Lọt cửa nhập khẩu công nghệ lạc hậu

17:18 | 11/05/2012

Mặc dù mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tạm ngừng nhập khẩu những máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng mà các nước đã loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn khe hở nhập khẩu công nghệ lạc hậu khi đó là máy móc mới.

Qua khảo sát, Bộ Khoa học – Công nghệ đánh giá, nhiều DNNVV hiện nay đang sử dụng công nghệ lạc hậu của thập kỷ 60, 70. Rất ít DN sử dụng công nghệ của thập kỷ 80, 90, chỉ có một số DN có vốn đầu tư nước ngoài thì sử dụng công nghệ của những thập kỷ gần đây. Còn theo một thống kê của Tổng cục Hải quan, có tới 75% DN Việt Nam nhập khẩu thiết bị công nghệ từ Trung Quốc, trong đó những công nghệ mới không loại trừ những dây chuyền sản xuất đã lạc hậu so với khu vực chưa nói đến công nghệ chung của thế giới.

Mặc dù trong văn bản này cũng có khá nhiều nội dung liên quan đến việc nhập khẩu thiết bị công nghệ mới, song tất cả mới chỉ dừng lại ở việc rà soát và đánh giá, mà không quy định cụ thể thời hạn công bố các tiêu chuẩn nhập khẩu thiết bị mới nhưng đã lạc hậu. Ví như trong văn bản này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phải rà soát lại danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình để sửa đổi, bổ sung những máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cần phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu và kịp thời ban hành các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng để quản lý. Kèm theo đó Bộ Khoa học - Công nghệ phải rà soát, đánh giá toàn diện cơ chế quản lý chất lượng đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập khẩu so với yêu cầu thực tế. Đồng thời, căn cứ quy định của các Luật hiện hành để thống nhất với các bộ, ngành liên quan thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý chất lượng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập khẩu... Tuy nhiên, vấn đề nhập khẩu hay không thiết bị mới có nguồn gốc xuất xứ từ những nước công nghệ thấp, hoặc thiết bị mới nhưng đã lạc hậu so với các nước tiên tiến lại không được xem xét dừng nhập khẩu mà sẽ phải chờ các bộ nghiên cứu, bổ sung trong Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/1/2006 của Chính phủ sửa đổi tới đây.

Ảnh: BĐT
Nhiều DNNVV hiện nay đang sử dụng công nghệ lạc hậu.

Trong khi đó, tại cuộc đối thoại trực tuyến cuối tuần qua trên trang Báo điện tử của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, nhiều doanh nghiệp (DN) hiện có xu hướng thích nhập công nghệ của nước ngoài, thường là nhập thiết bị toàn bộ và khi nhập thì thường nhập công nghệ cũ và lạc hậu. Một nguyên nhân nữa là do trình độ công nghệ chung của nước ta còn thấp.

Giá rẻ là lý do đầu tiên mà các DN đưa ra để biện bạch cho quyết định đầu tư này. Cùng một loại thiết bị như nhau nhưng dây chuyền của Trung Quốc có giá chỉ bằng 1/3 so với của Nhật Bản hay châu Âu. Tâm lý ham rẻ này đang khiến một bộ phận DN bị cuốn vào vòng xoáy hiệu quả thấp nên không đủ tích lũy để đầu tư. Thêm nữa, các địa phương khi phê duyệt dự án đầu tư kể cả DN trong nước và nước ngoài, thường không tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, Sở Khoa học - Công nghệ, cho nên không đánh giá được trình độ công nghệ của dự án hay dây chuyền thiết bị được nhập khẩu. Chỉ đến khi những dây chuyền thiết bị này hoạt động gây ô nhiễm môi trường, không hiệu quả lúc ấy người ta mới nhớ đến các nhà khoa học. Theo khuyến cáo của các chuyên gia môi trường, khi hội nhập kinh tế ngày càng được đẩy mạnh thì rác công nghệ cũng tăng theo tỷ lệ tương ứng. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 50 triệu tấn rác loại này và hầu hết đều đổ về những vùng trũng là các nước nghèo. Điều này đã được kiểm chứng thời gian qua.

Đây là lúc cần phải có một quy chế cụ thể cho việc nhập khẩu công nghệ, không chỉ là những quy định về nguồn gốc xuất xứ, DN địa phương, bộ, ngành khi nhập khẩu cần tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, các hội đồng khoa học cũng như các cơ quan có trình độ đánh giá trình độ công nghệ của các dây chuyền này để khi đưa vào sản xuất, chúng ta không phải nói hai chữ "hối tiếc".

Hồng Nhật

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều