Mở thẻ tín dụng phụ: Cẩn tắc vô ưu!

09:12 | 30/06/2016

Cách tốt nhất để kiểm soát rủi ro là chủ thẻ chính phải cân nhắc kỹ và nên đặt hạn mức cho thẻ phụ để đảm bảo an toàn tài chính, tránh trở thành con nợ của NH.

Ra mắt thẻ tín dụng do SHB và FC Barcelona hợp tác
Tiết kiệm thêm tiền nhờ xài thẻ tín dụng
Dòng thẻ tín dụng dành riêng cho SME

Dễ dàng mở thẻ phụ

Thẻ tín dụng đang được sử dụng ngày càng phổ biến trong thanh toán chi tiêu mua sắm của nhiều người với ưu điểm chi tiêu trước – thanh toán sau kèm theo nhiều ưu đãi hấp dẫn khác. Theo đó, nhiều người có thu nhập ổn định đều sở hữu một vài thẻ tín dụng của các NH khác nhau. Khi sử dụng thẻ tín dụng quen thuộc, những người chủ thẻ bắt đầu nghĩ đến chuyện mở thẻ phụ cho người thân để họ cũng hưởng được nhiều tiện ích.

Trường hợp của anh Phạm Hoàng Nam (Tân Phú -TP.HCM) là một ví dụ. Vợ anh Nam đang trong thời gian có con nhỏ nên không đi làm, thế là anh có định mở thẻ tín dụng phụ để vợ anh tiện chi tiêu. Anh đến Techcombank mở thẻ tín dụng phụ với những thao tác khá đơn giản.

mo the tin dung phu can tac vo uu
Khi mở thẻ tín dụng phụ cho người thân, chủ thẻ chính phải kiểm soát hạn mức tín dụng để tránh rủi ro về nợ

Bởi hầu hết chủ thẻ phụ không cần chứng minh thu nhập với NH/công ty tài chính. Tuổi quy định để được cấp thẻ phụ khoảng từ 15 trở lên. Với thẻ tín dụng phụ, vợ của anh Nam được hưởng tiện ích giống như thẻ chính. Theo đó, thẻ phụ sẽ được miễn phí thường niên. Chủ thẻ phụ được sử dụng tất cả dịch vụ như thẻ chính và mọi giao dịch đều được tính chung vào hạn mức của thẻ chính. Bảng sao kê hàng tháng vẫn liệt kê tất cả các giao dịch của cả thẻ chính và thẻ phụ...

Vì mở thẻ dễ dàng, lại được mở một lúc nhiều thẻ phụ nên anh Nam mở thêm một thẻ nữa cho người em gái đang học đại học. Anh Nam cũng rất cẩn thận đặt hạn mức cho thẻ tín dụng phụ để đảm bảo an toàn tài chính. Bởi anh nhận thức được rằng, không ít chủ thẻ tín dụng chính vô tư mở thẻ phụ cho người khác vì thẻ phụ được miễn phí thường niên. Tuy nhiên, họ quên mất rằng chủ thẻ phụ khó kiểm soát được chi tiêu của mình khi họ không phải là người chịu trách nhiệm trả nợ thẻ.

Có thể nói trường hợp hiểu biết như khách hàng Nam là điều mà các NH đều mong muốn có được. Thế nhưng, trong xã hội hiện nay, số lượng người cẩn thận không nhiều, thành ra xảy ra rất nhiều câu chuyện tranh cãi liên quan đến nợ thẻ tín dụng, đặc biệt là từ thẻ tín dụng phụ.

Gần đây nhất, chị Mai Thị Tâm (quận Bình Thạnh - TP.HCM) phải ngậm ngùi đóng thẻ tín dụng vì những khoản nợ đã vượt khỏi tầm kiểm soát.

Chị Tâm chia sẻ, trước đây chị được nhân viên NH tư vấn mở thẻ tín dụng phụ, chủ thẻ chính dễ dàng chia sẻ tiện ích thẻ tín dụng của mình với người thân và bạn bè hơn. Chủ thẻ phụ có thể chi tiêu trước – thanh toán sau một cách tiện lợi, nhanh chóng và tận hưởng trọn vẹn ưu đãi ngang bằng chủ thẻ chính. Bên cạnh đó, khi mở thẻ phụ, điều kiện và thủ tục đăng ký đơn giản hơn rất nhiều so với mở một chiếc thẻ tín dụng mới; và thông thường bạn sẽ được miễn phí thường niên.

Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng sử dụng, việc chia sẻ tiện ích của chị với người thân trở thành gánh nặng nợ nần khi chồng chị dùng thẻ phụ để rút tiền mặt và cà thẻ ăn nhậu. Khi NH thông báo số nợ thẻ lên tới 43 triệu đồng cả vốn lẫn lãi-phí, chị đành vay mượn tiền người thân trả nợ rồi đóng thẻ…

Phải kiểm soát được hạn mức thẻ phụ

Thực tế, NH luôn mong muốn người chủ thẻ chính có thể sử dụng hình thức mở thẻ tín dụng phụ để tăng số người sử dụng cho tiện lợi. Theo đó, khi mở thẻ tín dụng, bất kỳ người nào cũng được nhân viên tư vấn về việc mở thẻ phụ cho cha mẹ, vợ hoặc chồng và con cái. Thậm chí, một số NH cho phép chủ thẻ chính có thể đăng ký mở thẻ phụ cho bất kỳ người nào. Nhìn chung, các NH đều hạn chế số lượng thẻ tín dụng phụ được mở kèm là 2, nhưng cũng có NH cho phép nhiều hơn.

Việc đăng ký thẻ phụ khá đơn giản vì chủ thẻ phụ không cần chứng minh thu nhập với NH. Tùy vào quy định của từng NH, thẻ phụ sẽ được miễn phí thường niên hay không. Nếu thu thì thông thường phí thường niên thẻ phụ chỉ bằng 50% phí thường niên thẻ chính, dù vẫn được sử dụng tất cả dịch vụ như thẻ chính và mọi giao dịch đều được tính chung vào hạn mức của thẻ chính.

Ví dụ, hạn mức của thẻ chính được NH đưa ra là 50 triệu đồng thì nếu có thêm một hay nhiều thẻ phụ, tổng hạn mức sử dụng cho thẻ chính và các thẻ phụ vẫn là 50 triệu đồng. Bảng sao kê hàng tháng sẽ liệt kê tất cả giao dịch trên cả hai loại thẻ và chủ thẻ chính là người có trách nhiệm thanh toán lại cho NH.

Tuy nhiên, sau khi phát sinh nhiều vấn đề rủi ro liên quan đến nợ thẻ, lãnh đạo một số NH cũng bắt đầu thông tin sâu hơn cho người tiêu dùng làm sao mở thẻ phụ mà không bị mất tiền oan. Trong đó, việc kiểm soát hạn mức tín dụng của thẻ phụ đặc biệt được lưu tâm với người chủ thẻ chính.

Chẳng hạn, trường hợp của một khách hàng tên Ngân ngụ tại quận Tân Bình (TP.HCM). Sau khi mở thẻ tín dụng, chị mở luôn thẻ phụ cho con gái đang học ở Singapore. Chị Ngân nghĩ đơn giản rằng đăng ký mở thẻ tín dụng phụ để con chi tiêu dễ hơn, nhất là khi cần tiền mà vì nhiều lý do gia đình không gửi sang kịp. Khi được hỏi, chị quyết định cho con gái xài chung hạn mức thẻ chính và cho rằng điều đó sẽ không ảnh hưởng gì đến chị.

Tuy nhiên, chỉ sau khi mở được một tháng, chị choáng váng thấy tổng số tiền phải thanh toán lại cho NH gần 100 triệu đồng, gần hết hạn mức tối đa được phép sử dụng. Tưởng NH nhầm lẫn, chị tới hỏi thì được sao kê một loạt danh sách chi tiêu mới biết do con gái đi mua sắm quá đà. Ngay sau đó, chị Ngân đã nhờ NH khóa hạn mức thẻ chỉ còn 15 triệu đồng/tháng.

Nhìn chung, việc khách hàng chọn mở thẻ phụ để tăng tiện ích cho người thân được NH hoan nghênh. Song, NH cũng không muốn các khoản nợ cá nhân bị chuyển thành nợ xấu, ghi nhận thông tin trên CIC nên luôn khuyên khách hàng phải kiểm soát được mức chi tiêu của người khác, dù đó là vợ hay con. Như đã nói ở trên, hình thức tốt nhất để kiểm soát rủi ro là chủ thẻ chính phải cân nhắc kỹ và tốt nhất nên đặt hạn mức cho thẻ phụ để đảm bảo an toàn tài chính, tránh trở thành con nợ của NH.

Cát Vũ

Tin đọc nhiều