Môi trường kinh doanh: Cải cách chững lại, thách thức còn nhiều

15:33 | 28/10/2019

Việt Nam có cải thiện về chất lượng môi trường kinh doanh nhưng cải cách còn rất ít, khá chậm và có xu hướng chững lại. Nhiều chỉ số đã qua nhiều năm vẫn không cải thiện hoặc cải thiện rất chậm. Nếu lĩnh vực tư pháp không được cải cách thì đầu tư, kinh doanh chững lại.

Hoàn thiện pháp luật để thu hút nhà đầu tư lớn
Không ngừng hành động vì một Việt Nam thịnh vượng
Lượng hóa hiệu quả cải cách của ngành Hải quan: Đặt lợi ích của doanh nghiệp lên hàng đầu

Sáng ngày 28/10/2018, trong khuôn khổ Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform), Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và NBN Media tổ chức hội thảo "Môi trường kinh doanh 2016 - 2019 qua xếp hạng Doing Business: Kết quả và một số gợi ý cải cách".

Hội thảo nhằm đánh giá kết quả cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam (giai đoạn 2016-2019).

moi truong kinh doanh cai cach chung lai thach thuc con nhieu
Toàn cảnh Hội thảo

Ghi nhận chỉ số tiếp cận tín dụng

Phải khẳng định rằng, 4 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất nỗ lực cải cách và quyết liệt thúc đẩy cải cách nhưng nỗ lực cải cách thực tế ở các lĩnh vực không đồng đều, kết quả tổng thể đạt được không đáng kể.

Thực tế này được phản ánh trong bảng xếp hạng Doing Business 2020. Theo đó, điểm số tổng thể có tăng nhưng tăng không đáng kể (tăng 1,2 điểm) và xếp hạng lại giảm 1 hạng xuống vị trí 70. Như vậy, Việt Nam đang đứng thứ 5 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung nhìn nhận, có những chỉ số tăng vọt về vị trí trên bảng xếp hạng toàn cầu, nhưng các nỗ lực cải cách vẫn “trồi sụt” ở các lĩnh vực khác nhau.

Trong số 10 chỉ số đánh giá của Doing Business 2020 có 5 chỉ số tăng điểm, 4 chỉ số giữ nguyên, 1 chỉ số giảm điểm. Về thứ hạng, có 3 chỉ số tăng hạng, 6 chỉ số giảm bậc.

Phân tích kỹ các chỉ số trong bảng xếp hạng và thực tiễn cải cách, bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM cho biết, tuy có 5 chỉ số tăng điểm, nhưng chỉ duy nhất 2 chỉ số được ghi nhận cải cách về cả quy định và thực thi là chỉ số tiếp cận tín dụng và chỉ số nộp thuế. Đây cũng là hai chỉ số tăng hạng.

Chỉ số tiếp cận tín dụng được WB ghi nhận cải cách về tiếp cận thông tin tín dụng với việc cung cấp dữ liệu từ nhà bán lẻ. Nhờ vậy, chỉ số tiếp cận tín dụng tăng 5 điểm và 7 bậc (từ thứ hạng 32 lên thứ hạng 25);

Tuy chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 22 bậc nhưng trong khi ngành thuế cải cách mạnh thì ngành bảo hiểm xã hội không có cải cách so với năm 2018.

Trong 6 chỉ số giảm bậc thì có 5 chỉ số không có được cải cách nào trong năm qua.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo đánh giá chung của doanh nghiệp, những lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất là đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội.

“Doanh nghiệp vẫn quan ngại về thủ tục “hậu đăng ký doanh nghiệp”. Có 31% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức khi làm các thủ tục thành lập doanh nghiệp, 29% gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, 16% phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ giấy tờ cần thiết để chính thức hoạt động”, ông Tuấn cho biết.

moi truong kinh doanh cai cach chung lai thach thuc con nhieu
Sau 4 năm Chỉ số Tiếp cận tín dụng tăng 7 bậc

Cải cách tư pháp ở địa phương còn chậm

“Rõ ràng, Việt Nam có cải thiện về chất lượng môi trường kinh doanh nhưng còn rất ít và chậm trong khi các nền kinh tế cải cách nhanh và mạnh mẽ hơn. Cải cách có xu hướng chững lại và thể hiện thách thức với nhiều chỉ số trong nhiều năm không cải thiện hoặc cải thiện rất chậm”, bà Thảo nói thêm.

