Mở đường cho sản phẩm bằng thẩm định giá

10:24 | 08/06/2012

Vì quy mô nhỏ, tiềm lực yếu nên các DN sản xuất kinh doanh nhỏ thường không mấy chú ý đến việc thuê người thực hiện khâu định giá sản phẩm trước khi đưa hàng ra lưu thông ngoài thị trường.

Thiếu kinh nghiệm định giá, doanh nghiệp sẽ tự “làm khó” sản phẩm của mình

Khi định giá sản phẩm hàng hóa, phần lớn doanh nghiệp (DN) thường chủ yếu dựa trên việc cộng dồn các chi phí sản xuất, lưu thông trên thị trường, cộng với mức lãi tùy theo phương án kinh doanh của DN. Tuy nhiên, với quy mô sản xuất nhỏ, kinh nghiệm còn non, ít có DN nào đưa ra được phương án giá tối ưu cho sản phẩm.

TS. Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng, hiện nay các DN ít đầu tư cho việc định giá sản phẩm. Họ chủ yếu tự tính toán để đưa ra mức giá mà theo DN có thể cạnh tranh được. Tuy nhiên, thực tế là DN ít lường trước những tình huống rủi ro có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của từng dòng sản phẩm cũng như lợi nhuận kinh doanh chung.


Ảnh: BĐT

Chủ một DN sản xuất bánh kẹo tư nhân mới gia nhập thị trường hơn 2 năm nay cho biết, DN của ông đã mấy lần “khóc dở mếu dở” trong thời kỳ đầu bởi thiếu kinh nghiệm định giá sản phẩm. “Chúng tôi xác định cần cạnh tranh bằng giá bán bình dân ngay khi vừa xuất hiện. Vì vậy, sau khi cộng các chi phí sản xuất và kinh doanh, công ty chỉ cộng thêm một khoản lãi rất nhỏ. Thời gian đầu sản phẩm bán chạy hơn kỳ vọng, chúng tôi được đà sản xuất nhiều hơn. Thế nhưng sau đó hàng bắt đầu ứ đọng trong khi hạn sử dụng ngày càng gần kề. Vì vậy, tôi quyết định khuyến mãi bằng hình thức mua 1 tặng 1 để đẩy hàng đi. Kết quả là phần lợi nhuận trước đó coi như mất trắng”, vị này kể lại.

Tuy nhiên, bán được hàng để thu hồi vốn đã là điều may mắn. Trường hợp không đẩy được hàng đi, lợi nhuận trước đó không bù đắp được khoản lỗ trong khi tồn kho chất đống, khiến DN “chết dở”. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, trong kế hoạch marketing, DN rất cần chú ý tới việc định giá bán sản phẩm dựa trên phân tích phương án kinh doanh và cân nhắc các biến động của thị trường.

Lý thuyết là như vậy, còn trong thực tế, dù biết rõ vai trò của việc định giá sản phẩm, song không phải DN nào cũng sẵn sàng đầu tư cho khâu này. Ông Vũ Việt Phong - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Việt Hải cho biết, vì quy mô nhỏ, tiềm lực yếu nên các DN sản xuất kinh doanh nhỏ thường không mấy chú ý đến việc thuê người thực hiện khâu định giá sản phẩm trước khi đưa hàng ra lưu thông ngoài thị trường. Chủ của DN chuyên sản xuất mặt hàng nước giải khát này cho hay, DN của ông cũng chủ yếu tính toán giá sản phẩm một cách cơ học, sao cho vừa đảm bảo có lãi, trích một khoản phí dự phòng nhỏ, đồng thời giá cũng ngang bằng với các nhãn hiệu khác để có thể cạnh tranh được.

“Ngoài ra chúng tôi cũng dựa trên kinh nghiệm là chính. Qua quá trình kinh doanh một sản phẩm, nếu có yếu tố nào gây biến động giá thì sẽ tính toán áp dụng với sản phẩm sau. Với DN nhỏ, việc điều chỉnh giá cũng đơn giản hơn, nên tôi nghĩ DN có thể tự linh động. Chứ phải thuê người để thẩm định giá riêng thì sẽ tốn thêm một khoản chi phí cấu thành giá, như vậy còn khó tiêu thụ hơn”, ông Phong giải thích.

Đứng trên góc độ chuyên gia, TS. Nguyễn Ngọc Tuấn vẫn cho rằng, DN nên đầu tư ngay từ đầu cho khâu định giá sản phẩm. Theo ông Tuấn, để thực hiện công việc này, phải có những thẩm định viên được đào tạo bài bản, nắm kiến thức sâu rộng mới đưa ra phương án giá tối ưu căn cứ vào phương án kinh doanh của DN.

“Hiện nay Nhà nước ta ít chú ý đến vai trò của thẩm định giá. Các văn bản pháp lý liên quan đến vấn đề này cũng chỉ chủ yếu đề cập đến vấn đề quản lý Nhà nước về giá. Do đó, mặt bằng giá cả hiện rất thiếu đồng đều, các DN sản xuất cũng khó có cơ sở để định giá sản phẩm của mình cho chính xác và phù hợp với mục tiêu kinh doanh dài hạn”, ông Tuấn cho biết.

Ngọc Khanh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều