Mở rộng bản đồ thủy sản Việt: Tiếp sức cho khát vọng

11:51 | 16/10/2015

Thủy sản đứng thứ năm trong số các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng khoảng 13%/năm. Hàng thủy sản Việt Nam được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật. 

Cơ hội cho thủy sản

Với xu hướng hội nhập sâu rộng, chúng ta đã ký kết hàng loạt các FTA, mở ra nhiều cơ hội cùng cả những thách thức cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành thủy sản nói riêng. Sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các chủ trương, chính sách của nhà nước, từ sự đồng hành của ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ đứng vững, cạnh tranh được mà còn mang thủy sản Việt vươn xa hơn trên bản đồ lương thực, thực phẩm thế giới.

mo rong ban do thuy san viet tiep suc cho khat vong
Ngư dân tại tỉnh Phú Yên được BIDV cho vay vốn đóng tàu vỏ gỗ đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67

Đồng hành cùng các doanh nghiệp trên nhiều “mặt trận”, riêng với ngành thủy sản, BIDV đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng trong lĩnh vực này. Trong đó ngân hàng tập trung ưu đãi về lãi suất, phí, chính sách khách hàng đặc thù, thẩm quyền phán quyết.

Lãnh đạo BIDV cho biết, ngân hàng này có hẳn một Nghị quyết về triển khai chương trình hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ và Thông tư số 22/2014/TT-NHNN của NHNN Việt Nam. Thực hiện Nghị quyết này, các chi nhánh trong hệ thống BIDV đã triển khai hàng loạt gói tín dụng phù hợp cho từng vùng miền, đối tượng.

Ví dụ, gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho vay đầu tư hạ tầng thiết yếu của cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất giống tập trung. Hay gói Gói tín dụng 7.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, thời hạn triển khai đến 31/12/2015. Hiện đã có hàng trăm khách hàng được vay vốn từ gói tín dụng này.

Các chi nhánh cũng đồng thời triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù cho ngành này, đáp ứng nhu cầu vay vốn rất đa dạng của khách hàng như gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn bổ sung vốn lưu động phục vụ quá trình thi công đóng mới nâng cấp tàu của khách hàng.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể vay từ gói tín dụng ngắn hạn 3.500 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển trồng sản xuất giống, thu mua chế biến thủy hải sản ở các Chi nhánh BIDV trên địa bàn các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng.

Với gói tín dụng 500 tỷ đồng, doanh nghiệp có thể vay trung dài hạn để gia tăng năng lực chế biến hải sản, cá ngừ đại dương. Đại diện BIDV cho biết: Ngoài chính sách chung áp dụng cho toàn hệ thống, ngân hàng còn có những chính sách khách hàng đặc thù theo đề xuất của các chi nhánh cho khách hàng thủy sản lớn.

Để hạn chế tình trạng “được mùa, rớt giá” trong nuôi trồng thủy sản, BIDV đã xây dựng sản phẩm tín dụng riêng biệt. Đại diện Ban khách hàng doanh nghiệp lớn của BIDV cho biết, ngân hàng đã ban hành Công văn hướng dẫn tài trợ chuỗi cung ứng thủy sản quy định cụ thể: “Thậm chí chúng tôi làm thay luôn phần việc của khách hàng vì trong đó bao gồm các quy định kỹ thuật chuyên ngành về cách thức triển khai tài trợ trọn gói, khép kín hoặc độc lập theo chuỗi cung ứng thủy sản, bao gồm: Nhập khẩu/sản xuất và cung ứng con giống hoặc thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; Nuôi trồng thủy sản; Thu gom nhập khẩu thủy sản nguyên liệu; Và đến khâu cuối là chế biến và phân phối thủy sản trong nước hoặc xuất khẩu…”.

Cần “mở lối” bằng chính sách

Với việc tham gia ký kết và thực hiện sâu rộng các nội dung FTA, ngành thủy sản sẽ gặp không ít khó khăn khi phải đáp ứng các yêu cầu phi thuế quan như: Hàng rào kỹ thuật (tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu về đóng gói, nhãn hàng…), các biện pháp phòng vệ thương mại…

Ở chiều ngược lại, hội nhập cũng tạo cho doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản cơ hội đa dạng hóa nguồn nguyên liệu (nhưng lại khiến những người nuôi trồng thủy sản bị cạnh tranh gắt gao).

Hiện Thái Lan, Indonesia cũng là những nước có thế mạnh về thủy sản và là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Việt Nam. Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia, chuỗi liên kết trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam còn lỏng lẻo do có nhiều khâu trung gian nên ảnh hưởng đến giá thành. Do đó, nếu không có sự hợp tác, liên kết tốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực và làm giảm đi năng lực cạnh tranh chung của toàn ngành.

Thực tế, ngành nuôi trồng thủy sản thường chịu nhiều rủi ro trong quá trình sản xuất như do thiên tai, dịch bệnh, mất mùa. Vì vậy, các ngân hàng không chỉ e dè trong cho vay nuôi trồng thủy sản, mà bản thân người dân cũng không dám mạo hiểm đầu tư lớn.

Do đó, Chính phủ cần mở rộng loại hình bảo hiểm nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng như là một công cụ phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro để người sản xuất và ngân hàng mạnh dạn hơn trong đầu tư phát triển thủy sản.

Về phía ngành Ngân hàng, theo quy định tại Thông tư 20/2010/TT-NHNN, đối với các TCTD có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 40% trở lên mới được ưu tiên trong việc tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. “Vì vậy đề nghị NHNN xem xét có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn với lãi suất phù hợp cho các TCTD để khuyến khích họ ưu tiên hơn về nguồn vốn và lãi suất ưu tiên cho khu vực tam nông” - BIDV đề xuất.

Đầu tư lớn, tâm huyết với sự phát triển của ngành thủy sản nhưng qua thực tế, các cán bộ BIDV cũng vấp phải không ít khó khăn khi giải ngân vốn. Đơn cử, theo Thông tư số 09/2012/TT-NHNN, quy định về việc sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân cho khách hàng bắt buộc các TCTD phải giải ngân bằng chuyển khoản trực tiếp cho khách hàng thụ hưởng, hoặc chỉ được giải ngân bằng tiền mặt tối đa đến 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, đối với đặc thù cho vay thu mua nguyên liệu thủy sản thì các DN đầu mối phải ứng tiền vay trước với số tiền khá lớn, thường trên 900 triệu đồng. Những điều đó khiến việc giải ngân cho các DN thu mua nguyên liệu gặp khó khăn.

Ngân hàng, dù có tâm huyết, nỗ lực thì rõ ràng cũng chỉ có thể hỗ trợ ngành thủy sản qua các chương trình tín dụng với ưu đãi về lãi suất, điều kiện cho vay... Để tạo nền tảng, một cơ sở vững chắc cho thủy sản Việt Nam phát triển, vươn xa thì cần nhiều hơn thế. Chính vì vậy, cần có sự tham gia tích cực hơn của các Bộ ngành, các địa phương.

Cùng với đó, phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp, TCTD trong phát triển tam nông như: có cơ chế khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất; đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi; mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm cho nông dân; cải thiện công tác quy hoạch, kế hoạch về nuôi trồng, chế biến xuất khẩu nông thủy sản xuất khẩu; quản lý cung-cầu thị trường để hạn chế hiện tượng được mùa mất giá, hoặc được giá lại mất mùa...

Bình An

Tin đọc nhiều