Làm gì để tránh “bỗng nhiên mắc nợ”

10:17 | 12/04/2021

Để hỗ trợ người dân kiểm tra thông tin cá nhân xem mình có đang vay vốn ở đâu hoặc có đang bị kẻ gian lợi dụng không, CIC cung cấp dịch vụ trực tiếp cho khách hàng vay trên Cổng thông tin kết nối với khách hàng vay qua Website:www.cic.gov.vn và ứng dụng “CIC Credit Connect” trên điện thoại thông minh (nền tảng Android và iOS).

Thời gian qua, Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) nhận được khá nhiều phản ánh từ khách hàng về việc một số trường hợp khách hàng bỗng dưng phát hiện mắc nợ công ty tài chính, ngân hàng, thậm chí thành nợ xấu dù không làm hồ sơ vay vốn hay mở thẻ tín dụng. Họ chỉ nhận ra khi có nhu cầu vốn và làm thủ tục với ngân hàng thì được biết CMND của họ đã bị làm giả hoặc thông tin cá nhân bị đánh cắp để thực hiện hành vi trái pháp luật.

lam gi de tranh bong nhien mac no
Hiện nay, toàn bộ quá trình thu thập, xử lý, kiểm soát và lưu trữ thông tin của CIC được thực hiện hoàn toàn tự động, thông qua sử dụng hệ thống công nghệ hiện đại

Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc CIC, những trường hợp này đã bị các đối tượng lừa đảo giả mạo hồ sơ, làm giả chứng minh thư, mạo danh khách hàng để qua mặt hệ thống và được duyệt khoản vay tín dụng. Một số trường hợp là cho người quen mượn CMND hoặc nhờ cầm CMND để đến lấy giúp hồ sơ tại ngân hàng, tuy nhiên, sau đó người này đã mở thẻ tín dụng và đã tiêu xài gây ra nợ xấu. Các đối tượng xấu sử dụng thủ đoạn tinh vi trong việc lợi dụng mạng xã hội, sử dụng công nghệ để lừa đảo người dân cung cấp hình ảnh, giấy tờ tùy thân, đưa thẻ tín dụng hoặc cung cấp mã OTP dẫn đến khoản nợ xấu.

Cũng theo ông Tuấn, để hỗ trợ người dân kiểm tra thông tin cá nhân xem mình có đang vay vốn ở đâu hoặc có đang bị kẻ gian lợi dụng không, CIC cung cấp dịch vụ trực tiếp cho khách hàng vay trên Cổng thông tin kết nối với khách hàng vay qua Website:www.cic.gov.vn và ứng dụng “CIC Credit Connect” trên điện thoại thông minh (nền tảng Android và iOS). Thông qua đó, khách hàng hoàn toàn có thể tra cứu thông tin, điểm tín dụng miễn phí về bản thân mình, từ đó giúp người dân giám sát được các thông tin và mức độ tín nhiệm của mình, hỗ trợ kịp thời phát hiện thông tin sai sót hoặc gian lận nếu có. Đồng thời, người dân có thể lựa chọn và tìm kiếm các sản phẩm tín dụng phù hợp từ hệ thống các TCTD, được các TCTD kết nối và tư vấn tín dụng.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, CIC có nhận được một số yêu cầu về việc xóa nợ xấu của khách hàng không vay vốn mà bỗng nhiên mắc nợ như các trường hợp trên, CIC đã hỗ trợ và hướng dẫn khách hàng kiểm tra lại thông tin vay vốn của mình tại Cổng thông tin kết nối khách hàng vay trên website hoặc trên app điện thoại. Căn cứ vào thông tin khách hàng cung cấp, CIC có trách nhiệm kiểm tra, xác minh thông tin, giải quyết khiếu nại và thông tin lại cho khách hàng. Trong quá trình này, khách hàng phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin tín dụng cho CIC và các TCTD. CIC cũng hỗ trợ khách hàng liên hệ trực tiếp với TCTD để kiểm tra soát xét điều chỉnh thông tin của khách hàng. CIC chỉ có thể sửa thông tin tín dụng của khách hàng trong trường hợp TCTD gửi văn bản đề nghị điều chỉnh thông tin sai sót.

Bên cạnh đó, CIC cũng đã xác minh, hiện có một số đối tượng sử dụng hình ảnh, logo của CIC để cung cấp dịch vụ kiểm tra - xóa nợ xấu nhanh chóng, bao gồm nợ đã thanh toán hết với các ngân hàng và hiện vẫn còn dư nợ tại các ngân hàng…; chúng yêu cầu người muốn tra cứu phải cung cấp đầy đủ thông tin CMND, email, số điện thoại… và nộp tiền phí 100.000 đồng/lần tra cứu. Đáng lưu ý là với những thông tin này, người dùng có thể tự tra cứu mà hoàn toàn không mất phí trên hệ thống của CIC.

Đặc biệt các đối tượng lừa đảo còn mời chào xóa nợ xấu tại CIC, với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng để xóa hoàn toàn nợ xấu trên CIC trong 24h và yêu cầu chuyển khoản đặt cọc trước mới thực hiện việc xóa nợ xấu trên CIC. Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc CIC thì lịch sử tín dụng của khách hàng sẽ được lưu trên hệ thống trong vòng 5 năm. Chính vì vậy, những dịch vụ xóa nợ xấu là hoàn toàn không có cơ sở. Hiện nay, toàn bộ quá trình thu thập, xử lý, kiểm soát và lưu trữ thông tin của CIC được thực hiện hoàn toàn tự động, thông qua sử dụng hệ thống công nghệ hiện đại, giảm thiểu sự can thiệp của cán bộ tác nghiệp vào hệ thống, do vậy đã hạn chế tối đa các sai sót về thông tin tín dụng khách hàng vay và không được phép can thiệp thay đổi vào hệ thống này nếu không có sự đồng ý chỉnh sửa từ phía ngân hàng và CIC. Toàn bộ các vụ việc mạo danh CIC để trục lợi bất chính, CIC sẽ chuyển giao hồ sơ và phối hợp với công an để điều tra làm rõ, ông Tuấn cho biết.

Từ 2015 đến 2020, CIC xử lý 456 đơn thư khiếu nại (riêng 2020 là 165 đơn). Chuyên đề nợ xấu chiếm khoảng 60%, trong đó giả mạo CMND khoảng 55 trường hợp (năm 2020 khoảng 20 trường hợp). Các trường hợp giả mạo CMND chủ yếu là các hồ sơ vay qua app điện tử của các công ty tài chính, cho vay trả góp.

Thanh Thủy

Tin đọc nhiều