Nâng cao giá trị hàng Việt: Liên kết để tạo đột phá

09:30 | 20/11/2019

Trong những năm qua, hàng Việt đang dần khẳng định được vị thế tại thị trường trong nước. Nhiều DN Việt đã vươn lên mạnh mẽ tạo dựng được thương hiệu mạnh và đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu lớn của nước ngoài.

Một kênh hữu hiệu để đưa hàng Việt ra thế giới
Thống nhất và chuẩn hóa quy định về hàng Việt Nam
Cơ hội để hàng Việt tiếp cận thị trường Thái Lan

Hành động hiệu quả

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) cho biết, hiện nay sự thâm nhập và mở rộng thị trường của các hãng phân phối nước ngoài tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng sức ép cho các nhà bán lẻ nội địa. Để không bị thua ngay trên sân nhà thì các DN cần phải có những hành động quyết liệt và kịp thời để nâng cao sức cạnh tranh, cùng với những chính sách thúc đẩy nâng cao chất lượng, giá trị hàng Việt trên thị trường.

nang cao gia tri hang viet lien ket de tao dot pha
Nhiều thương hiệu Việt đã rất gần gũi với khách hàng

Thực tế là trong những năm qua, hàng Việt đang dần khẳng định được vị thế tại thị trường trong nước. Nhiều DN Việt đã vươn lên mạnh mẽ tạo dựng được thương hiệu mạnh và đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu lớn của nước ngoài. Đặc biệt, việc thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã nâng giá trị hàng Việt Nam lên một tầm cao mới.

Theo đó, nhiều thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam được công nhận là thương hiệu mạnh, thương hiệu uy tín không chỉ ở thị trường trong nước, mà đã định danh ở thị trường nhiều nước trên thế giới.

Theo công bố của Brand Finance mới đây, 50 thương hiệu Việt Nam có giá trị nhất năm 2019 có tổng giá trị lên đến 18,9 tỷ USD, trong số này, có thể kể đến như Viettel, VNPT, Vinamilk, Vinhomes, Sabeco, MobiFone, VietinBank, VinaPhone, BIDV, Petrolimex… Điều đó khẳng định hàng Việt đã có những bước tiến nhất định trong công cuộc hội nhập với thế giới.

Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỷ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm trên 60%. Điều này là minh chứng rõ nét cho việc hàng hóa Việt Nam đang dần chiếm lĩnh được thị trường nội địa trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.

Theo đại diện Saigon Co.op, những năm qua, hệ thống bán lẻ của DN này trên cả nước đã thực hiện nhiều biện pháp ưu tiên cho hàng Việt, từ chính sách thu mua đến trưng bày quảng bá, duy trì tỷ lệ hàng Việt ổn định hơn 90%. Hàng năm Saigon Co.op đều tổ chức chương trình “Tự hào hàng Việt” tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra và Co.opFood với kinh phí lớn để nâng cao vị thế hàng Việt Nam. Qua đó đã góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, từ tâm lý sính ngoại đã dần chuyển sang sử dụng, góp ý và nhiệt tình ủng hộ hàng Việt.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thân cũng cho biết, với đặc điểm nền kinh tế Việt Nam có trên 96% là DNNVV, trong đó DN siêu nhỏ chiếm hơn 62% đã khiến cho cuộc cạnh tranh với các DN nước ngoài càng trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, còn là những trở ngại về chính sách như thuế, đất đai, tiếp cận vốn… làm hạn chế sự phát triển của các DN, nhà đầu tư. Do đó, rất cần sự vào cuộc kịp thời và hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan chức năng, và sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng DN và người dân.

Liên kết để cùng phát triển

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, các DNNVV đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn kinh doanh. Chính phủ đã có những chính sách thuế ưu đãi, quỹ hỗ trợ và quỹ bảo lãnh tín dụng để giúp DNNVV vay vốn tại các ngân hàng, nhưng những hỗ trợ đó còn rất hạn chế. Bởi vậy cần có những giải pháp tháo gỡ những vướng mắc để các DN dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn.

Theo ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình, trong quá trình hoạt động sản xuất và mở rộng kinh doanh, các DN luôn mong muốn có được môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi. Những chính sách phù hợp trong thời gian qua đã giúp rất nhiều các DN Việt có thể mở rộng thị trường, tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là nâng cao nhận thức và sự quan tâm của người tiêu dùng đối với hàng Việt. Nhưng để phát huy hiệu quả hơn nữa, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là vai trò của những người đứng đầu địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội.

Về vấn đề này, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, trong thời gian tới, cần phải gia tăng ưu đãi phù hợp cho DN trong nước, tạo điều kiện cho DN Việt phát triển... Đồng thời, phải kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm, hàng hoá và việc tuân thủ của DN, nhất là chống gian lận thương mại, giả xuất xứ. Bên cạnh nỗ lực của DN về đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa thì cũng cần cải thiện về môi trường đầu tư, cải thiện về chính sách để tháo gỡ khó khăn thúc đẩy các DN đẩy mạnh sản xuất. Đẩy mạnh liên kết giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng… giúp các DN Việt nâng cao giá trị, chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước, thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều