Nâng cấp các giải pháp thanh toán hiện đại cho khách hàng

14:36 | 16/10/2023

Thị trường có nhu cầu ngày càng nhiều với thanh toán không tiếp xúc, số hóa, các sản phẩm thanh toán mới. Đáp ứng nhu cầu của khách hàng, thời gian qua, với vai trò là đơn vị cung cấp hạ tầng chuyển mạch tài chính và thanh toán bán lẻ quốc gia, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia (NAPAS) đã không ngừng cải tiến công nghệ và cho ra đời nhiều sản phẩm thanh toán mới.

nang cap cac giai phap thanh toan hien dai cho khach hang
VietQRcash dấu ấn cho các giải pháp thanh toán hiện đại năm 2023 của NAPAS và các trung gian thanh toán

Theo số liệu thống kê qua hệ thống NAPAS từ tháng 7/2022 đến hết tháng 6/2023, tổng số lượng và giá trị giao dịch của các dịch vụ NAPAS cùng các trung gian thanh toán triển khai đạt 52,4 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch đạt 41,5 nghìn tỷ đồng.

Một số hoạt động nổi bật của NAPAS với trung gian thanh toán trong năm qua có thể kể đến như công tác triển khai thí điểm VietQR thanh toán, mở rộng hình thức thanh toán điện tử trong các lĩnh vực giao thông, giáo dục, tổ chức nhiều chương trình ưu đãi thúc đẩy khách hàng chi tiêu, thanh toán không tiền mặt.

Đáng chú ý số lượng giao dịch VietQR trong 8 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng 1.971% so với cùng kỳ năm 2022; Số lượng giao dịch trung bình/ngày gấp 7 lần giao dịch rút tiền mặt. Hàng tháng có hơn 20 triệu người sử dụng ứng dụng ngân hàng để quét mã VietQR; hơn 11 triệu mã VietQR được sử dụng để nhận tiền, trung bình gần 3 triệu mã VietQR mới được tạo mới/tháng. Nhờ đó, VietQR góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và phổ cập tài chính toàn diện quốc gia. Như vậy có thể thấy, thị trường đạt mức tăng trưởng tốt và còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Thực tế mức độ chuyển đổi số, áp dụng công nghệ trong lĩnh vực thanh toán ngày càng nhanh, rộng và rút ngắn khoảng cách so với thế giới. Nhất là thị trường có nhu cầu ngày càng nhiều với thanh toán không tiếp xúc, số hóa, các sản phẩm thanh toán mới; nâng cao trải nghiệm người dùng; kênh và phương tiện thanh toán rất đa dạng. Do đó, hạ tầng thanh toán cần phải được tiếp tục phát triển, mở rộng hơn nữa để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, đẩy mạnh chuyển đổi số.

Theo đánh giá của các chuyên gia, xu hướng thanh toán trong thời gian tới được người tiêu dùng ưa thích sẽ là thanh toán không tiếp xúc, Thẻ phi vật lý (Virtual Card), Mua trước, trả sau (BNPL), QR, thanh toán account to account; E-KYC và đồng nhất trải nghiệm của khách hàng; Tokenization và nâng cao an toàn bảo mật trong thanh toán...

Để chuẩn bị cho nhu cầu đáp ứng dịch vụ thanh toán hiện đại cho khách hàng, NAPAS đã và đang phát triển đầy đủ sản phẩm thẻ phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường. Một số sản phẩm nổi bật phải kể đến như thẻ nội địa NAPAS, thẻ tín dụng nội địa NAPAS, thẻ kép đa ứng dụng (NAPAS Combo card), Thẻ đồng thương hiệu (Co-badge) NAPAS - DFS...

Đối với thẻ nội địa NAPAS, dựa trên Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, NAPAS đã phát triển hoàn thiện đa dạng các sản phẩm thẻ để đáp ứng nhu cầu của thị trường, trong đó bao gồm thẻ ghi nợ, thẻ trả trước, thẻ tín dụng, thẻ combo góp phần khuyến khích chi tiêu bằng thẻ, giúp tăng trưởng thanh toán phi tiền mặt. Hiện Napas đang phối hợp với Tổ chức thẻ quốc tế triển khai thẻ đồng thương hiệu, phục vụ tập khách hàng có nhu cầu chi tiêu cả trong nước và quốc tế... với biểu phí phù hợp.

Bên cạnh đó, thẻ tín dụng nội địa NAPAS cũng được rất nhiều khách hàng ưa chuộng. Thẻ được phát hành theo Bộ tiêu chuẩn cơ sở ban hành bởi NHNN, tuân thủ công nghệ EMV đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất về an toàn bào mật; công nghệ thanh toán 1 chạm giúp cho việc thanh toán trở nên đơn giản và nhanh chóng (contactless); chính sách phí hợp lý hơn so với thẻ quốc tế; thanh toán nhanh chóng tại gần 300,000 điểm chấp nhận thanh toán (tại cửa hàng và trực tuyến); hạng thẻ Classic (cơ bản) và Platinum (cao cấp), phục vụ các đối tượng khách hàng khác nhau...

Ngoài ra, NAPAS còn đưa ra các giải pháp SoftPOS và dịch vụ Tap to Phone giúp tạo điều kiện cho các đơn vị nhỏ có thể được triển khai chấp nhận thanh toán thẻ. Đây là 1 trong những giải pháp góp phần hoàn thiện hạ tầng thanh toán.

Đối với thanh toán dịch vụ công, NAPAS cung cấp giải pháp Thanh toán cho nền tảng Dịch vụ công Quốc gia trực tuyến, đa dạng phương thức thanh toán qua thẻ, tài khoản, QR code… Nhờ đó, người dân có thể đơn giản và dễ tiếp cận, dễ dàng sử dụng thanh toán các dịch vụ công như Đóng BHXH, BHYT…; thanh toán thuế cá nhân; nộp vi phạm hành chính; nộp thuế doanh nghiệp; thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công... Đơn vị cung cấp dịch vụ công chỉ cần 01 kết nối tới NAPAS và tối ưu vận hành; Kho bạc Nhà nước hạch toán trực tuyến, thông suốt, đồng nhất, chính xác và nhanh chóng...

Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch phối hợp số 01 giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công an về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), NAPAS nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ kết nối thanh toán của mình. Công dân được hưởng các khoản chi trả an sinh xã hội; Công dân thực hiện đăng ký liên kết tài khoản an sinh xã hội với tài khoản ngân hàng/tài khoản Mobile money để nhận các khoản chi trả an sinh xã hội. Kho bạc Nhà nước gửi danh sách chi trả tới ngân hàng để thực hiện giao dịch chuyển tiền chi trả an sinh xã hội qua NAPAS.

Nhờ đó, các cơ quan nhà nước giảm bớt thời gian, nguồn lực trong việc chi trả an sinh xã hội cho công dân so với chi trả bằng tiền mặt còn công dân tiết kiệm thời gian, thuận tiện trong việc nhận các khoản trợ cấp an sinh xã hội.

Ngoài ra, NAPAS còn cung cấp dịch vụ định danh khách hàng. Dịch vụ hỗ trợ lưu trữ, quản lý, liên kết và chuyển đổi các thông tin định danh của khách hàng như số điện thoại, số căn cước công dân, email... với tài khoản ngân hàng của khách hàng. Thông tin khách hàng (thông tin định danh, thông tin tài khoản) được lưu tập trung tại Hệ thống quản lý định danh (ACH Addressing).

Hệ thống ACH Addressing lưu và liên kết/map định danh khách hàng với thông tin của khách hàng (tên, tài khoản khách hàng…). Qua đó, hỗ trợ triển khai dịch vụ chuyển tiền qua số điện thoại/mã số thuế/số hộ chiếu/địa chỉ mail…

Với những cơ hội cùng những thách thức trong giai đoạn sắp tới, đại diện lãnh đạo NAPAS cam kết tiếp tục đồng hành cùng các Tổ chức thành viên trong triển khai các giải pháp thanh toán số hiện đại, an toàn thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ. Cùng với đó, NAPAS cũng sẽ tăng cường phối hợp triển khai các chương trình truyền thông marketing nhằm nâng cao nhận thức, khuyến khích, thúc đẩy thói quen sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt của người dân cũng như mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

H.G

Tin đọc nhiều