Mía đường “ngồi trên lửa” trước cửa hội nhập - Bài 1

07:30 | 25/10/2019

Nông dân “đắng lòng” vì mía...

Mía đường “ngồi trên lửa” trước cửa hội nhập - Bài 2
Mía đường “ngồi trên lửa” trước cửa hội nhập - Bài 3
mia duong ngoi tren lua truoc cua hoi nhap bai 1

Từ chuyện “đắm đuối” vào cây mía

Căn nhà cùng mảnh vườn rộng vài trăm mét vuông của gia đình anh Lê Mô Y Đênh mấy tháng nay càng quạnh quẽ hơn khi vợ con anh đã kéo nhau lên thành phố làm thuê, chỉ còn người đàn ông tuổi ngoài 50 ở lại chăm ruộng mía. Trong suốt 20 năm gắn bó với cây mía, đây là năm đầu tiên cả gia đình phải ly tán mỗi người một nơi để kiếm kế sinh nhai. Cũng bởi suốt 3 niên vụ gần đây, cây mía đã không còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình người dân tộc Ê-đê này. Đây cũng là tình cảnh chung của hàng chục hộ trồng mía khác ở buôn Quang Dù, xã Đức Bình Tây, thuộc huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.

Ngồi tiếp khách trên căn nhà sàn thuộc loại khang trang nhất buôn, anh Lê Mô Y Đênh bồi hồi kể lại, đây là tài sản lớn nhất mà cả gia đình đã tích cóp được, cũng nhờ niên vụ 2012-2013 khi cây mía vừa được mùa vừa được giá, 9 ha cho lãi ròng hơn 300 triệu đồng. Thời điểm trước đó tuy giá không ở mức đỉnh cao, song nhờ cần mẫn bám vào cây mía, anh đã dần tích cóp dựng được căn nhà gạch, mua được xe máy, gia đình dần dần có của ăn của để.

Đây không phải là câu chuyện hiếm hoi về người nông dân giàu lên nhờ nông nghiệp, lại là trên mảnh đất khô cằn sỏi đá, thời tiết khắc nghiệt, không được thiên nhiên ưu ái nhiều bề. Là một trong những người đầu tiên hưởng ứng Chương trình 1 triệu tấn đường mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII năm 1996 đặt ra, đến nay ông Đoàn Đắc Miên, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên có thể coi là một trong những người gắn bó lâu nhất với cây mía trên mảnh đất này. Nhiều lần được vinh danh là nông dân giỏi, tấm gương điển hình vì sự nghiệp mía đường, thế nhưng hiện nay ông Miên cũng đang lâm vào cảnh khốn đốn vì trót “đắm đuối” vào cây mía.

Mặc dù không phải là người có diện tích mía lớn nhất tỉnh, nhưng xét về mức độ “chịu chơi” trong đầu tư thâm canh cây mía thì ít ai sánh bằng ông Miên. Giai đoạn mà hầu hết các hộ dân ở huyện Sơn Hoà còn canh tác theo phương pháp thủ công là chính, ông Miên đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để làm 2 hồ nước tưới có bồn chứa trên cao, máy bơm và hệ thống đường ống dẫn nước tưới khắp trang trại rộng 11 ha.

Sau những niên vụ giá mía lên đỉnh cao, ông Miên vay ngân hàng 3 tỷ đồng để sắm nguyên dàn máy Kobuta bao gồm cả máy cày, máy làm cỏ, bón phân... Với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các công đoạn trồng mía, riêng khâu trồng và bón phân lót bằng máy đã tiết kiệm được 50% chi phí so với trồng thủ công như trước đây.

Đây là 2 công đoạn chủ yếu với chi phí lao động chiếm tỉ trọng lớn nên khi áp dụng cơ giới hóa, chi phí giảm mạnh, giá thành sản xuất mía đã giảm đáng kể. Đồng thời việc làm cỏ bằng máy chuyên dụng cũng giúp cho đất tơi xốp, tạo điều kiện cho mía sinh trưởng, phát triển tốt, thời gian trồng mía rút ngắn. "Gia đình tôi đã áp dụng triệt để mọi máy móc để canh tác, hệ thống tưới cũng tốt nhất ở đây thì mới có năng suất đạt hơn 100 tấn/ha", ông Miên nói.

Thế nhưng “người tính không bằng trời tính”, ngay sau giai đoạn mở rộng đầu tư, giá mía bắt đầu sụt giảm nhanh chóng. Nếu như niên vụ 2015-2016, giá thu mua mía tại ruộng của các nhà máy trên địa bàn tỉnh Phú Yên là khoảng 900.000 -1 triệu đồng/tấn, thì tới 2 niên vụ tiếp theo đã giảm xuống 800.000-820.000 đồng/tấn; và sang niên vụ 2018-2019 chỉ còn quanh mức 720.000- 750.000 đồng/tấn.

