LienVietPostBank tăng trưởng mạnh tổng tài sản sau 7 năm

13:16 | 27/03/2015

Nhân kỷ niệm 7 năm ngày thành lập (28/3/2008 – 28/3/2015), LienVietPostBank đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2015 và công bố kết quả kinh doanh năm 2014.

Năm 2014, LienVietPostBank tăng trưởng mạnh về tổng tài sản và một số chỉ tiêu khác trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, đặc biệt với lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Cũng trong năm 2014, LienVietPostBank đã hoàn thành việc xây dựng Trung tâm dữ liệu dự phòng để đảm bảo dữ liệu kinh doanh luôn được sao lưu, cập nhật liên tục. Đây là bước tiến mới về nền tảng công nghệ thông tin.

lienvietpostbank tang truong manh tong tai san sau 7 nam
Ảnh minh họa

Chia sẻ về những kết quả đạt được trong 7 năm qua, TS. Nguyễn Đức Hưởng – Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank cho biết: Điểm khác biệt của LienVietPostBank trong những năm qua là trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều khủng hoảng, LienVietPostBank vẫn không những không giảm biên chế mà còn tăng biên chế so với những năm trước. Số lượng nhân sự đến cuối năm 2014 là gần 4.000 cán bộ nhân viên, tăng gấp 10 lần so với thời điểm thành lập và dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng.

Bên cạnh đó, ngân hàng tích cực mở rộng mạng lưới, hoàn thiện hệ thống. Trong năm 2015, LienVietPostBank phấn đấu hoàn thành mục tiêu mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Đồng thời, LienVietPostBank cũng chủ động trích lập dự phòng rủi ro.

Việc đổi mới biên chế, chi phí mở rộng mạng lưới và trích lập dự phòng rủi ro, tập trung đầu tư phát triển công nghệ chính là lý do lợi nhuận năm 2014 của LienVietPostBank giảm từ 644 tỷ đồng xuống còn 535 tỷ đồng so với năm 2013. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Hưởng, đối với LienVietPostBank, “giảm” ở đây là để “tính đường dài”.

Trong suốt thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của NHNN về các vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nông nghiệp - nông thôn và tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vay, LienVietPostBank đã có điều chỉnh chính sách lãi suất nhanh nhạy nhằm hạ lãi suất tín dụng, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, DNNVV… đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Đáng chú ý, về hoạt động kinh doanh ngoại tệ, tính riêng trên thị trường liên ngân hàng, doanh số giao dịch ngoại tệ của LienVietPostBank năm 2014 tăng gần 40% so với năm 2013. Doanh số giao dịch ngoại tệ của LienVietPostBank với NHNN cũng tăng mạnh, đạt hơn 1,5 tỷ USD. Hoạt động này đưa LienVietPostBank tiếp tục nằm trong nhóm ngân hàng có giao dịch ngoại tệ nhiều nhất với NHNN Việt Nam. Doanh số giao dịch hoán đổi ngoại tệ của LienVietPostBank đạt hơn 3,5 tỷ USD trong năm 2014 đưa LienVietPostBank nằm trong top 10 ngân hàng có doanh số giao dịch hoán đổi ngoại tệ lớn nhất thị trường.

Tuy thời gian hoạt động còn rất khiêm tốn nhưng LienVietPostBank đã và đang khẳng định vị thế là một đối tác năng động, tích cực và hiệu quả trên thị trường liên ngân hàng. Tính đến thời điểm 31/12/2014, tổng tài sản LienVietPostBank tăng từ 7.453 tỷ đồng lên 100.800 tỷ đồng, tăng 14 lần so với thời điểm ngân hàng mới thành lập; huy động vốn đạt 91.759 tỷ đồng, tăng 24 lần; dư nợ đạt 50.076 tỷ đồng, tăng 19 lần… Sau 7 năm hoạt động, tổng lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt gần 5.000 tỷ đồng; tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt được duy trì hàng năm và đảm bảo ở mức trung bình 10 - 15%/năm.

Có được kết quả trên là do chính sách huy động của LienVietPostBank đã được điều chỉnh kịp thời, khâu tổ chức thực hiện tốt, tận dụng nguồn vốn giá rẻ và ổn định, ứng phó kịp thời với những diễn biến của thị trường và những thay đổi về chính sách của NHNN Việt Nam.

Xác định năm 2015 là năm bản lề trong quá trình chuyển đổi hoạt động của ngân hàng với định hướng mục tiêu “Ngân hàng của mọi người”, theo đó, LienVietPostBank tiếp tục triển khai và hoàn chỉnh các chương trình, dự án chiến lược bao gồm các nội dung trọng tâm: phát triển sản phẩm, dịch vụ, quản trị rủi ro, tổ chức vận hành, nhân sự, công nghệ thông tin...

LienVietPostBank sẽ tập trung nguồn lực phát triển kinh doanh trong các lĩnh vực kinh doanh chủ đạo và đồng thời kiểm soát chất lượng tăng trưởng dư nợ ngay từ 6 tháng đầu năm 2015: triển khai các chiến dịch bán hàng quy mô lớn, chăm sóc khách hàng và bán chéo sản phẩm giữa các kênh bán hàng truyền thống và các kênh thay thế mới, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại.

TS. Nguyễn Đức Hưởng nhấn mạnh: “Năm 2015, một điểm mới đặc biệt và duy nhất so với các ngân hàng khác. Đó là: LienVietPostBank là ngân hàng đầu tiên cho ra đời Tài khoản lưỡng tính tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay và gửi tiền. Trong điều kiện nguồn vốn đang dư thừa, LienVietPostBank thực hiện phương châm “trâu đi tìm cọc chứ không để cọc đi tìm trâu”. Chẳng hạn như việc phát triển cây mắc ca, cán bộ tín dụng ngân hàng phải là người nông dân thực thụ để hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng mắc ca hiệu quả vào 5 – 7 năm tới. “LienVietPostBank sẽ dành 20.000 – 22.000 tỷ đồng để cho vay phát triển cây mắc ca tại Việt Nam”, TS Hưởng cho biết thêm.

M.Nhật

Tin đọc nhiều