Nhân lực - chuyện chưa bao giờ cũ | |
Nhân sự vận động cùng hội nhập | |
Cạnh tranh nhân sự |
Đến hẹn lại lên, các NHTM lại đang chuẩn bị để bước vào mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2016. Những vấn đề “trở đi trở lại” mỗi kỳ đại hội như mua bán sáp nhập (M&A), cổ tức, nhân sự... chưa bao giờ thôi gây tò mò cho cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc.
Năm 2015, hoạt động M&A các NH thật sự là tâm điểm của thị trường. Dù đã có những kết quả bước đầu nhưng việc tái cơ cấu các TCTD vẫn đang trong giai đoạn tiếp tục thanh lọc. Tách, hay nhập đi cùng với đó là những xôn xao, đồn đoán về nhân sự cấp cao của NH. Cộng thêm những diễn biến trên thị trường tài chính thời gian qua cũng dự báo nhiều vấn đề nổi cộm sẽ được đưa ra trên bàn hội nghị lần này.
Nhân sự là nội dung được quan tâm tại ĐHCĐ các NH sắp tới |
Theo một chuyên gia tài chính, một trong những vấn đề ĐHCĐ của các NH sắp tới sẽ phải bàn đến còn là câu chuyện tăng vốn. Đây là vấn đề lúc nào cũng cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh sắp tới NHNN muốn rút gọn lại hệ thống NHTM. Tăng vốn để trở thành những NHTM lớn, để còn tồn tại trong hệ thống là điều hết sức quan trọng.
Bên cạnh đó, vấn đề cổ tức cũng luôn nhận được nhiều sự quan tâm từ các cổ đông. Ở những năm trước, khi các NHTM làm ăn không tốt, lợi nhuận tăng trưởng hạn chế, cổ đông của các NHTM hoặc không được chia cổ tức, hoặc chỉ được nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Thì với năm 2015, lợi nhuận NH có nhiều khởi sắc, chắc chắn lợi tức của cổ đông sẽ khá hơn. Cùng với đó, 2016 cũng là năm nhiều người dự báo lợi nhuận NH tốt hơn, cổ đông tất yếu cũng sẽ đòi hỏi mức cổ tức cao hơn.
Nhưng, vấn đề nhân sự của HĐQT và Ban điều hành NHTM vẫn thu hút sự quan tâm hơn cả. Điểm trên thị trường có thể thấy không ít các NHTM đã đưa ra thông báo dự kiến về việc tổ chức ĐHCĐ, chủ yếu tập trung vào quý II/2016. Trong số đó, dự kiến xoay quanh nhân sự cũng được một số nhà băng đề cập tới trong nội dung đại hội.
Đơn cử như LienVietPostBank đã công bố Nghị quyết HĐQT về tổ chức ĐHCĐ thường niên 2016. Theo đó, NH này sẽ tổ chức ĐHCĐ vào ngày 28/3/2016. Trước đó, vào đầu tháng 1/2016, ĐHCĐ bất thường của nhà băng này đã nhất trí thông qua bầu bổ sung ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LienVietPostBank làm thành viên HĐQT kiêm CEO nhiệm kỳ 2013 - 2018.
Những NH dự kiến họp ĐHCĐ trong tháng 4 có BIDV họp vào ngày 24/4, Vietcombank thông báo tổ chức vào 16/4... ĐHCĐ Sacombank đã chọn 14/3 là ngày đăng ký cuối cùng lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về số lượng thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2016-2020. Nội dung đại hội lần này của Sacombank đã thông qua dự kiến số lượng thành viên HĐQT từ 5-7 thành viên trong nhiệm kỳ 2016-2020, trong đó có một thành viên HĐQT độc lập.
Nhân sự cấp cao sẽ càng được quan tâm hơn với các NHTM đang gặp vấn đề về thanh khoản. Xét về lợi nhuận, NHTM có thể lỗ trong năm nay, nhưng vẫn có thể có lãi vào năm sau. Nhưng khi gặp vấn đề thanh khoản thì với NHTM có thể nói là đã rơi vào tình huống rất cấp bách.
Vì vậy, với những NHTM không may gặp phải vấn đề thanh khoản, điều trước tiên họ phải quan tâm tới là lãnh đạo - những người “đứng mũi chịu sào” của nhà băng. Bởi thế, lãnh đạo cao cấp của NHTM chắc chắn cần phải có sự chấn chỉnh nhanh chóng, đặc biệt quan tâm tới các bộ phận trực tiếp chịu trách nhiệm về vấn đề thanh khoản.
Mặt khác, việc chuyên nghiệp hoá trong điều hành cần được NHTM đặc biệt quan tâm, và cũng sẽ là vấn đề cần được đưa ra bàn thảo kỹ càng tại kỳ ĐHCĐ.
Trong bất cứ quốc gia nào, hệ thống tài chính luôn đóng vai trò là cột mốc, xương sống của nền kinh tế. Và những thành viên trong định chế tài chính của hệ thống đó được xem như “tài sản quốc gia”. Như đối với Mỹ, những NH làm ăn thua lỗ, mất thanh khoản đều nhanh chóng bị các cơ quan chức năng đóng cửa để tránh làm rối loạn hệ thống.
Tuy nhiên, xem ra những nhà quản lý NHTM của Việt Nam phần lớn chưa có thông lệ như vậy. Các ông chủ của NH Việt Nam, kể cả các cổ đông NH phải quan niệm NH kinh doanh do mình bỏ vốn, mình sở hữu, nhưng không thể chỉ phục vụ cho quyền lợi cá nhân, hay nhóm cá nhân, mà còn là trách nhiệm với quyền lợi của quốc gia. Trong quá khứ tại Việt Nam, không ít những ông chủ NHTM điều hành NH của mình với quan điểm tư hữu đã dẫn tới thua lỗ.
Ngoài ra, chuyện sở hữu chéo trong ĐHCĐ sắp tới dự báo cũng sẽ được các cổ đông quan tâm, vì là vấn đề cấp thiết, cần phải triệt để khắc phục.
Minh Khuê