Cơ hội tăng sức bền cho hệ thống QTDND | |
Tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động | |
Mỗi QTDND cần xây dựng kế hoạch XLNX, nâng cao chất lượng hoạt động |
Tăng trưởng tín dụng 10% năm
Mô hình Quỹ Tín dụng nhân dân – một loại hình hợp tác xã trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, ngân hàng vẫn tiếp tục được Nhà nước khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Mô hình tín dụng tập thể này đến nay chỉ dừng lại ở việc góp vốn và cho vay giữa các thành viên trong cùng địa bàn hoạt động. Thế nhưng, đối với các đô thị lớn như TP.HCM các quỹ tín dụng đang bị các loại hình tín dụng khác như NHTM, công ty tài chính, quỹ đầu tư… cạnh tranh khốc liệt. Điều này đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho mô hình tín dụng tập thể.
Hệ thống quỹ tín dụng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước áp lực cạnh tranh với các TCTD khác |
Đơn cử như ở TP.HCM hiện có 19 quỹ tín dụng với tổng số vốn khoảng trên 100 tỷ đồng đang góp phần quan trọng vào hoạt động sản xuất kinh doanh cho các cá thể, hộ gia đình ở các huyện ven đô và những khu phố tập trung nhiều dân nhập cư. Trong những năm qua các quỹ tín dụng ở TP.HCM đã gắn kết các thành viên hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, vận tải rất tốt. Trong đó phải kể đến hoạt động xe buýt của các hợp tác xã đã góp phần quan trọng trong phát triển giao thông đô thị. Quy mô của các quỹ tín dụng gắn với vốn điều lệ ngày càng tăng, góp phần mở rộng cho vay và cải thiện năng lực tài chính trong xu thế phát triển của nền kinh tế và hệ thống các TCTD.
Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, đến nay vốn điều lệ của các quỹ tín dụng trên địa bàn đã tăng 1,7 lần so với năm 2012 là điều kiện tốt để mở rộng mạng lưới và quy mô huy động vốn. Số liệu thống kê cho thấy, tổng nguồn vốn huy động của các quỹ tín dụng nhân dân ở TP.HCM đến nay khoảng 1.500 tỷ đồng, tăng 1,67 lần so với năm 2012 và dư nợ cho vay đến nay đã đạt trên 1.300 tỷ đồng tăng 1,47 lần, đã hỗ trợ vốn trực tiếp cho các thành viên tham gia quỹ tín dụng trong sản xuất kinh doanh. Nhiều hộ gia đình đã giữ vững được nghề thủ công truyền thống hàng ngày cung ứng cho các nhu cầu đời sống dân sinh. Theo NHNN thành phố, tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình hàng năm của các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn vào khoảng 10% đã mở rộng tốt cho khu vực sản xuất kinh doanh cá thể và cải thiện đời sống người nghèo đô thị.
Không lượng hóa bằng cấp
Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, hơn 80% nhân sự đang làm việc trong các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn có trình độ chuyên môn ở trình độ cao đẳng, đại học, 2,5% nhân viên có trình độ sau đại học. Cơ cấu nguồn nhân lực được đào tạo phù hợp với đặc thù công việc thực tiễn ở các quỹ tín dụng trong từng địa bàn. Năng lực quản trị và điều hành của các quỹ tín dụng này gần đây cũng cao hơn giai đoạn trước và khác biệt rất lớn đối với khu vực nông thôn ở các tỉnh thành khác. Nhiều thành viên của quỹ tham gia hội đồng quản trị, ban điều hành đã được đào tạo bài bản về tài chính ngân hàng. Điều này thêm một lần khẳng định sự cần thiết về sự tồn tại và phát triển của mô hình quỹ tín dụng nhân dân ở các thành phố lớn.
Với một số lượng 279 người hiện đang tham gia các quỹ tín dụng nhân dân ở TP.HCM, xét về số lượng đã tăng 1,5 lần so 5 năm trước. Nhưng trong giai đoạn tới, các nhân sự tham gia hội đồng quản trị, ban điều hành, trưởng phòng nghiệp vụ phải được đào tạo bài bản trong lĩnh vực ngân hàng. Không nên lượng hóa và nguyên tắc về trình độ bằng cấp, song phải đảm bảo được các nhân sự nắm bắt được thông tin xu thế phát triển của nền kinh tế. Song song đó phải ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động để tăng năng suất và giảm bớt thời gian giao dịch nâng cao chất lượng hoạt động của các quỹ tín dụng.
Từ đó mới có thể đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển của các quỹ tín dụng trong bối cảnh các định chế tài chính khác đang phát triển đa dạng hình thức sở hữu và mô hình hoạt động. Đặc biệt, yếu tố cạnh tranh lãi suất, dịch vụ của các NHTM không thể xem thường, do đó các quỹ tín dụng nhân dân ở đô thị cần phải có chiến lược trong phát triển. Theo đó quá trình hoạt động phải luôn bám sát bản chất hoạt động của mình với vai trò chủ đạo là mô hình hợp tác tương trợ lẫn nhau. Trong hoạt động phải nâng cao tính chuyên nghiệp hóa, tuân thủ các quy định và kỷ luật thị trường. Bên cạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các quỹ tín dụng cần phải cải thiện mô hình hoạt động để có vai trò hỗ trợ hệ thống Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.
Nguyễn Hoàng