Thẻ tín dụng: Tận dụng miễn lãi 45 ngày như thế nào? | |
Cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thẻ tín dụng |
Sử dụng thẻ thông minh để quản lý tài chính tốt nhất cho bản thân |
Ồ ạt mở thẻ
Theo chia sẻ của chị Vũ Thúy Hạnh (Kế toán trưởng Công ty cổ phần Hapri), mỗi ngày chị tiếp khoảng 20 cuộc gọi mời mở thẻ tín dụng từ nhiều ngân hàng khác nhau. Do không hề bài xích chuyện mở thẻ tín dụng mà ngược lại, chị rất thích thú với những chương trình khuyến mãi mà các ngân hàng dành cho chủ thẻ. Thế nên, chị đã mở rất nhiều loại thẻ tín dụng từ các ngân hàng khác nhau để hưởng ưu đãi như: hoàn tiền, miễn phí thường niên cho thẻ mới, giảm giá ăn uống mua, sắm, tích lũy chặng bay, quay số trúng thưởng…
“Hiện tôi đã sở hữu hơn 10 loại thẻ tín dụng khác nhau từ nhiều ngân hàng khác nhau. Nhiều lúc tôi cũng loạn với số tiền đã sử dụng trong thẻ nhưng nhìn chung, tôi vẫn hài lòng vì sở hữu nhiều thẻ, cần thẻ gì là có thẻ đó”, chị Hạnh chia sẻ.
Thực tế, việc khuyến khích khách hàng mở thẻ tín dụng để chi tiêu cũng là một trong những mục tiêu mà các ngân hàng hướng tới khách hàng có thu nhập cao và ổn định. Điều đó lý giải vì sao dù biết khách hàng đã và đang sở hữu thẻ tín dụng rồi nhưng các nhân viên tư vấn mở thẻ của nhiều ngân hàng vẫn tìm mọi cách để khách hàng mở thêm thẻ mới tại ngân hàng của mình.
Trường hợp của Phan Thụy Anh (chủ shop Mực Tím - TP.HCM) là một thí dụ. Dù đã có khá nhiều thẻ nhưng mới đây, Thụy Anh vẫn mở thêm một thẻ tín dụng mới tại Nam A Bank vì nhận thấy ngân hàng có chương trình tốt dành cho chủ thẻ. Cụ thể, ngân hàng này vừa tung ra gói ưu đãi kép “Hoàn tiền nhân đôi” và “Cùng JCB săn deal xịn vi vu Nhật Bản”. Theo đó, nếu khách hàng sử dụng thẻ tín dụng quốc tế Nam A Bank sẽ có cơ hội được hoàn tiền 50% (tối đa 2 triệu đồng) khi có giao dịch chi tiêu du lịch hoặc giáo dục sớm nhất từ 1 triệu đồng trở lên.
Đặc biệt, 9 khách hàng có tổng chi tiêu cao nhất vào cuối chương trình sẽ được hoàn thêm 2 triệu đồng. Chưa kể, mỗi giao dịch hợp lệ tối thiểu 100.000 VND, khách hàng được tham gia chương trình quay số trúng thưởng voucher du lịch Nhật Bản trị giá đến 50 triệu đồng cùng nhiều voucher du lịch hấp dẫn khác. Đặc biệt, khách hàng còn được tận hưởng các deal “xịn” giảm giá đến 30% tại các website thương mại điện tử, mua sắm, du lịch như Tiki, Adayroi, Nguyễn Kim, Vntrip, Jetstar…
Cần cân nhắc về số lượng
Về lý thuyết, việc xài thẻ sao cho được lợi rất được các chủ thẻ quan tâm cho dù các ngân hàng thường xuyên triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để khuyến khích chi tiêu qua thẻ. Theo các chuyên gia tài chính, người tiêu dùng nên mở thẻ phù hợp với nhu cầu thay vì mở thẻ một cách “vô tội vạ”. Để quyết định mở bao nhiêu thẻ tín dụng, cần xác định nhu cầu cũng như tần suất sử dụng thẻ của cá nhân. Bởi việc sở hữu quá nhiều thẻ không chỉ tăng khả năng nợ cao hơn mà còn làm ảnh hưởng đến số tiền bạn có thể vay trong tương lai.
Nói như vậy là vì không phải người tiêu dùng nào cũng có thể kiểm soát tốt khả năng tài chính của mình trong suốt thời gian dài. Ngoại trừ một số người có kiến thức cơ bản về kế toán như chị Thúy Hạnh (nêu trên) thì hiện nay còn rất nhiều người mở thẻ theo phong trào, thậm chí là theo lời dụ dỗ của nhân viên tư vấn. Hậu quả của việc mở thẻ không cân nhắc xảy ra rất nhiều vấn đề liên quan đến phí, lãi suất sau này của chủ thẻ.
