“Mỡ treo, mèo nhịn đói”

22:16 | 17/05/2012

Kể từ khi NHNN chính thức áp trần lãi suất cho vay 15%/năm, ông Đoàn Trọng Lý - Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi - Chế biến và Xuất nhập khẩu Aprocimex vui mừng gõ cửa khắp các ngân hàng xin được vay, hưởng mức lãi suất này.

Ông giám đốc của DN chuyên chế biến hàng nông sản xuất khẩu tự tin rằng, trong mấy diện ưu đãi, mình đều đạt tiêu chuẩn cả, lại có hồ sơ khá “đẹp” vì năm vừa qua tuy khó khăn nhưng cũng có chút lời lãi. Thế nhưng, trái ngược với mong đợi, đi đến đâu ông Lý cũng nhận được những cái lắc đầu ái ngại với lý do hồ sơ chưa đạt chuẩn. Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, vị chủ DN này không giấu nổi sự bức xúc: “Khó lắm! Tiêu chí phức tạp lại không rõ ràng khiến DN chúng tôi không sao đáp ứng nổi!”.

Trong khi đó, sự sẻ chia của Chính phủ qua gói giảm, giãn thuế cũng không được DN này mặn mà đón nhận. Ông Lý nhẩm tính, năm vừa rồi DN đổ vào mấy trăm tỷ đồng tiền vốn để thu về gần chục tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Vì vậy, mức miễn giảm 30% thuế thu nhập DN thực chất chỉ tạo nguồn vốn lưu động cỏn con cho DN này. Nếu so với con số hơn 200 tỷ đồng tiền vốn còn thiếu cho năm 2012, nguồn thu từ việc miễn 30% thuế thu nhập DN rõ ràng chỉ như muối bỏ bể.


Biểu đồ hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ở trong tình cảnh kém may mắn hơn, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Đức Anh phải tìm đủ cách xoay xỏa mới vượt được giai đoạn khó khăn vừa qua. Như nhiều DN khác, Giám đốc Lương Anh Hào cho rằng, việc giảm 30% thuế thu nhập DN không có nhiều ý nghĩa bởi DN hiện đang hoạt động cầm chừng, không có lời lãi mấy nên nguồn thu không có nhiều để đóng thuế.

Chủ trương giãn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng không giải quyết được vấn đề tồn kho đang khiến DN đau đầu. “Thực tế là trước đây khi kinh tế ổn định, sức tiêu thụ tốt, nhiều DN đã chấp nhận chậm nộp VAT để có thêm nguồn vốn, vì phí phạt nộp chậm còn thấp hơn lãi vay ngân hàng.

Nên theo tôi động thái này của Bộ Tài chính chẳng qua là hợp thức hóa việc chậm nộp trong giai đoạn hiện nay, đỡ cho DN chút phí không đáng kể. Riêng tôi thấy trong hoàn cảnh này nó không giúp ích gì, vì DN có bán được hàng đâu mà phát sinh VAT”, ông Hào cay đắng nói.

Nhiều DN cũng phản ánh, thay vì giãn thời hạn nộp thuế VAT, Chính phủ nên xem xét miễn giảm thuế VAT đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để kích cầu tiêu dùng. Khi đầu ra được khơi thông, sản xuất mới có thể phục hồi.

Mặt khác DN cũng mong muốn có sự công bằng. "Trong trường hợp DN lớn nợ đầm đìa tiền bảo hiểm nhưng chỉ bị cảnh cáo, đòi được tiền là may, trong khi chúng tôi chậm nộp 1 ngày là dọa tính lãi suất. Mà đối với DN nhỏ như chúng tôi, khoản đóng bảo hiểm chiếm con số rất lớn trong ngân sách, giá như…”, ông chủ DN bỏ lửng câu nói.

Đồng tình với cộng đồng DN, gần đây nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, những chính sách hỗ trợ DN hiện nay thực ra vẫn chỉ dành cho các DN “sống”, chứ những DN “chết lâm sàng”, đối tượng cần hỗ trợ thực sự lại chẳng “sơ múi” gì. Đã là tháo gỡ khó khăn cho DN, thì phải thực sự là tháo và gỡ chứ hỗ trợ theo kiểu nắm đằng chuôi như hiện nay, các DN chẳng khác nào ở trong tình trạng “mỡ treo, mèo nhịn đói”?!

Ngọc Khanh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều