Luật hóa hộ kinh doanh là phù hợp thông lệ

10:19 | 25/09/2019

Chúng ta cần tránh việc hiện nay các cơ quan thuế đang đối xử với hộ kinh doanh như cá nhân người nộp thuế chứ không phải với tư cách một hình thức tổ chức, một thực thể kinh doanh...

Hộ kinh doanh có vị trí quan trọng
Đã có đánh giá tác động khi đưa hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp
luat hoa ho kinh doanh la phu hop thong le
Ảnh minh họa

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị sửa lớn và sửa riêng 2 luật DN và Luật Đầu tư thay vì một dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN như hiện nay vì đến nay tình hình đã có nhiều thay đổi.

Thứ nhất, năm 2014 sửa đổi hai luật này thì 2015 Liên Hợp quốc thông qua mục tiêu phát triển bền vững. Đây là định hướng mà mọi nền kinh tế phải hướng theo. Luật Đầu tư, Luật DN của chúng ta cũng phải đáp ứng được yêu cầu này.

Thứ hai thời gian gần đây APEC cũng lần đầu tiên nhấn mạnh đến vai trò của DN siêu nhỏ mà không phải là DNNVV trước đây, vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật cũng cần lưu ý đến điều này.

“Trong sửa đổi Luật DN, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc cải thiện điều kiện thủ tục đăng ký gia nhập thị trường thuận lợi hơn mà còn phải nâng cấp về quản trị DN. Đây là yêu cầu rất quan trọng mà các luật trước đây chưa tập trung nhiều. Còn về sửa Luật Đầu tư, hiện có quá nhiều chồng chéo giữa Luật Đầu tư với các luật khác về kinh doanh. Cho nên, cần phải tháo gỡ và làm đồng bộ hoá các quy định pháp luật hiện nay là một việc rất lớn, cần phải sửa đổi về cơ bản”, ông Lộc nhấn mạnh.

Đánh giá cao việc Ban soạn thảo đã dành cả một chương để “luật hoá” hộ kinh doanh trong dự án luật lần này, Chủ tịch VCCI cho rằng, đây là điểm rất quan trọng và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Bởi lẽ hộ kinh doanh chỉ là mô hình kinh doanh đặc thù của Việt Nam và Trung Quốc, trong khi cả thế giới không ai gọi là hộ kinh doanh. Tất cả các hộ kinh doanh hay các cá nhân kinh doanh của các nước đều được gọi là DN.

Dẫn chứng vấn đề này, ông Lộc cho biết, ngay cả Campuchia, Lào cũng đi trước ta về các quy định, chế định này. Năm 2015, Lào có trên 500.000 DN, đúng bằng số DN của Việt Nam. Lào hiện nay dân số là 16 triệu, trong khi nước ta khoảng 98 triệu người mà số DN của ta bằng của Lào là bởi quan niệm của chúng ta về DN rất hẹp, còn Lào quan niệm như thế giới, tất cả các thực thể kinh doanh đều được coi là DN.

Đề cập đến những tồn tại trong quy định về hộ kinh doanh hiện nay, người đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam cho biết, mặc dù vai trò của hộ kinh doanh đóng góp 30% GDP, nhưng đến nay chúng ta chưa có một quy định pháp luật nào về các hộ kinh doanh và các quy định về hộ kinh doanh chỉ dừng lại ở nghị định, điều này là trái với tinh thần của Hiến pháp.

“Có 2 cách luật hoá hộ kinh doanh. Một cách là đưa vào Luật DN, cách khác là xây dựng một luật riêng. Nhưng tôi nghĩ trong giai đoạn hiện nay chưa thể đưa ra luật riêng vì còn rất nhiều vấn đề chúng ta cần phải quy định ở tầm nghị định để triển khai thực hiện. Giải pháp trước mắt đưa vào một số điều trong Luật DN như dự thảo, còn lại thì giao cho Chính phủ cụ thể hoá…”, ông Lộc nói.

Đồng tình với quan điểm này, các chuyên gia pháp luật cho rằng, theo hướng như vậy sẽ rất có lợi cho nền kinh tế, lợi cho các hộ kinh doanh và sẽ hạn chế được những bất lợi hiện nay của các hộ kinh doanh. Bởi lẽ các quy định về hộ kinh doanh hiện nay rất sơ sài và các hộ kinh doanh không được hưởng những ưu đãi chính sách của nhà nước, đặc biệt với Luật Hỗ trợ DNNVV, hộ kinh doanh không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật này.

Trong lúc đó, chính sách chung của hiệp định thương mại tự do của APEC đã đề cập việc các nước phải quan tâm đến DN siêu nhỏ bởi chính DN siêu nhỏ sẽ là chủ thể quan trọng hàng đầu của nền kinh tế thế giới và DN siêu nhỏ sẽ là khu vực của khởi nghiệp sáng tạo. “Nếu chúng ta không hỗ trợ cho khu vực này thì chúng ta sẽ hạn chế một động lực phát triển rất quan trọng của nền kinh tế Việt Nam”, một chuyên gia cho hay.

Một số ý kiến khác thì cho rằng, các hộ kinh doanh hiện nay cũng không được tuyển dụng quá 10 lao động, chỉ kinh doanh trong phạm vi quận, huyện, thị xã. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, với trợ giúp của kinh tế số các hộ kinh doanh hay các DN siêu nhỏ có thể kinh doanh phạm vi toàn cầu. Vì vậy, Nhà nước cần tạo điều kiện cho họ có không gian hoạt động chứ không nên trói buộc họ.

“Chúng ta cần tránh việc hiện nay các cơ quan thuế đang đối xử với hộ kinh doanh như cá nhân người nộp thuế chứ không phải với tư cách một hình thức tổ chức, một thực thể kinh doanh”, ý kiến này cho hay.

Một số chuyên gia kinh tế thì cho biết, hộ kinh doanh hiện nay cũng phát sinh nhiều trường hợp tranh chấp nội bộ nhưng không có khung khổ nào để giúp cho họ xử lý vấn đề này. Hộ kinh doanh cũng không thể nâng cao được trách nhiệm khi họ không tuân thủ các điều kiện về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và các điều kiện kinh doanh khác, bởi các quy định quản lý rất lỏng lẻo.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, việc Ban soạn thảo đưa hộ kinh doanh vào luật lần này là rất phù hợp và thuận hướng với Bộ luật Lao động, tức là đưa cả 57 triệu người lao động vào phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động chứ không phải 20 triệu trong khu vực chính thức.

Trần Hương

Tin đọc nhiều