Lẻ và buôn: Nước cờ cân lên đặt xuống

08:38 | 16/05/2016

Việc phát triển kênh bán hàng truyền thống, và điều chỉnh hợp lý giữa bán lẻ và bán buôn mới là phương án tối ưu.

Xác lập vị thế NH bán lẻ tốt nhất
BIDV: "Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam" năm thứ hai liên tiếp
VietinBank: Hành trình vươn tới thương hiệu bán lẻ số 1

Những năm trở lại đây, mục tiêu trở thành ngân hàng (NH) bán lẻ được không ít nhà băng đề cập tới trong chiến lược phát triển của mình. Băn khoăn nhiều người đặt ra là: “Vậy còn mô hình bán buôn thì sao? Và liệu trong tương lai, mảnh đất này có bị mục tiêu bán lẻ lấn át không?”.

Khi bán lẻ “lên ngôi”

Chọn chiến lược phát triển NH bán lẻ, mục tiêu “trở thành NH bán lẻ số 1”, “NH bán lẻ hàng đầu Việt Nam”… là những cụm từ được xuất hiện dày đặc trong chiến lược, kế hoạch của nhiều NHTM tại Việt Nam thời gian qua. Và các NHTM cũng đang đẩy mạnh hơn việc “hiện thực hoá” mục tiêu này trong thời gian ngắn.

Những ông lớn như BIDV, Vietcombank… cũng không nằm ngoài xu hướng này. BIDV đặt mục tiêu tới năm 2018 vẫn chắc chân với vị trí đứng đầu về thị phần huy động vốn và tín dụng bán lẻ trong khối NHTMCP. Dù đây là NH được biết đến với những dự án đầu tư lớn, cho các công trình trọng điểm. Còn Vietcombank cũng không bỏ qua thị trường đầy tiềm năng này, song song phát triển với mảng bán buôn của mình. Nhà băng này cũng hướng tới năm 2020 sẽ trở thành “Ngân hàng số 1 về bán lẻ trên thị trường Việt Nam”.

le va buon nuoc co can len dat xuong
Cân đối hài hoà giữa bán lẻ và bán buôn phù hợp với điều kiện của từng NH mới là cách để phát triển ổn định

Thị trường tài chính - NH ngày nay chuyển mình theo sự vận động phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Đã qua rồi cái thời NH chỉ tập trung vốn vào một chỗ, một lĩnh vực hay chỉ chú trọng vào phát triển tín dụng. Để lớn mạnh và nâng cao tính cạnh tranh, việc đầu tư để nguồn vốn sản sinh được mỗi NHTM tính toán qua nhiều kênh đa dạng, phong phú hơn. Nên bán lẻ được chuộng hơn bán buôn.

Với bán lẻ, các NH đã đang có nguồn thu nhập ổn định, tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) bớt chông chênh hơn so với bán buôn. Thêm nữa, rủi ro của bán lẻ phần nào sẽ thấp hơn so với bán buôn, vì khả năng rủi ro được phân bố đều ra nhiều kênh.

Thị trường Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng cho phát triển bán lẻ. Tiềm năng, đồng nghĩa với việc bị “nhòm ngó” bởi cả các đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước. Xác định điều này các NH Việt không muốn hụt mất thời cơ nên việc phát triển NH bán lẻ ngày càng diễn ra mạnh mẽ và dày đặc hơn.

Có nhiều cách để các NHTM ở Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu của mình: mở rộng mạng lưới chi nhánh để tăng thị phần; ra mắt những sản phẩm, dịch vụ, công nghệ phù hợp cho nhiều đối tượng khách hàng đặc thù; mở rộng kênh phân phối, đặc biệt là kênh phân phối trực tuyến, như cách mà TPBank - NH số đã và đang làm.

Một cách khác cũng dễ dàng nhận thấy, là NHTM chọn cách bắt tay với các công ty bảo hiểm (Bancassurance) để có thể tận dụng lợi thế của nhau. Một phương thức kinh doanh “cộng sinh”, khi bảo hiểm là lĩnh vực tiềm năng, và NH thì luôn “khát” khách hàng. Các dịch vụ khác như: tư vấn đầu tư tài chính, thanh toán… đều được các NH tận dụng triển khai, vì ít rủi ro hơn hoạt động tín dụng.

