Lối thoát nào cho doanh nghiệp nông nghiệp?

15:50 | 09/05/2012

Liên tiếp các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tuyên bố phá sản và hệ lụy không ai khác chính là người nông dân phải gánh chịu. Đằng sau câu chuyện về sự "sụp đổ" ấy còn rất nhiều điều đáng bàn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay?

Thiếu vốn - bài ca muôn thuở

Vì thua lỗ lớn, chủ sở hữu "Coffee Đức Lập Minh An" và "Coffee Đức Lập Dakmil" dự định đem bán 2 thương hiệu này cho một DN Trung Quốc với giá 18 tỷ đồng. Điều đáng nói, trong khi các cơ quan chức năng đang nỗ lực đòi lại nhiều thương hiệu hàng hóa của Việt Nam bị nước ngoài đánh cắp thì chính lãnh đạo hợp tác xã này cho biết sẽ bán nhãn hiệu cà phê đã được bảo hộ ở Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ nếu không được hỗ trợ...

Ảnh: MH
Thiếu minh bạch tài chính, dự án không khả thi là những nguyên nhân khiến các DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng. (Ảnh: MH)

Câu chuyện bán thương hiệu của HTX Minh An chỉ là một trong số hàng ngàn các DN nông nghiệp đã và đang ở bên bờ vực phá sản chỉ vì thiếu vốn. Điều này có thể thấy rất rõ ở các DN hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, cà phê hay chăn nuôi... Ông Phạm Đăng Hân - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Bình (Yên Bái) cho rằng, DN lâm nghiệp là ngành kinh doanh đặc thù, đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn trong khi chu kỳ sản xuất dài rủi ro cao. Ở Yên Bái, rừng đang có nguy cơ bị thu hẹp vì người dân phá rừng trồng sắn. Để trồng mỗi héc ta rừng bạch đàn, keo trong 3 năm mất 50 triệu đồng, thế nhưng khi thu hoạch gỗ bán chỉ được 40 triệu đồng, không đủ bù đắp chi phí chứ chưa nói gì đến trả lãi ngân hàng. Vì vậy hiện Công ty phải đóng cửa không dám khai thác chờ đến lúc giá gỗ tăng.

Để cứu nguy cho các DN lâm nghiệp, ông Phạm Đăng Hân kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) có giải pháp hỗ trợ cho DN trồng rừng 5-6% kinh phí công tác quản lý. Đồng thời đề nghị Nhà nước có chính sách cho vay ưu đãi đối với các DN lâm nghiệp theo chu kỳ từng loại cây trồng. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì việc các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gặp khó khăn không có gì lạ. Ông Nguyễn Hữu Điệp - Trưởng Ban đổi mới DN (Bộ NN&PTNT) thừa nhận, số lượng DN 100% vốn nhà nước ngày càng giảm, trong khi dân doanh ngày càng tăng, trên 98% số DN là DNNVV. Do nhỏ nên trình độ chuyên môn quản lý và lực lượng lao động trực tiếp còn thấp, các kỹ năng cần thiết khác như khả năng sử dụng máy tính, ngoại ngữ, kỹ năng đàm phán... của đội ngũ cán bộ quản lý hạn chế. Đó là chưa kể do khó khăn về vốn nên việc đầu tư máy móc thiết bị và khoa học công nghệ còn rất hạn chế...

Lối thoát nào?

Trước những lời "ca thán" của các DN, ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) phân tích, nông nghiệp, nông thôn là một trong 4 lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong năm 2012 của các ngân hàng. Năm 2011, tín dụng toàn ngành tăng 13% thì riêng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tăng tới 28%. Ông Nguyễn Viết Mạnh khẳng định, tiền cho vay không thiếu nhưng vấn đề là các DN muốn tiếp cận được nguồn vốn thì phải đưa ra được phương án kinh doanh cụ thể, có tính khả thi và độ tin cậy cao. Xét cho cùng thì khó hay dễ chủ yếu là do chính các DN mà thôi.

Ông Nguyễn Hữu Điệp cho biết, thời gian tới đề nghị Nhà nước cần có chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất, thuê mặt nước cho các nhà đầu tư. Cùng với đó là hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, hỗ trợ dịch vụ tư vấn, hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ, cước phí vận chuyển... Đặc biệt khuyến khích thành lập vườn ươm để thực hiện hỗ trợ có thời hạn DN trong thời gian khởi sự theo quy trình và có hệ thống...

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Diệp Kỉnh Tần, thì Bộ đang rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về chính sách đất đai, công nghệ, tín dụng, thuế và các chính sách khác liên quan đến doanh nghiệp nông nghiệp để đề xuất kiến nghị Chính phủ sửa đổi các bất cập và xây dựng các chính sách. Năm 2012, tình hình xuất khẩu nông sản đang có nhiều khó khăn, có nhiều dấu hiệu suy giảm cả về thị trường, giá cả, chất lượng sản phẩm... Vì vậy, để tạo đột phá các DN cần phải nâng cao trình độ nguồn nhân lực thông qua việc tăng cường đào tạo, đổi mới thiết bị công nghệ, đồng thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với thị trường. Điều này đặt ra cho các DN phải tự đánh giá lại năng lực sản phẩm của mình như mức độ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, khả năng cạnh tranh của sản phẩm…

Trường Nguyễn

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều