Làm gì để hút nhân lực công nghệ?

09:47 | 17/05/2022

Ngân hàng phải quản trị tốt nguồn nhân lực hiện có và tìm cách tuyển dụng, đào tạo thêm để đáp ứng nhu cầu của ngân hàng trong bối cảnh các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phải "tích hợp" nhiều với công nghệ.

Gian nan tìm nhân sự công nghệ

Báo cáo nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao tại thị trường Việt Nam quý I/2022 và dự báo nhu cầu tuyển dụng trong quý II/2022 của Navigos Group công bố gần đây cho thấy, do các ngân hàng tập trung vào chuyển đổi số, tự động hóa… dẫn đến việc tăng nhu cầu tuyển dụng về các vị trí liên quan đến công nghệ thông tin, dữ liệu, kiến trúc giải pháp... Những vị trí này đặc biệt tập trung vào nguồn nhân sự chất lượng cao, nhưng lại rất khó tìm kiếm và cần đầu tư nhiều chi phí do tính cạnh tranh trên toàn thị trường.

Vấn đề cốt yếu khi vận hành một ngân hàng hiệu quả là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tế, dù số lượng sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành tài chính - ngân hàng không thiếu, song các ngân hàng vẫn rơi vào tình trạng không đủ nếu xét về nhu cầu tuyển dụng, cả năng lực và chất lượng nhân lực. Do đó, ngân hàng phải quản trị tốt nguồn nhân lực hiện có và tìm cách tuyển dụng, đào tạo thêm để đáp ứng nhu cầu của ngân hàng trong bối cảnh các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phải "tích hợp" nhiều với công nghệ.

lam gi de hut nhan luc cong nghe
Nhân sự ngân hàng vừa phải tinh thông nghiệp vụ, vừa phải có kiến thức, kỹ năng về công nghệ

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, để bắt đầu một kế hoạch chuyển đổi số, các ngân hàng cần phải chuẩn bị rất nhiều yếu tố từ nguồn lực tài chính, nguồn lực công nghệ, kỹ thuật, nguồn lực con người… Trong đó, để xây dựng nguồn lực con người hay nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số đòi hỏi đơn vị phải giải quyết được hai yêu cầu cơ bản là xây dựng lực lượng lao động với chuyên môn và kỹ năng phù hợp; chuyển đổi mô hình quản trị nhân lực phù hợp.

Lãnh đạo của nhiều NHTM chia sẻ, các chuyên gia và chuyên viên trong lĩnh vực công nghệ và dữ liệu là lợi thế cạnh tranh quan trọng trong tương lai. Bản thân các ngân hàng cũng thừa nhận, đang có khoảng cách lớn giữa cung và cầu về nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ. Thực tế là trong cuộc đua thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, ngân hàng ít lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh là các công ty công nghệ hoặc công ty tư vấn, các công ty tài chính, doanh nghiệp thương mại điện tử...

Theo chuyên gia, ngân hàng để thu hút được nhân tài cần cung cấp được môi trường làm việc và các chương trình tạo động lực tốt nhất. Tuy nhiên, đây chính lại là vấn đề, vì các công ty công nghệ, thương mại điện tử, start up được đánh giá là mang đến cho các kỹ sư nhiều vấn đề mới mẻ để thử thách và xử lý hơn. Chưa kể là môi trường làm việc cũng cởi mở, có phần hợp tác hơn so với văn hoá mang nhiều tính kiểm soát như ngành tài chính - ngân hàng. Thêm nữa, khả năng chi trả lương của các ngân hàng cũng là rào cản lớn để thu hút nhân tài chuyên về công nghệ, thực tế là lương trả nhân sự trong lĩnh vực này trên thị trường đã tăng gấp ba lần so với thời điểm cách đây hai, ba năm trước.

Tái cơ cấu vị trí

Thực tế, nhân sự có trình độ công nghệ tốt thường bị thu hút bởi môi trường của các công ty tư nhân hơn môi trường phải tuân thủ theo các quy trình của ngân hàng. Điều này đòi hỏi ngân hàng cần tạo môi trường khuyến khích sự sáng tạo và chủ động giải quyết vấn đề. Với các TCTD, giới chuyên gia nhấn mạnh ngân hàng nên có sự đầu tư nhiều vào đội ngũ an ninh mạng và bảo mật thông tin. Yêu cầu tuyển dụng nhân sự sẽ không chỉ còn đơn thuần giỏi chuyên môn nghiệp vụ, mà phải có kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ ngân hàng hiện đại. Quá trình ứng dụng công nghệ thông tin chỉ có thể đạt hiệu quả cao khi người sử dụng phải am hiểu và ứng dụng thành thạo công nghệ. Việc nâng cao tính chuyên nghiệp, khả năng làm chủ hệ thống công nghệ hiện đại của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngân hàng sẽ phải chú trọng hơn.

ThS. Trần Thị Ái Diễm - Học viện Ngân hàng (Phân viện Phú Yên) cho rằng, cần có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo và nhà tuyển dụng để đào tạo chuyên sâu kỹ năng quản trị tài chính ngân hàng, đưa ra những nội dung gắn với việc làm và theo nhu cầu xã hội. Ngân hàng cũng cần định hướng các chương trình đào tạo đảm bảo nguồn nhân lực đầy đủ về lượng và chất, đáp ứng mục tiêu thời kỳ CMCN 4.0. Tăng cường đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức cho nhân viên sẵn có để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chú trọng đến đào tạo công nghệ thông tin để nhân viên nắm bắt được thay đổi và làm chủ công nghệ mới.

Hiện, có những hiểu lầm là việc ứng dụng công nghệ cao trở nên phổ biến sẽ khiến một số bộ phận bị thay thế bởi tự động hoá. Ông Bùi Đình Giáp, Nhà sáng lập và CEO akaBot cho rằng, công nghệ chỉ thay thế hoặc cải thiện một số phần trong các công việc vốn do con người đảm nhiệm. “Lịch sử đã minh chứng là chúng ta có nhiều công nghệ mới sinh ra, một số công việc mất đi nhưng sẽ tạo ra những lớp công việc mới như RPA, AI sẽ tạo ra đội ngũ kỹ sư AI; RPA trong vòng 3 - 5 năm nữa có thể thành tạo kỹ năng lập trình…”, chuyên gia này chia sẻ.

Đồng quan điểm, một chuyên gia tài chính nhận thấy, máy móc không thể thay thế hoàn toàn con người nên các ngân hàng cần có chính sách điều chỉnh nguồn nhân lực để phù hợp với thay đổi trong chuyển đổi số. Cơ cấu lại vị trí việc làm, nguồn nhân lực theo hướng phù hợp hơn với mô hình kinh doanh số để tạo ra sự hợp lý trong dài hạn, đảm bảo nhân sự đáp ứng yêu cầu thị trường cần có tư duy công nghệ, nhạy bén.

Minh Khôi

Tin đọc nhiều