Mở đường cho hợp tác đầu tư bảo hiểm

08:01 | 17/09/2019

Việc bổ sung quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm xuyên biên giới được thị trường đánh giá là mở cánh cửa rất rộng đối với dịch vụ bảo hiểm sẽ kích thích mạnh mẽ hoạt động hợp tác đầu tư trong lĩnh vực này.

Tăng cường phòng, chống trục lợi quỹ bảo hiểm y tế
LienVietPostBank bắt tay với VNI cung cấp sản phẩm bảo hiểm mới
mo duong cho hop tac dau tu bao hiem
Gia tăng hợp tác thuê ngoài các dịch vụ phụ trợ sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ của các DN bảo hiểm trong nước

Đón đầu hợp tác với đối tác ngoại

Theo quy định mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi 2018), từ đầu tháng 11/2019 tới đây hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ qua biên giới của các DN bảo hiểm sẽ mở rộng hơn.

Ghi nhận từ Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu Điện (PTI) cho thấy, chỉ trong quý III/2019, nhằm đón đầu những cơ hội kinh doanh mới khi Luật Kinh doanh bảo hiểm được Quốc hội sửa đổi theo hướng cởi mở hơn, đơn vị này đã lần lượt ký hợp tác với 2 đối tác lớn của Hàn Quốc là KNP Finance Service và BOM Insurance.

Theo đó, hợp tác với KNP, Bảo hiểm Bưu Điện đã giao cho đối tác quyền trở thành tổng đại lý bảo hiểm 100% vốn Hàn Quốc, chịu trách nhiệm chào bán, ký kết hợp đồng, thu phí bảo hiểm, thu xếp chi trả bồi thường dưới sự ủy quyền của PTI. Địa bàn hoạt động của KNP sẽ tập trung vào các DN Hàn Quốc tại phía Bắc, trước khi tiến tới những mở rộng cung ứng dịch vụ bảo hiểm ra nước ngoài.

Bảo hiểm Bưu Điện cũng thực hiện ủy quyền tương tự đối với BOM Insurance, nhưng đối tác này sẽ tập trung khai thác các DN Hàn Quốc tại phía Nam. Chờ đợi những hướng dẫn pháp lý để có thể vươn cánh tay, cung ứng các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới theo những quy định pháp luật mới được cởi mở.

Câu chuyện chuẩn bị đón đầu thị trường của Bảo hiểm Bưu Điện cho thấy, việc bổ sung quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới đang bắt đầu có những tác động tích cực đến diễn biến cạnh tranh của các DN bảo hiểm trong nước. Theo thống kê của Hiệp hội Kinh doanh Bảo hiểm Việt Nam trong 3 năm gần đây, 70% các DN bảo hiểm trong nước vẫn sử dụng các đơn vị thuê ngoài để xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất thuộc phạm vi, trách nhiệm của bảo hiểm; 65% các DN vẫn sử dụng dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm từ bên ngoài để tiết kiệm chi phí và gia tăng hiệu quả.

Theo các chuyên gia tài chính, việc luật hóa các quy định kinh doanh bảo hiểm xuyên biên giới trước mắt sẽ khiến quá trình hợp tác đầu tư ra nước ngoài của các DN bảo hiểm tăng lên.

Hiện nay, ở trong nước đã có những DN như: CTCP Bảo hiểm BIDV (BIC), Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) và Bảo hiểm Bưu Điện đầu tư thành lập hoặc góp vốn thành lập DN bảo hiểm tại Lào và Campuchia. Các quy định tại Nghị định 73/2016 cũng đã cởi mở, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu 49% vốn điều lệ của các DN bảo hiểm Việt Nam và cho phép người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thông qua các DN môi giới bảo hiểm.

Vì thế, ngay khi Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đối) chính thức có hiệu lực sẽ có nhiều hợp tác quốc tế được các DN trong nước thực hiện. Trong đó, những hợp tác về bảo hiểm xe cơ giới giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Lào, Campuchia… sẽ thu hút nhanh các DN bảo hiểm hướng đến đầu tư.

Không quá lo lưu chuyển ngoại tệ trái phép

Thực tế, từ 9-10 năm trước, khi mà Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh Bảo hiểm bắt đầu được mang ra thảo luận để tiến tới sửa đổi phù hợp với những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, câu chuyện về cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới đã được bàn luận với nhiều lo ngại liên quan đến lĩnh vực lưu chuyển ngoại tệ.

Ở thời điểm đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới liên quan đến việc chuyển ngoại tệ từ trong nước ra nước ngoài thông qua thanh toán phí bảo hiểm, cũng như dòng tiền từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua thanh toán bồi thường tổn thất. Vì vậy, cần nghiên cứu xây dựng các quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ dịch vụ bảo hiểm qua biên giới đối với dịch vụ gốc để tránh thất thoát ngoại tệ và thất thu thuế của Nhà nước, đồng thời phòng ngừa các rủi ro liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Tuy nhiên, diễn biến sau nhiều năm trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, kinh doanh bảo hiểm cho thấy rằng nguy cơ rủi ro lưu chuyển ngoại tệ trái phép trong lĩnh vực bảo hiểm là khá thấp.

Trong Báo cáo tóm tắt đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố, Nhóm châu Á Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) cho thấy mức độ tổn thương về rửa tiền và nguy cơ rửa tiền và trong lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam là thấp và trung bình – thấp. Theo đó, việc chấp hành các quy định về phòng, chống rửa tiền ngày càng được các DN bảo hiểm quan tâm và thực hiện nghiêm túc (đặc biệt là các công ty bảo hiểm có vốn nước ngoài hoặc thuộc các TCTD).

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà Việt Nam đã chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi cũng đã được Quốc hội thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 11 tới. Vì vậy, hầu hết các DN bảo hiểm trong nước đều cho rằng, thời điểm này Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng ban hành những văn bản pháp lý hướng dẫn thi hành luật để các DN kịp thời bắt nhịp thị trường và tranh thủ các cơ hội, lợi thế cạnh tranh.

Thạch Bình

Tin đọc nhiều