Ông Vũ Thành Trung |
Là một trong số các ngân hàng thương mại vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phân bổ thêm hạn mức tín dụng, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) sẽ “nhanh chóng giải ngân trong vòng một tháng, tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên, cần thiết để phục hồi kinh tế”. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Thành Trung, thành viên Ban điều hành MB về vấn đề này.
Thưa ông, với hạn mức tín dụng được tăng thêm 3,2%, MB định hướng sẽ tăng trưởng vốn chủ yếu cho những lĩnh vực nào?
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về các giải pháp phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, sáng 7/9/2022, NHNN đã chính thức điều chỉnh nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) cho các ngân hàng thương mại. Theo đó, tỷ lệ room được điều chỉnh tại MB là 3,2%. Với hạn mức này, ngân hàng sẽ đáp ứng vốn cho những khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đã đăng ký vay trước đó nhưng chưa được giải ngân do hết room.
Mức nới room này tương đương với 12.000 tỷ đồng. Định hướng của MB là trong vòng một tháng tới, 90% nguồn vốn này sẽ được phân bổ cho vay đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh - đây là nhóm khách hàng có nhu cầu vốn rất lớn trong hai tháng qua. MB dự kiến sẽ hoàn tất giải ngân trong vòng một tháng để đáp ứng các hồ sơ vay hiện có, hướng nguồn vốn vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên để phục hồi kinh tế.
Cụ thể hơn, MB có những chương trình cho vay ưu đãi như thế nào, thưa ông?
Bám sát Chỉ thị số 03/CT-NHNN của NHNN về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ, MB đang đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vay sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, về phía MB, chúng tôi cũng tích cực đưa ra hỗ trợ đối với doanh nghiệp, từ thời gian giải ngân, lãi suất ưu đãi cho khách hàng, đến việc hỗ trợ khách hàng quản lý dòng tiền, quản lý thu chi để đảm bảo sau khi nguồn vốn được giải ngân, khách hàng có thể sử dụng hiệu quả với độ an toàn cao nhất.
Ngoài ra, ngay từ đầu năm, MB đã triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất hỗ trợ cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng phục vụ kinh doanh và đời sống. Hiện tại, MB duy trì mức lãi suất ổn định và đảm bảo cạnh tranh với các tổ chức tín dụng để đảm bảo lợi ích cho khách hàng.
Xin ông cho biết, ngân hàng sẽ có những giải pháp gì để tái cơ cấu vòng quay vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vay tăng cao trong dịp cuối năm?
Các khoản vay sản xuất kinh doanh thường có chu kỳ từ 3 đến 6 tháng. Với nguồn vốn từ kinh doanh ra, khi ngân hàng chúng tôi cung cấp vốn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thì ngay tháng sau sẽ có vòng vốn mới quay về, đảm bảo cung ứng cho khách hàng của MB. Tùy vào từng thời điểm khác nhau, chúng tôi sẽ có những giải pháp để cân đối nhu cầu vốn cũng như vòng quay vốn, hướng đến lợi ích tối ưu nhất cho khách hàng.
Bắt đầu từ ngày 1/10 tới, NHNN có quyết định điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn. MB đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc này chưa, thưa ông? Giải pháp ngân hàng đưa ra là gì?
Sau khi nhận được thông tin từ NHNN, MB đã nghiên cứu và chuẩn bị rất kỹ vấn đề này, đặc biệt là cấu trúc các kỳ hạn huy động từ MB đối với khách hàng. Đáng chú ý, MB đang có lượng khách hàng giao dịch qua kênh số rất lớn, với tỷ lệ giao dịch trên kênh số đạt 98% trên tổng số giao dịch toàn hệ thống MB, do đó, chúng tôi sẽ điều chỉnh lại các kỳ hạn huy động trung - dài hạn trên các nền tảng số của MB sao cho cấu trúc huy động vốn phù hợp với quy định hiện hành của NHNN. Bên cạnh đó, tiền gửi không kỳ hạn cũng là một trong những cấu phần quan trọng, giúp MB vừa điều tiết sự cho vay, vừa có khả năng cung cấp lãi suất đầu ra tối ưu nhất cho các khách hàng doanh nghiệp của mình.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Đức Hiền thực hiện