Liệu pháp cho DN: Giảm lãi suất thôi chưa đủ

12:33 | 11/06/2012

Giảm lãi suất là đề nghị của DN nhưng khi lãi suất được giảm, không ít DN cho rằng liệu pháp này chưa đủ giúp DN nếu không có thêm những giải pháp giảm áp lực về thuế, giảm hàng tồn kho.

Những quyết định giảm lãi suất vừa được NHNN ban hành cuối tuần qua đã tạo ra những mức độ hy vọng khác nhau ở DN. Giảm lãi suất là đề nghị của DN nhưng khi lãi suất được giảm, không ít DN cho rằng liệu pháp này chưa đủ giúp DN nếu không có thêm những giải pháp giảm áp lực về thuế, giảm hàng tồn kho.


Cần có chính sách hỗ trợ DN giảm lượng hàng tồn kho (Ảnh: MH)

Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội, nhất là một số giải pháp mạnh liên quan đến thuế, đến an sinh xã hội để tháo gỡ khó khăn cho DN và nhân dân, Quốc hội cần quyết ngay để triển khai thực hiện, bởi thực tế cuộc sống đòi hỏi không chờ chúng ta bàn lâu được. Đề nghị Quốc hội quan tâm để có những quyết sách kịp thời.
(Bà Lê Thị Yến - Đại biểu Quốc hội )

Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội, nhất là một số giải pháp mạnh liên quan đến thuế, đến an sinh xã hội để tháo gỡ khó khăn cho DN và nhân dân, Quốc hội cần quyết ngay để triển khai thực hiện, bởi thực tế cuộc sống đòi hỏi không chờ chúng ta bàn lâu được. Đề nghị Quốc hội quan tâm để có những quyết sách kịp thời.

(Bà Lê Thị Yến - Đại biểu Quốc hội )

Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao cho biết: “Vốn không phải là vấn đề, cái khó của DN là hàng tồn kho”. Vì hàng tồn kho lớn, Công ty này đã quyết định không vay thêm vốn ngân hàng. Công ty cổ phần Nhôm Sông Hồng cũng đang trong cảnh kho không còn chỗ chứa hàng tồn, thiếu vốn lưu động. “Giải pháp về thuế theo Nghị quyết 11 không giúp gì được cho Công ty Nhôm Sông Hồng”, bà Tùng - Kế toán trưởng cho biết. Nhôm Sông Hồng sản xuất thanh nhôm định hình cung ứng vật liệu cho ngành xây dựng và ô tô, hiện có 500 công nhân. Cán bộ Chi cục Thuế Phú Thọ giải thích, Nhôm Sông Hồng là DN sản xuất hàng hóa nên không được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT). Năm 2011, công ty đã nộp 16 tỷ đồng tiền thuế VAT, số phải nộp trong 5 tháng đầu năm 2012 ước chừng 6 tỷ đồng. Nếu được giãn nộp khoản thuế này, coi như công ty đã có vài tỷ vốn lưu động, giảm được phần vốn vay chịu lãi suất ngân hàng.

Ông Nguyễn Minh Quốc – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nam Cường cho biết, công ty cũng cùng cảnh thiếu vốn, hàng tồn lớn, tiền thuê đất đã nộp hết, lợi nhuận DN không có, nên coi như “đứng bên lề giải pháp giãn, gia hạn nộp thuế”. Tuy vậy, ông Quốc có đánh giá khá lạc quan về nhóm giải pháp này: có thể những tháng này với DN chưa có lợi nhuận, không nộp nổi thuế để hưởng chính sách nhưng hy vọng những tháng tới tình hình khá hơn, DN có lợi nhuận nộp thuế, thì chính sách này lại có ý nghĩa.

“Nếu chỉ có những giải pháp hỗ trợ về thuế nhưng đối tượng DN được hưởng bó hẹp như hiện nay thì chưa đủ mạnh để tháo gỡ khó khăn cho các DN. Cần có những chính sách giảm áp lực nghĩa vụ thuế rõ ràng cùng với biện pháp kích cầu đủ mạnh”, theo ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, tác động về tinh thần từ các giải pháp giảm lãi suất, gia hạn và giãn, giảm thuế đối với DN, với nền kinh tế và với xã hội rất lớn. Chính sách này sẽ tạo sự lan tỏa từ những DN được thụ hưởng phục hồi sản xuất và sẽ tạo ra hiệu ứng tăng cầu cho các DN khác.

Nhưng về lâu dài hơn, để DN phục hồi bền vững hơn cần sớm có chính sách giảm thuế. Bà Tùng, ông Quốc và nhiều DN khác cùng có đề nghị nên giảm thuế suất VAT từ 10% về mức 5%, giảm thêm 5% thuế suất thuế thu nhập DN. Là thuế gián thu nên khi giảm được 5% thuế VAT, người dân cũng được hưởng lợi do giá bán giảm sẽ kích thích sức mua để DN tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy DN mới có cơ hội tiếp cận được vốn và có chi phí giá rẻ do các giải pháp kiềm chế lạm phát mang lại để tái sản xuất giải quyết lao động việc làm. Và chỉ số giá tiêu dùng cũng giảm theo. Đây là một giải pháp giải quyết được đa mục tiêu, tuy sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách và những khó khăn nhất định trong xử lý nghiệp vụ, nhưng xét về hiệu quả sâu hơn thì nên áp dụng.

Trên nghị trường Quốc hội cuối tuần qua, các đại biểu cũng đã phát biểu nhiều về vấn đề này. Trước Quốc hội, TS.Trần Du Lịch có ý kiến: Chính phủ đã có một loạt các biện pháp tháo gỡ khó khăn thông qua gói giải pháp khoanh, giãn, miễn thuế nhưng cũng chỉ bớt đi phần nào khó khăn. Thực trạng vẫn còn tiềm ẩn và lo âu. Ông đề nghị “Quốc hội cùng Chính phủ có thể sửa luật hay làm cách nào đó cho một tín hiệu rõ với thị trường rằng sau kỳ họp thứ 3 này, Việt Nam sẽ giảm thuế thu nhập DN từ 25% xuống 20%. Vì đây là việc chắc chắn chúng ta sẽ giảm”.

Nhiều ý kiến đề nghị, để giảm bớt áp lực cho ngân hàng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương trong lúc này thành lập ngay Quỹ hỗ trợ phát triển DN theo Nghị định 138 của Chính phủ, Quỹ bảo lãnh tín dụng của DN nhỏ và vừa theo Quyết định 193 của Chính phủ. Đối với các dự án đầu tư công mà ngân sách Nhà nước nợ DN đề nghị được miễn, giảm thuế, trả lãi suất theo lãi vay ngân hàng đối với các dự án được nhà thầu hoàn thành khối lượng bàn giao đưa vào sử dụng sau 3 tháng. Hiện nay DN phải vay ngân hàng để hoàn thành dự án, vừa phải vay để nộp thuế.

Tri Nhân

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều