Lập kế hoạch mua nhà

10:09 | 23/02/2017

Mới đây, HSBC đưa ra khá nhiều thông tin bổ ích để giúp cho người trẻ quản lý tài chính có thể mua được nhà. Theo đó, có 4 bước được xác lập để giúp người trẻ Việt mua được nhà.

Cuối năm, dịp tốt để mua nhà, mua xe
Đối tượng và điều kiện được mua nhà ở xã hội
Kiểm soát rủi ro, bảo vệ người mua nhà

Ở tuổi 32 và đã ngừng công việc làm nghệ thuật chuyên nghiệp để chuyển sang làm một công việc văn phòng. Trong suốt thời gian tích cóp, Chị P. A (quận 1) chia sẻ một số quan niệm về tiền bạc, nhất là những bài học chị rút ra về việc chi tiêu. Cụ thể, chị P.A cho biết, chị sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động, chị có thời gian đi rửa bát thuê ở các cửa hàng gần nhà mỗi cuối tuần khi mới 20 tuổi.

Mẹ chị muốn rằng đây là những bài học giúp con cái hiểu được giá trị của đồng tiền. Và cũng chính việc đi làm sớm giúp cho chị kiếm tiền được khá sớm. Nói như vậy vì thành công lớn nhất đến thời điểm này của chị là sở hữu một chiếc xe ôtô. Tuy nhiên, chị cũng biết rằng chị gặp phải sai lầm vì "vung tay quá trán".

lap ke hoach mua nha

Theo đó, cách đây vài năm, chị đã tích cóp được kha khá tài sản so với những người ở cùng độ tuổi, nhưng chị P.A cho biết chị không để dành được nhiều tiền vì từ lâu chị đã bị nhiễm thói xấu là ham muốn tiêu tiền. Cụ thể, khi đó chị kiếm được nhiều tiền và không quan tâm đến khấu hao giá trị với xe mới.

Chị đã mua một chiếc xe đắt tiền với giá hơn 1 tỷ đồng và lập tức nhận ra rằng chiếc xe mới mất giá ngay sau khi sở hữu nó. Trong khi đó, chị chưa mua được nhà riêng để lo cho cuộc sống của mình. “Tính đến thời điểm này, dù cảm giác mua sắm gì đó rất tuyệt, nhưng tôi cố gắng dùng tiền bạc một cách khôn ngoan nhất có thể", chị P.A nói.

Thế nên, thay vì làm một người chi tiêu, chị P.A đang cố gắng trở thành một người tiết kiệm. Thực tế, có rất nhiều người như chị P.A, dù sở hữu trong tay nhiều tài sản nhưng cũng không mua được nhà và không có cái nhìn toàn diện trong việc chi tiêu.

Điều này được thể hiện khá chính xác qua các con số thống kê của HSBC. Tại Việt Nam, nhu cầu sở hữu nhà ở đang tăng cao do đất nước trong giai đoạn dân số “vàng” và tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Hiện gần 1/3 dân số (32,8%) đang ở độ tuổi 25-45 và phân nửa trong số đó là thế hệ trẻ. Tốc độ đô thị hóa đạt tỷ lệ 35% trong năm 2016 và ước đạt 40% tính đến năm 2020.

Các trung tâm kinh tế như TP. HCM, Đà Nẵng, Hà Nội và Hải Phòng sẽ trở thành nhà của khoảng 36 triệu dân trong vòng 4 năm tới. Theo Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), tại thành phố mỗi năm có hơn 50.000 cặp vợ chồng trẻ mới kết hôn, nhu cầu về nhà ở sẽ rất cao. Tuy nhiên, khả năng mua nhà của người trẻ Việt Nam bị giới hạn bởi giá nhà tăng và chưa có kế hoạch tài chính hợp lý.

Trong khi đó, mong mỏi có nhà của các bạn trẻ Việt Nam cũng tương tự như ở các nước trên thế giới. Khảo sát với 10.000 người thuộc thế hệ thiên niên kỷ (millennial – hay thế hệ Y, chỉ những người sinh trong khoảng thời gian từ 1981 đến 1998) tại 10 nước, vùng lãnh thổ... của HSBC cho thấy cứ 10 người trẻ thì có gần 4 người (38%) đã có nhà riêng. Đối với những người chưa sở hữu nhà, có đến 81% dự định mua nhà trong 5 năm tới, mặc dù tỷ lệ này có dao động lớn tùy nơi.

Chuyên gia HSBC cho rằng để hiện thực hóa ước muốn mua nhà của hàng chục nghìn cặp vợ chồng kết hôn mỗi năm ở các thành phố lớn, người trẻ nên sớm lập một kế hoạch tài chính khoa học và khả thi. Do đó, theo ông Sabbir Ahmed - Giám đốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản (HSBC Việt Nam), người trẻ Việt Nam có thể tham khảo 4 bước sau để lập kế hoạch tài chính và mua nhà.

Đầu tiên, lên kế hoạch từ sớm và đừng xem nhẹ khoản thanh toán đầu tiên. Bởi càng sớm lên kế hoạch, giấc mơ mua nhà của mỗi người càng sớm thành hiện thực. Kế hoạch này phải bao gồm việc tiết kiệm cho khoản thanh toán đầu tiên khi mua nhà. Hãy tìm hiểu gói sản phẩm cho vay mua nhà cạnh tranh giúp bạn có thể thanh toán phần chi phí còn lại.

Kế đến, lập ngân sách cao hơn giá ngôi nhà cần mua. Theo đó, vị chuyên gia HSBC khuyên người trẻ cần phải tính toán đến những chi phí để biến ngôi nhà muốn mua trở thành nơi mà mỗi người muốn sống, và đảm bảo rằng bạn không bỏ sót những chi phí này trong kế hoạch tài chính của mình.

Bước thứ ba cần thiết đối với người trẻ là phải cân nhắc xem bạn có thể hy sinh những gì cho giấc mơ mua nhà của mình. Để làm được điều này người mua nhà phải xem xét cắt giảm chi tiêu mỗi ngày. Thế nên, giới chuyên môn khuyên rằng mỗi người hãy suy nghĩ linh hoạt về cách làm sao có thể giúp bạn mua được một ngôi nhà, ví dụ, mua chung với một người thân hay bạn bè.

Cuối cùng, đây là thời điểm để mỗi người có cái nhìn bao quát về tình trạng tài chính của bản thân. Hãy nghĩ rằng vay mua nhà là một phần của kế hoạch tài chính dài hạn chứ không phải là giao dịch một lần. Mỗi khoản vay mua nhà khác nhau sẽ phù hợp với tình hình và nhu cầu tài chính khác nhau. Do vậy, hãy tìm lời khuyên từ chuyên gia tài chính để chắc rằng mỗi người có sự lựa chọn đúng đắn.

Tố Uyên

Tin đọc nhiều