Và theo ý kiến của vị chuyên gia này, nếu lấy một mức căn bản, an toàn khi sử dụng, các chuyên gia khuyên chỉ nên sở hữu 2 thẻ tín dụng của 2 ngân hàng phát hành khác nhau. Theo đó, người tiêu dùng sẽ dễ dàng quản lý dòng tiền, hạn mức tín dụng cộng gộp cũng sẽ cao hơn, phù hợp khả năng chi trả và thanh toán, chưa kể bạn tận dụng được hết các tính năng, khuyến mãi từ 2 thẻ. Còn trường hợp sở hữu đến 5-7 thẻ, thậm chí là 10 thẻ thì người chủ thẻ vô hình trung đã đưa mình vào “bẫy tiêu dùng” cũng như gặp rủi ro trong quá trình thanh toán là điều có thể xảy ra.
Đồng quan điểm, một lãnh đạo NHTMCP cho rằng, dù rất muốn khách hàng sử dụng thẻ của ngân hàng nhưng ông cũng không đồng ý với một người sở hữu quá nhiều thẻ tại nhiều ngân hàng khác nhau. Bởi việc này sẽ khiến khách hàng gặp rủi ro trong quá trình thanh toán nếu chẳng may một ngân hàng phát hành phát sinh lỗi không thể xử lý giao dịch thanh toán của chủ thẻ. Vị này còn đưa hẳn một ví dụ liên quan đến vợ mình trong cách sử dụng thẻ tín dụng.
Theo đó, chị T.L. có chồng làm ngân hàng A, nhưng vẫn sở hữu thêm 3 thẻ tín dụng - một thẻ Visa, một thẻ JCB và một thẻ Mastercard tại các ngân hàng khác. Ban đầu nhờ khéo tận dụng các ưu đãi, chị T.L. vẫn tiết kiệm được một khoản không nhỏ so với chi tiền mặt.
Cụ thể, với thẻ Visa, chị tham gia chương trình trả góp 0% lãi suất một số mặt hàng điện máy thiết yếu. Đồng nghĩa chị có thể chia nhỏ khoản tiền để thanh toán dần, phù hợp với tình hình ngân sách của bản thân. Với thẻ Mastercard chị thường xuyên chi tiêu mua sắm để tích điểm VinID và JCB thì chị dùng để đi du lịch, tích điểm… Với chị, chỉ cần sắp xếp hợp lý các nhu cầu, mục đích tài chính, lưu tâm tìm hiểu và tận dụng ưu đãi từ ngân hàng, bạn hoàn toàn có thể làm chủ dịch vụ và biến thẻ tín dụng thành một công cụ hoạch định chi tiêu, tiết kiệm tiền đa năng.
Những tưởng mọi việc suôn sẻ nhưng gần đây, theo chia sẻ của chồng chị thì sự cố phát sinh khi chị đi nước ngoài dài ngày mà không sử dụng sim điện thoại trong nước. Do vậy, các thông báo chi tiêu mà ngân hàng nhắn đến, chị đều không nhận được. Trong đó, có một loại thẻ chị sở hữu bị nợ quá hạn vài trăm ngàn đồng (chị đã quên đóng trước đó) đã khiến lịch sử tín dụng của chị bị đánh giá xấu, ảnh hưởng đến một số giao dịch liên quan đến ngân hàng sau này của chị.
Do vậy, vị lãnh đạo ngân hàng trên khuyên rằng, người mở thẻ nên cân nhắc về số lượng thẻ tín dụng sẽ mở, đồng thời đặt ra vài tiêu chí cần thiết khi mở thẻ. Đơn cử, người mở thẻ nên coi trọng các chính sách về các loại phí, cách tính lãi suất, lãi phạt, phí chuyển đổi ngoại tệ, thời gian miễn lãi… của từng ngân hàng thay vì đặt nặng chương trình khuyến mãi, quà tặng. Bởi hiện nay, mở thẻ tín dụng tại bất kể ngân hàng lớn nhỏ nào cũng được tặng kèm rất nhiều ưu đãi hấp dẫn…
Đối với việc sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán ở các quốc gia khác, người dùng sẽ phải chịu một loại phí khác là phí chuyển đổi ngoại tệ. Loại phí này cũng khá cao, dao động từ 1% đến 4%, tùy vào chính sách của từng ngân hàng. Ngoài ra, trường hợp khách hàng thanh toán, trả chậm thẻ tín dụng cũng có thể bị phạt một khoản từ 4% - 6% số tiền thanh toán chậm. Về bản chất, thẻ tín dụng cũng là một hình thức cho vay tiêu dùng, do vậy, như trên, lãi suất còn ở mức khá cao và biên lãi suất giữa các loại và giữa các ngân hàng khá rộng. Do đó, theo các chuyên gia tài chính, để sử dụng thẻ một cách hiệu quả nhất và tránh những rắc rối không đáng có liên quan đến tài chính, người dùng nên nắm rõ các chi phí, lãi suất này để có những điều chỉnh hợp lý. |
Tường San