dụng cá nhân. Có rất nhiều trường hợp người tiêu dùng không tìm hiểu kỹ trách nhiệm thực hiện hợp đồng, bỏ qua các thông báo về sao kê giao dịch, chủ quan để chậm thanh toán dư nợ trên thẻ dẫn đến ảnh hưởng xấu đến điểm tín dụng cá nhân hoặc thậm chí rơi vào nhóm nợ xấu. Đến khi có nhu cầu mở thêm thẻ hoặc muốn nâng cao hạn mức thẻ tín dụng, chủ thẻ sẽ rất khó được ngân hàng chấp thuận…
Triều Anh