Năm 2015, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.500 tỷ đồng

08:44 | 21/04/2015

Chiều ngày 20/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015.

Phát triển mạnh mảng bán lẻ

Báo cáo về kết quả kinh doanh của VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank cho biết, năm 2014 ngân hàng này đạt tổng tài sản hợp nhất là 163.241 tỷ đồng, tăng 41.977 tỷ đồng (tương đương tăng 34,6%) so với cùng kỳ năm 2013 và vượt 5% so với kế hoạch đặt ra từ đầu năm.

Tổng huy động vốn (tiền gửi của khách hàng, tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác và phát hành giấy tờ có giá) tại thời điểm 31/12/2014 đạt 146.991 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ 2013.

Tổng dư nợ cấp tín dụng (bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp) đạt 91.535 tỷ đồng, tăng trưởng 39% so với năm 2013 (trong khi toàn ngành tăng hơn 14%), trong đó riêng cho vay khách hàng đạt 78.379 tỷ đồng vượt 8% kế hoạch đề ra.

Theo ông Vinh, chủ yếu tín dụng tăng mạnh ở mảng bán lẻ và cho vay tiêu dùng. Riêng 2 mảng dịch vụ này đã đóng góp trên 13.000 tỷ đồng vào tăng trưởng tín dụng của VPBank. Đặc biệt, năm 2014, VPBank đã có chuyển biến cơ bản về kinh doanh sau khi mua lại Công ty Tài chính Vinacomin và chuyển thành Công ty Tài chính VPBank đã giúp ngân hàng phát triển mạnh mảng bán lẻ, tiêu dùng và DNNVV.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2014 đạt 1.609 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước, tuy nhiên chỉ hoàn thành 85% kế hoạch đã đề ra.

Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng mẹ đạt 1.537 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2013. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.254 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2013. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,54% trên tổng dư nợ vào cuối năm 2014.

Nói về con số lợi nhuận khá ấn tượng này, ông Vinh cho biết, tính riêng khối ngân hàng tư nhân thì VPBank nằm trong số 3 ngân hàng có lợi nhuận kinh doanh tốt nhất và chỉ đứng sau MB và Sacombank.

Năm 2015: Tìm đối tác nước ngoài

“Việc tăng cường vốn chủ sở hữu là ưu tiên hàng đầu của VPBank.” – ông Vinh nói. Do đó, chỉ tiêu vốn chủ sở hữu tính đến 2014 của VPBank đạt 8.754 tỷ đồng, chưa đạt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên theo ông Vinh, thì VPBank chưa hoàn thành trong việc huy động vốn từ các nhà đầu tư mới, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, ngân hàng vẫn theo đuổi mục tiêu tăng vốn qua bán cổ phần cho đối tác nước ngoài trong năm 2015.

"Chúng tôi tin tưởng sẽ có thể tăng thêm vốn điều lệ từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài năm 2015" - ông Nguyễn Đức Vinh tin tưởng.

Tại Đại hội, HĐQT VPBank đã xin ý kiến cổ đồng về việc thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ 2015 từ chia cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông. Cụ thể, VPBank sẽ phát hành tăng thêm 113.400.000 cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, tương đương 1.134 tỷ đồng vốn cần tăng thêm.

Ngoài ra, năm 2015 VPBank đặt mục tiêu sẽ đạt 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 55% so với kết quả thực hiện năm 2014 và tổng tài sản sẽ đạt 204.000 tỷ đồng. Về doanh thu, ngân hàng đặt mục tiêu sẽ phải đạt 10.000 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2014. "Con số này là tham vọng nhưng nếu đạt được VPBank sẽ chen chân vào khối ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn nhất" - Tổng giám đốc VPBank bày tỏ.

Giải đáp một số câu hỏi của cổ đông về việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch HĐQT cho rằng: Chia cổ tức là vấn đề thường xuyên mà năm nào cổ đông mong muốn. Chỉ còn một nguồn trông đợi duy nhất là lợi nhuận để lại. Tuy nhiên, trên thực tế cổ tức cổ đông vẫn được nhận nhưng thay vì nhận được tiền mặt thì cổ đông nhận được là cổ phiếu.

Ông Ngô Chí Dũng khẳng định, cổ đông chỉ được nhận cổ tức bằng tiền mặt khi VPBank tìm được đối tác nước ngoài và không còn bị chịu áp lực về tăng vốn điều lệ.

“Nếu như trong năm nay – 2015 mà VPBank tìm được đối tác chiến lược thì rất có thể năm sau cổ đông sẽ được nhận cổ tức một phần bằng tiền mặt” – Ông Ngô Chí Dũng nói.

Đức Nghiêm

Tin đọc nhiều