Tuy nhiên Tổng giám đốc một NHTM lớn cũng cho rằng: “NH nào cũng phải có sự tính toán. Trong thời buổi này thì cân lên, đặt xuống thế nào cho có lợi thì làm, chứ cũng chưa nghĩ tới chuyện là bán lẻ hay bán buôn. Vì đầu tư phát triển mảng nào, thì đều đi theo mục tiêu, định hướng trong giai đoạn và thời điểm thực tế”.

Công nghệ cũng là xu hướng mà các NHTM rót không ít vốn vào để đầu tư nhằm phát triển các dịch vụ NH bán lẻ. Mới đây, MB mở dịch vụ cho phép ứng tiền qua POS, TPBank với hàng loạt những sản phẩm kỹ thuật số: TPBank eBank cho phép đăng nhập, thanh toán bằng vân tay, VPBank ra mắt Timo - tài khoản NH đi kèm thẻ ghi nợ…

“Lẻ” liệu có bẻ “buôn”?

Ngân hàng nào cũng nhìn thấy tiềm năng thị trường bán lẻ là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh khi những diễn biến của nền kinh tế thế giới và trong khu vực ngày càng có những biến động khó lường, thì việc “ăn chắc, mặc bền” vẫn hơn là một “mẻ cá lớn”. Tuy nhiên, không thể nói rằng phát triển bán lẻ không cần phải thận trọng như bán buôn được. Bởi nếu không tính toán, thì NH cũng sẽ gặp phải rủi ro.

Bán buôn trước nay vốn dĩ là thị phần và lợi thế của những NH lớn, có mạng lưới rộng khắp, nền tảng tài chính vững… Nên những NH nhỏ hơn, mục tiêu phát triển cũng phải lựa chọn để có hướng đi vừa sức.

Bởi đã từng có NHTM nhỏ đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống giao dịch liên ngân hàng, mở công ty kiều hối, đầu tư vào bất động sản… nhưng đã bị “ngã ngựa”, hay nhẹ hơn là dậm chân tại chỗ, khi chi phí đầu tư bỏ ra quá lớn, nhưng kỳ vọng lợi nhuận thu về thì chưa đáng kể. Và khi cơn bão bán lẻ dồn dập lan nhanh trên thị trường, các NH này sẽ rơi vào trạng thái bị bão hoà, khi đâu đâu cũng mang tới dịch vụ bán lẻ cho khách hàng.

Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý, là xu hướng phát triển các công ty công nghệ tài chính (FinTech) sẽ là đối thủ với các NH, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán khi nó cũng cung cấp đầy đủ các dịch vụ từ chuyển tiền tới cho vay. “Nếu NH không biết tận dụng lợi thế của mình, và điều tiết sao cho hiệu quả, thì bán lẻ chưa chắc đã lợi hơn bán buôn” - một chuyên gia tài chính chia sẻ.

Tín dụng vài năm trở lại đây có sự tăng trưởng tương đối lớn, nên cũng không khẳng định được bán lẻ sẽ phát triển đỉnh cao. Vì khi thị trường khởi sắc, thì bán buôn vẫn có một vị trí nhất định trong đầu tư của mỗi nhà băng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, cho vay bán lẻ tưởng rủi ro ít nhưng hoàn toàn không. Cho vay lẻ, thì tài sản thế chấp theo đó cũng thấp, thậm chí phần lớn cho vay không thế chấp… nên rủi ro sẽ thực sự là khó lường. Thêm vào đó, chấm điểm tín dụng cá nhân của Việt Nam vẫn đang ở những bước đầu, nên việc lấy đây làm cơ sở xem ra còn nan giải.

Chuyên gia tài chính cũng nhận định rằng: Với việc loay hoay phát triển theo con đường bán lẻ nào cho phù hợp, các NH cũng dễ vấp phải lối mòn. Vì thế, việc phát triển kênh bán hàng truyền thống, và điều chỉnh hợp lý giữa bán lẻ và bán buôn mới là phương án tối ưu. Vì thị trường còn thay đổi, và không ai dám chắc bán lẻ sẽ không mất ngôi.

Khuê Nguyễn

Tin đọc nhiều