Ghi nhận Chính phủ và Thủ tướng thể hiện nhiều nỗ lực, quyết tâm cải cách nhưng các chuyên gia và các doanh nghiệp phát biểu tại Hội thảo này đều phản ánh hành động cải cách của các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp phát biểu rằng cần thúc đẩy cải cách, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh để tạo niềm tin cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy đầu tư, tạo việc làm, thu nhập và tăng trưởng bền vững.

Đặc biệt, hai chỉ số thuộc lĩnh vực tư pháp là bảo vệ cổ đông thiểu số giảm 10 bậc, và phá sản doanh nghiệp – trong liên tục nhiều năm ở thứ hạng cuối bảng. “Lĩnh vực này trong nhiều năm không có cải cách, thời gian kéo dài, tỷ lệ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh thấp”, bà Thảo nhận xét.

Đánh giá chất lượng môi trường kinh doanh từ góc độ của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, niềm tin của DN vào hệ thống tư pháp còn thấp vì cải cách tư pháp ở các địa phương còn diễn ra chậm chạp. Theo khảo sát của VCCI, trong năm 2018, chỉ có chưa đến 50% doanh nghiệp cân nhắc sử dụng đến tòa án để giải quyết các tranh chấp kinh doanh.

“Không cải cách tư pháp, không thể có thị trường đầy đủ. Lĩnh vực tư pháp đang là điểm nghẽn. Chỉ khi lĩnh vực này được cải cách mạnh mẽ, để người dân, nhà đầu tư thấy được rằng họ được bảo vệ nếu không may có rủi ro, khi đó họ mới bỏ tiền đầu tư, mới mở rộng sản xuất, kinh doanh”, nguyên Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nói.

Ngay trong hoạt động xây dựng luật pháp thì lại có tình trạng một cải cách nhưng lại có hai ba điểm không cải cách khác kéo lại.

moi truong kinh doanh cai cach chung lai thach thuc con nhieu
Chưa đến 50% doanh nghiệp nghĩ đến tòa án để giải quyết tranh chấp kinh doanh

Trước xu hướng cải cách chững lại như bà Thảo, ông Tuấn và các doanh nghiệp nêu lên tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung nhắc tới nguy cơ thỏa mãn ở một số lĩnh vực.

“Cá nhân tôi từng thỏa mãn với chỉ số khởi sự kinh doanh với vai trò là người tham gia trực tiếp vào việc cải cách chỉ số này, nhưng chúng ta phải tránh tình trạng ta cải thiện so với ta nhưng tụt lại so với thế giới. Như vậy chúng ta sẽ thiếu động lực cải cách, thiếu sự kiểm soát thực chất để có thể thay đổi”, theo ông Nguyễn Đình Cung.

Theo ông có rất nhiều thách thức mà có những thách thức nếu không có cách làm khác thì không thể vượt qua được.

Cải cách trước hết phải từ tư duy quản lý của các bộ ngành, cải cách theo hướng vì mục tiêu phát triển doanh nghiệp, cần có sự quan tâm, vào cuộc một cách đồng bộ, mạnh mẽ và thực chất của các bộ, ngành, địa phương, bà Thảo nói về thúc đẩy cải cách.

Do đó, đối với các chỉ số nhiều năm không có cải thiện hoặc cải thiện chậm (như giao dịch thương mại qua biên giới, đăng ký tài sản,…) cần có sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; sửa đổi các quy định và cải cách thực thi để tạo sự chuyển biến.

Đối với các chỉ số còn có sự khác biệt lớn giữa quy định văn bản và thực thi (như cấp phép xây dựng) phải được giám sát, chấn chỉnh nhằm đảm bảo minh bạch, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.

Linh Ly

Tin đọc nhiều