Nâng cao nhận thức về tín dụng nặng lãi

09:48 | 30/06/2016

Vay vốn để đầu tư là nhu cầu tất yếu của người kinh doanh. Tuy vậy, cần thận trọng khi quyết định chọn hình thức vay để tránh sa vào tín dụng nặng lãi.

Tín dụng chính sách góp phần giảm tín dụng đen
Đi tìm giải pháp loại trừ “tín dụng đen”
Lãi suất cơ bản: Không nên làm cơ sở định tội cho vay nặng lãi

Cho dù luật pháp có quy định chặt chẽ đến đâu thì cũng không thể chặn hết tín dụng nặng lãi nếu không có sự nhận thức đầy đủ của người dân. Khi người dân nhận thức được đúng “lợi nhuận càng cao rủi ro càng lớn”, không chạy theo những món lợi trước mắt, chỉ một khi người dân “chỉ giao dịch công khai”, không chấp nhận giao dịch ngầm, giao dịch “quen biết” thì cho vay nặng lãi mới không có cơ hội. Đó là ý kiến của PGS.TS. Đặng Ngọc Đức – Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân).

Ông dẫn chứng, đầu năm 2016, tín dụng đen đã nở rộ ở nhiều nơi với các hình thức khác nhau, đặc biệt tại các tỉnh ĐBSCL, nơi dân cư đang đối mặt với tình trạng ngập mặn và mất mùa.

Tại Long Xuyên, tỉnh An Giang, hàng trăm hộ dân đã sập bẫy “tín dụng đen”. Với thủ tục cho vay đơn giản, không cần thế chấp tài sản, nhóm người cho vay nặng lãi đã thao túng toàn bộ địa bàn, thu lợi hàng tỷ đồng trong vòng chưa đầy 3 tháng.

nang cao nhan thuc ve tin dung nang lai
Tại Hà Nội, rất nhiều tấm biển quảng cáo công khai chào mời vay tiền với lãi suất

Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, các đối tượng cho vay nặng lãi đã “hợp thức hóa” tài sản của người đi vay thành hợp đồng chuyển nhượng, rồi kiện ra tòa khi con nợ không còn sức trả nợ tiền vay với lãi suất “cắt cổ” khiến hàng trăm người dân ở Cà Mau có nguy cơ mất nhà, bị đẩy ra đường. Công an TP.HCM cũng cảnh báo, người dân cần hết sức tỉnh táo trước những chiêu lừa đảo của những kẻ cho vay nặng lãi.

“Những điều này cho thấy mức độ tiếp cận với “tín dụng chính thống” của công chúng ở nhiều nơi còn rất thấp. Nhiều người dân hiểu biết rất hạn chế về các dịch vụ tài chính của hệ thống ngân hàng nên đã e ngại không đến vay vốn tại các NHTM”, theo ông Đức.

Ông khuyến nghị: “Yêu cầu tăng cường phổ cập nhận thức hoạt động ngân hàng và các sản phẩm dịch vụ tài chính cho người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn là thực sự cần thiết”.

PGS.TS. Đào Văn Hùng – Thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia – Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng nhấn mạnh “vấn đề bức thiết hiện nay là nâng cao hiểu biết về tín dụng”. Bởi đây là nguyên nhân chính khiến tín dụng không chính thức phát triển mạnh và đã gây nhiều hệ lụy xấu về kinh tế và xã hội.

Bên cạnh đó, có một nguyên nhân nữa, đó là chưa có nhiều các định chế tài chính vi mô quy mô nhỏ để đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm, dịch vụ tài chính vi mô ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tỷ lệ tiếp cận của người dân tới các dịch vụ tài chính của Việt Nam hiện thấp nhất trong khu vực. Số lượng chi nhánh NHTM tính trên 100.000 người của Thái Lan là 11,3; Indonesia là 8,5; Phillippines là 8,1; trong khi tại Việt Nam là 3,6.

Mặc dù đã có cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về những vụ đổ vỡ, vỡ nợ liên quan đến “tín dụng đen”, “cho vay nặng lãi”, nhưng loại tín dụng này ngày càng phát triển với các hình thức đa dạng và ngày càng tinh vi. Trong giai đoạn 2010 - 2014, lực lượng cảnh sát đã điều tra, khởi tố 5.839 vụ với gần 11.000 bị can liên quan đến “tín dụng đen”.

Tại Hà Nội, trên các con phố điểm như Lê Thanh Nghị, Giải Phóng, Cầu Giấy… rất nhiều tấm biển quảng cáo công khai chào mời vay tiền với lãi suất 1.500 - 2.000 đồng/triệu/ngày (tương đương 54% - 72%/năm). Đây là mức lãi suất thấp nhất, áp dụng với các khoản vay có tài sản thế chấp. Còn trong trường hợp chỉ có thẻ sinh viên, CMND, sổ hộ khẩu… lãi suất có thể lên tới 0,8% - 1%/ngày (292% - 360%/năm).

Trên Internet cũng nhan nhản những lời mời chào cho tín dụng nặng lãi như trang web chovaytien.vn với những lời quảng cáo công khai. Thậm chí, những địa chỉ này còn công bố địa chỉ “hội sở” và một loạt “phòng giao dịch” trên khắp địa bàn Hà Nội…

“Tín dụng không chính thức ngày càng phát triển cả về quy mô, mức độ tinh vi và tính lan tỏa, người tham gia ngày càng đa dạng”, TS.Trần Thị Hồng Hạnh – nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam công nhận. Bà Hạnh cũng cho rằng nguyên nhân đầu tiên dẫn đến vấn nạn này, là sự thiếu hiểu biết của người dân, nên không ít người “chấp nhận rủi ro miễn là vay được vốn”.

Và cũng cần phải nhắc lại rằng, một "cửa" pháp lý rất quan trọng là phòng công chứng. Về nguyên tắc, bao giờ công chứng viên cũng phải giải thích rõ cho người cam kết hợp đồng công chứng về mọi điều khoản, và cần phải biết rằng họ có tự nguyện đồng ý giao dịch này hay không.

Rất nhiều người nói rằng họ được chủ nợ dẫn đi công chứng nhưng chẳng biết công chứng cái gì và ký những giấy tờ gì. Thậm chí có những nạn nhân cho biết họ ký hàng loạt giấy tờ mà không có mặt công chứng viên.

Như vậy, sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân, cộng với sự thiếu nghiêm ngặt ở các phòng công chứng đã tạo kẽ hở cho các đối tượng kinh doanh tín dụng nặng lãi lợi dụng. Bà Hạnh nói rằng, để hạn chế tối đa kẽ hở mà tín dụng nặng lãi có thể lợi dụng, cần chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới rộng rãi người dân, DN.

Bên cạnh đó cần tăng cường chỉ đạo quản lý của các cấp ủy, chính quyền địa phương để ngăn ngừa các hoạt động phi pháp, trong đó có tín dụng đen; Phát huy vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị, chính trị-xã hội cùng tham gia nâng cao hiểu biết người dân về tín dụng chính thức; Phát huy tinh thần tương thân tương ái… kịp thời có biện pháp hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn…

Nguyễn Huyền Trang

Tin đọc nhiều