Trong khi theo tính toán của những hộ dân ở đây, giá mía phải duy trì ở mức tối thiểu 850.000 đồng/tấn mới đủ để họ yên tâm gắn bó với cây mía. Trước tình cảnh đó, trong 2 niên vụ vừa qua, gia đình ông Miên phải bù khoảng 400 triệu đồng tiền công đốn chặt cho 2 vụ.

Đến cảnh tiến thoái lưỡng nan

Nhớ lại thời điểm giữa những năm 90 của thế kỷ trước, phát triển ngành mía đường đã trở thành một trong những chương trình đột phá, khởi đầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, tạo chuyển dịch lớn về cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu lao động ở nông thôn.

Tại thời điểm đó, mặc dù việc huy động vốn đầu tư rất khó khăn, song đây là chương trình đầu tiên thực hiện thí điểm không sử dụng ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản, mà từ nguồn vốn vay đầu tư phát triển, kết hợp với các nguồn lực xã hội, bao gồm cả FDI.

Nhờ đó mà chỉ trong 5 năm (1995-2000) đã thực hiện thành công Chương trình 1 triệu tấn đường. Với nguồn lực huy động, đã hình thành nên một hệ thống các nhà máy chế biến đường công nghiệp trải đủ 3 miền trên cả nước với hơn 40 nhà máy, tổng công suất tăng gần 8 lần so với năm 1994. Từ một quốc gia phải chi hàng trăm triệu USD để nhập khẩu đường, ngành này đã nhanh chóng đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước, đồng thời thiết lập được sự hiện diện trên bản đồ đường thế giới.

Ý nghĩa hơn cả, là việc các nhà máy đường đều được xây dựng tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc ít người, vùng đất nghèo khó khăn, vùng sâu, vùng xa và được phân bổ khắp cả ba miền, mang lại cuộc sống ổn định cho người dân. Từ đó đến nay, Chương trình 1 triệu tấn đường cũng đã trở thành một trong những nền tảng vững chắc của công cuộc xoá đói giảm nghèo, chứng minh cho những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đi vào cuộc sống một cách hiệu quả. Cũng từ đây, hàng trăm hộ dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình mà không phải thoát ly lên thành phố.

Tuy nhiên, đến ngày nay, diện mạo ngành mía đường đã thay đổi chóng mặt. Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Mía đường cho thấy, từ niên vụ 2015-2016, đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, một số nhà máy đã mất vốn chủ sở hữu; diện tích mía nguyên liệu giảm từ 30-60% tổng diện tích. Tại nhiều vùng trồng mía chủ lực trên khắp 3 miền, những cánh đồng mía cứ thưa dần do giá thấp. Không chỉ ở Phú Yên, tại Sơn La, Tuyên Quang, Nghệ An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Cà Mau… diện tích mía đồng loạt giảm mạnh.

Ông Lê Như Lê - Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang chia sẻ, do thua lỗ khá nặng trong mấy vụ mía liên tục nên rất nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần. Hiện tại bà con cũng đang tiến thoái lưỡng nan về việc có trồng mía nữa hay không. Trước mắt đã có không ít hộ rời cánh đồng mía để lên TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… làm thuê kiếm sống; trong khi nợ vật tư cùng các khoản nợ bên ngoài vẫn chưa thể thanh toán.

Tình cảnh khó khăn của cây mía cũng đang đặt ra bài toán khó với bà con nông dân và cả chính quyền địa phương tại nhiều tỉnh thành trên cả nước vì chưa biết sẽ chuyển sang cây trồng gì cho hiệu quả. Bởi ở những vùng địa hình đồi dốc, sỏi đá ở miền núi phía Bắc và Trung bộ, hay những vùng đồng bằng nhiễm mặn, nhiễm phèn… thì không loại cây trồng nào có thể thay thế cho cây mía. Trong khi đối với những vùng thổ nhưỡng thuận lợi hơn, lại không có sẵn nhà máy thu mua sản phẩm như cây mía, khiến bà con còn nhiều băn khoăn về đầu ra của sản phẩm.

Từ ngày 1/1/2020, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức được áp dụng, tất cả hạn ngạch và thuế suất nhập khẩu đường dự kiến sẽ được bãi bỏ hoàn toàn.

Sân chơi ngành mía đường khu vực Đông Nam Á sẽ “phẳng” hơn bao giờ hết, với nguồn đường từ các quốc gia được mua bán tự do trên thị trường, khiến ngành mía đường Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, mặc dù cả DN và người nông dân trồng mía đã dốc sức để nâng cao năng lực nhằm cạnh tranh sòng phẳng, song các đối thủ trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan lại đi ngược các nguyên tắc hội nhập để bảo hộ ngành mía đường. Trong bối cảnh đó, toàn bộ các mắt xích trong chuỗi sản xuất mía đường Việt Nam đã, đang và sẽ đứng trước nguy cơ “vỡ trận” sau hội nhập.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều