Lạm phát cản bước hội nhập

15:52 | 20/04/2012

Với bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, một cách tổng quát, có thể dự báo các xu hướng vận động của thị trường nước ta trong những năm tới sẽ được thúc đẩy phát triển theo hướng hình thành thị trường cạnh tranh thực sự.

Đặc biệt, thị trường sẽ phát triển theo hướng vừa gắn kết chặt chẽ giữa thị trường đô thị, nông thôn và miền núi. Cũng là xu thế tất yếu, hai khu vực thị trường đô thị và thị trường vùng - khu vực có lợi thế so sánh về quy mô sản xuất, khả năng thu gom, trung chuyển hàng hoá sẽ có sự bứt phá nhanh vượt trội. Thị trường cũng sẽ ngày càng "nhạy cảm" hơn với các biến động của thị trường khu vực và thị trường quốc tế.

Ảnh: BĐT
Thiếu thông tin về thị trường hiện là khó khăn lớn đối với các DN.
(Ảnh: BĐT)

Trong điều kiện nền kinh tế mở với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các DN (hãng) phân phối hàng hoá sản xuất ở nước ngoài trên thị trường Việt Nam, sẽ kéo theo những tác động của thị trường ngoài nước đến thị trường nội địa.

Song song với xu thế trên, sẽ là quá trình tiếp tục tự do hoá (có sự quản lý, định hướng vĩ mô của Nhà nước) các yếu tố cơ bản và nhạy cảm nhất của thị trường (giá cả hàng hoá và dịch vụ, tỷ giá hối đoái và lãi suất...) để chúng được hình thành và vận động theo các quy luật tự nhiên của thị trường, nhất là quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh.

Đánh giá về lợi thế của DN trong hội nhập, 44% DN cho rằng, họ duy trì lợi thế trên thị trường nhờ yếu tố giá thành sản phẩm, 40% DN có lợi thế về tìm kiếm thị trường, và 1/3 số DN khảo sát có lợi thế về sản phẩm độc đáo, mới lạ. Bên cạnh những lợi thế, các DN cũng đưa ra rất nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập.

Khó khăn lớn nhất được 26% DN đồng tình là sự thiếu thông tin về thị trường. Trở ngại lớn thứ hai là, khả năng tiếp cận với nguồn vốn và công nghệ với 25% số DN khảo sát gặp phải. Cũng có gần 25% DN cho biết, trở ngại mà họ gặp phải trong quá trình hội nhập là sự yếu kém trong ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ thông tin.

Ngoài những khó khăn trên, có hơn 50% số DN cho rằng, rào cản lớn nhất cho hàng hóa trong nước khi bước ra thị trường thế giới là mức lạm phát trong nước quá cao, sự bất ổn định của giá cả các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, áp lực cạnh tranh từ các đối thủ trên thị trường quốc tế cũng là một trở ngại. Trong khi đó, việc quảng bá thương hiệu, thiết kế mẫu mã còn non yếu và chỉ có 25% các DN gặp khó khăn do các rào cản phi thuế quan, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của nước nhập khẩu.

Sự không tương thích của các quy định kiểm toán, kế toán của Việt Nam so với chuẩn mực quốc tế cũng là một khó khăn đối với quá trình hội nhập của DN.

Doãn Minh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều