Một góc nhìn mới với “vay chủ động”

10:00 | 11/08/2016

Gần đây, để hạn chế tối đa chuyện vay thụ động của người dân, nhiều công ty tài chính lên kế hoạch đầu tư nâng cao kiến thức tài chính tiêu dùng cho người dân, tạo nên một nét đẹp trong cả việc cho vay lẫn đi vay.

Đừng ngại vay vốn ngân hàng
Tín dụng tiêu dùng: Cần có cơ chế hạ lãi suất
Sôi động tín dụng tiêu dùng

Theo thông tin từ Home Credit, công ty này đang chuẩn bị cung cấp kiến thức tài chính tiêu dùng cho người tiêu dùng với tên gọi “Vay chủ động”. Thực tế, đây là lần thứ ba Home Credit tổ chức hoạt động này. Hai lần trước, chương trình với tên gọi “Nghĩ kỹ càng, ký khôn ngoan” được tổ chức trong năm 2013-2014 tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Khi trao đổi với một vị lãnh đạo của Home Credit, được biết, mục tiêu chương trình năm nay của công ty này là thu hút được 23.000 lượt người đến tham quan và chơi trò chơi tài chính ở những điểm công ty này tổ chức. Một con số đáng để người ta kỳ vọng rằng, chương trình sẽ mang lại hiệu quả rất cao.

mot goc nhin moi voi vay chu dong
Người tiêu dùng được nâng cao kiến thức tài chính khi vay

Về lý thuyết, mọi chương trình do một tổ chức tư nhân thực hiện đều mang mục đích cá nhân, phục vụ cho lợi ích của DN. Tuy nhiên, đối với chương trình nâng cao kiến thức tài chính mà Home Credit thực hiện lần này phần nào mang lại ý nghĩa mới cho người dân, nhất là những người dân nông thôn, ít có kiến thức về chuyện vay mượn tiêu dùng.

Nói như vậy vì trong những năm gần đây, thị trường tài chính Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, trong đó đặc biệt là lĩnh vực tín dụng tiêu dùng. Sự phát triển ấn tượng của khu vực tín dụng tiêu dùng không chỉ hỗ trợ hiệu quả cho người dân có nhu cầu vay tiền mà còn giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN tăng trưởng.

Đồng thời, tại Việt Nam, theo số liệu của NHNN, trong 7 năm vừa qua tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng trưởng trung bình gần 20%/năm, ước tính hiện có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty cung cấp tín dụng tiêu dùng.

Thế nhưng, ngược với sự phát triển của thị trường, kiến thức về tài chính của người dân nông thôn vẫn dậm chân tại chỗ. Có nhiều người khi được hỏi vì sao rơi vào cảnh nợ nần họ cũng chỉ lờ mờ cho rằng mình bị “dụ”, “bị lừa” mà không hiểu rằng nếu đưa ra luật pháp, họ mới là người có tội.

Nguyên nhân thì rất đơn giản, suốt những năm qua, họ vẫn không hiểu kiến thức tài chính cơ bản, những lưu ý khi tiến hành các thủ tục vay trả góp, những điều khoản khách hàng cần quan tâm trước, trong và sau khi ký hợp đồng, trách nhiệm và nghĩa vụ của người đi vay cũng như bên cho vay…

Rõ ràng, sự phát triển của các tổ chức tín dụng nêu trên, bên cạnh những khía cạnh tích cực, tác động hiệu quả tới sự phát triển của nền kinh tế nói chung thì đại bộ phận người đi vay vẫn ghi nhận một số vấn đề tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, theo báo cáo của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương tại Hội thảo "Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng - Thực trạng và giải pháp", hiện nay, số vụ việc phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến các giao dịch tín dụng tiêu dùng đang có xu hướng gia tăng.

Cùng với đó, mức độ và hình thức của các vi phạm trong các giao dịch tín dụng tiêu dùng không chỉ dừng ở việc ảnh hưởng đến tài sản của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe và danh dự của người tiêu dùng.

Điều đáng chú ý ở đây là đối tượng sử dụng các dịch vụ tín dụng tiêu dùng đa phần là người dân chưa có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm vay-trả tiêu dùng, do vậy, chỉ đến khi xảy ra các tranh chấp, người dân mới nhận biết được các thiếu sót và các hệ lụy phát sinh liên quan. Không chỉ trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, ngay cả với các dịch vụ nâng cao như phát hành và sử dụng thẻ tín dụng, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn đang tiêu dùng với mức độ nhận thức chưa đầy đủ.

Từ thực tế trên có thể thấy, bên cạnh việc làm sao tăng trưởng, tăng lợi nhuận của công ty hàng năm thì bên cho vay cần phải tăng cường các hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi người vay trong các giao dịch tài chính tiêu dùng là vấn đề cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường tài chính nói riêng và sự phát triển ổn định của nền kinh tế nói chung.

Theo đó, câu chuyện của Home Credit dù nhỏ nhưng thông qua hoạt động tư vấn tại chỗ và những trò chơi đố vui có liên quan đến các kiến thức tài chính tiêu dùng, chương trình “Vay chủ động” ít nhiều có thể trang bị cho khách hàng những kiến thức liên quan đến vay tiêu dùng cá nhân, những lưu ý khách hàng cần quan tâm trước, trong, và sau khi khi ký hợp đồng vay trả góp.

Hay nói khác hơn, dù chỉ là một hành động nhỏ nhưng điều này thể hiện trách nhiệm của một tổ chức. Nếu muốn tồn tại bền vững, bên cho vay phải giúp người tiêu dùng hiểu được sản phẩm qua các hoạt động cung cấp, tuyên truyền và nâng cao kiến thức tài chính tiêu dùng.

Như đã nói ở trên, “vay tiêu dùng” là một hoạt động lớn nằm trong chuỗi hoạt động này nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về hình thức vay trả góp, đưa người tiêu dùng đến gần hơn với xu hướng mua sắm tiêu dùng hiện đại là điều mà các công ty đang hoạt động cho vay tiêu dùng cần phải bắt tay làm cho đồng bộ...

Hoàng Anh

Tin đọc nhiều