Phát huy tiềm năng kinh tế vùng biên | |
Năm 2018: Ngành Ngân hàng Lào Cai phấn đấu tăng trưởng tín dụng 10% so với 2017 |
Vươn lên mạnh mẽ
Mặc dù chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Lào Cai vừa được công bố xếp thứ 11, nhưng với nỗ lực của mình trong vài năm gần đây đặc biệt là năm 2017, kinh tế xã hội tỉnh Lào Cai đã có sự phát triển mạnh mẽ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Hữu Thể cho biết, tỉnh đã xác định 4 trụ cột cũng là tiềm năng thế mạnh của mình không thể tách rời để phát triển là nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ du lịch và kinh tế cửa khẩu.
Lào Cai tăng trưởng kinh tế tốt và trung ương đánh giá như một điển hình |
Với tiềm năng kinh tế cửa khẩu, Lào Cai đã nhận ra lợi thế ngay từ lúc tái lập tỉnh vì cách đây 100 năm Pháp đã xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai với cửa khẩu quốc tế Lào Cai dù lúc đó còn rất nhỏ. Xác định đây là một lợi thế nên Lào Cai đã đề nghị trung ương nâng cấp đường sắt, đường sông và đường cao tốc. Đồng thời với đó, tỉnh đã xây dựng 4 chương trình và 19 đề án vào khai thác lợi thế này.
Đến nay, kinh tế xuất nhập khẩu đã đóng góp rất lớn trong quá trình phát triển của tỉnh khi kết thúc 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu của Lào Cai đạt con số rất ấn tượng với xấp xỉ gần 3 tỷ USD. Đây có thể nói là năm có tổng kim ngạch cao nhất và cũng là năm thu ngân sách cao nhất cho đất nước, góp phần giúp Lào Cai phát triển mạnh mẽ hơn.
Để khai thác lợi thế kinh tế cửa khẩu, Lào Cai đang trình Chính phủ cho phép xây dựng khu kinh tế cửa khẩu lớn gấp 10 lần hiện nay, tức là lên 16 nghìn ha và đang tập trung xây dựng rất nhiều hạng mục trong đó với rất nhiều ý tưởng như tiếp tục nâng cấp cao tốc 4 làn, nâng cấp đường sắt, đường thủy và sắp tới không xa, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đang quyết tâm cùng Sun Group và bộ ngành trung ương sẽ khởi công và khánh thành sân bay của Lào Cai vào năm 2019.
Với lợi thế du lịch, trong đó Sapa đã được người Pháp phát hiện ra trên 100 năm, họ xây dựng khoảng 300 biệt thự cho các quan chức nghỉ mát tại nơi này. Đây cũng là một lợi thế và Lào Cai coi du lịch là mũi nhọn đột phá trong nhiệm kỳ này. Năm 2017, Lào Cai được Trung ương giao nhiệm vụ tổ chức năm Du lịch Quốc Gia Lào Cai – Tây Bắc. Kết quả là đã giúp cho lĩnh vực du lịch bội thu. Sapa chính thức được Thủ tướng phê duyệt là khu vực du lịch trọng điểm Quốc gia cùng với Đà Lạt (Lâm Đồng)…
“Sapa của Lào Cai nhưng cũng là Sapa của cả nước nên Ban chấp hành Đảng bộ Lào Cai đã xác định sẽ xây dựng Sapa không chỉ là trọng điểm Quốc gia mà còn là trọng điểm, là viên ngọc của cả khối ASEAN và các nước Đông Nam Á”, ông Thể nói và cho biết, tỉnh đang tiếp tục mở đường cao tốc từ Lào Cai lên Sapa, giúp rút ngắn quãng đường chỉ còn 14,5 phút.
Cùng với đó, tỉnh cũng quyết định di dời các trụ sở để giành toàn bộ đất cho khu thương mại và hình thành các công trình rất lớn. Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã duyệt tất cả Sapa chỉ có khách sạn 5 sao mới được phép xây dựng, ngoài ra, chúng tôi cũng đang cho xây dựng hồ nhân tạo trên núi, xây dựng các tuyến đường tránh để Sapa sẽ lên thị xã, xây dựng Sapa thành thành phố trong sương.
Phát huy lợi thế
Theo thống kê, năm 2017 lượng khách du lịch đến Lào Cai khoảng 4 triệu lượt, tăng đột biến khoảng trên 30%, giá trị thu nhập tăng trên 50%, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 10 nghìn tỷ đồng, bằng 50% của 7 tỉnh miền núi cộng lại. Du lịch Sapa không chỉ khai thác từ khách trong nước, mà còn cả khách quốc tế, nhất là vùng Tây Nam trung Quốc, và khách quen thuộc từ châu Âu…
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Thể, Lào Cai được trời phú cho trong lòng đất rất nhiều tài nguyên và khoáng sản như mỏ: Apatit, đồng, sắt… lớn nhất cả nước, đến nay tỉnh đã hình thành được 3 cụm công nghiệp rất lớn. Một tin rất vui được ông Thể nhắc đến là bước vào năm 2017, dù đầu năm khó khăn nhưng đến cuối năm tình hình tiêu thụ sản phẩm quặng chế biến sâu tiêu thụ rất tốt.
Ví dụ như DAP, sản xuất từ Apatit đã xuất khẩu và tiêu thụ nội địa rất tốt. Sản phẩm đồng đã không còn tình trạng khai thác thô bán mà đã được chế biến sâu thành đồng thỏi và hướng tới chế biến sợi đồng để đáp ứng cho nền kinh tế… Hiện giá trị công nghiệp Lào Cai đang chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP của tỉnh.
Một lợi thế khác là Lào Cai có khí hậu rất tốt trên nền đất apatit trù phú và có độ cao rất lý tưởng để phát triển nông nghiệp công nghệ. Đến nay chỉ sau 2 năm kết nghĩa với Lâm Đồng, nông nghiệp Lào Cai đã mang lại diện mạo rất mới, hiện chè có trên 5.000 ha nhưng cho thu nhập rất cao, chè Lào Cai không chỉ tiêu thụ ở nội địa mà còn xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Sau 2 năm Lào Cai còn hình thành thêm được 1.500 ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha, cá biệt có khu vực đạt trên 2 tỷ đồng/ha.
Ông Nguyễn Hữu Thể cho biết, việc khai thác tốt 4 lợi thế này đã góp phần giúp Lào Cai tăng trưởng kinh tế rất tốt và trung ương đánh giá như một điển hình, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11%, chuyển dịch kinh tế rất đúng hướng và nông nghiệp chỉ còn khoảng 14% GDP nhưng trách nhiệm nuôi sống 2/3 dân số cả tỉnh.
Thu ngân sách năm 2017 đạt 157% so với trung ương giao. Con số tuyệt đối có thể chỉ bằng 1 giờ thu của TP. HCM nhưng 8.000 tỷ đồng có ý nghĩa rất lớn vì Lào Cai chỉ có 60 vạn dân, nếu chia cho đầu dân của Lào Cai thì mỗi người đóng góp cho ngân sách cao nhất cho cả nước…
Dương Công Chiến