Nâng hạn mức rút tiền ATM: Các ngân hàng thực hiện ra sao?

08:49 | 20/07/2016

Các NHTM đã điều chỉnh hệ thống để có thể liên kết nâng hạn mức cho người dân rút tiền theo hạn mức tối đa được nhà nước quy định.

Thị trường mới nổi thúc đẩy lĩnh vực thanh toán
Cảnh giác với thẻ giả
Chính thức nâng hạn mức rút tiền tại ATM từ 1/7

Theo Thông tư 20/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2012/TT-NHNN về trang bị, quản lý, vận hành và bảo đảm an toàn hoạt động của các máy giao dịch tự động (ATM), NH thương mại phải mặc định hạn mức rút tiền ATM nội mạng 5 triệu đồng/lượt, ngoại mạng 3 triệu đồng/lượt từ ngày 1/7, góp phần tăng tiện ích cho người dân khi dùng thẻ ATM.

Rút tiền nhiều… vui hơn

Chị Lâm Thị Thanh Hằng (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) cho biết mới đây, do cần gấp 8 triệu đồng để đóng học phí cho con, mà trường học của con chị chỉ có máy NH Đông Á (DongA Bank). Nếu như trước đây, thẻ VIB của chị thường xuyên bị từ chối rút tiền tại máy ATM khác thì nay, chị rút tiền khá thuận lợi, mỗi lần rút được 3 triệu đồng.

Trong khi đó, trước đây chị rút tại máy ATM của VIB cũng chỉ được tối đa 2 triệu đồng/lượt. Có điều, chị Hằng thắc mắc về số tiền phí khi giao dịch bị trừ nhiều hơn so với việc rút tại VIB, theo chị Hằng, phải chăng NH đang cộng dồn số tiền phí rút ngoại mạng theo hạn mức rút?

“Rút tiền mặt nhiều hơn vui hơn do không lo mất phí phải rút nhiều lần” - chị Nguyễn Mai Hương ở khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM) nói. Qua tìm hiểu, một số NH đang thực hiện khá tốt chuyện nâng hạn mức rút tiền tại ATM nội mạng nhưng việc rút ngoại mạng còn gặp khó khăn. Đơn cử trường hợp của chị Lâm Thị Thanh Hằng, phí tương ứng 1.100 đồng khi rút tại máy VIB, còn rút máy ngoài hệ thống cao hơn, 3.300 đồng/lượt.

nang han muc rut tien atm cac ngan hang thuc hien ra sao
Nhiều khu vực dân cư hiện mới chỉ sử dụng thẻ NH để rút tiền chứ chưa thanh toán trực tiếp hàng hóa dịch vụ tại nơi sinh sống

Một lãnh đạo DongA Bank cho biết, từ lâu, giao dịch nội mạng được rút 10 triệu đồng/lượt, điều này được NH thực hiện lệnh trên tất cả các máy ATM của DongA Bank. Để đảm bảo đáp ứng đúng quy định của NHNN, NH này đã cài đặt hạn mức rút tiền ngoại mạng 3 triệu đồng/lượt. Tuy nhiên, có một số NH chưa nâng cấp xong việc nâng hạn mức nên chưa thể liên thông ngay, gây khó khăn cho người rút tiền.

Đồng thời, chủ thẻ của các NH khác giao dịch qua ATM của DongA Bank hiện nay có thể rút được số tiền tối đa theo quy định nhưng phải chịu phí rút tiền theo quy định của từng NH.

“Đối với những NH có đầu tư hệ thống thẻ ATM phải chịu mức chi phí đầu tư rất lớn. Thế nên các NH này thường áp một mức phí hợp lý, theo đúng quy định của NHNN khi khách hàng sử dụng dịch vụ. Chỉ có những NH đầu tư hệ thống công nghệ liên minh thẻ, họ không phải đầu tư hệ thống ATM nên sẽ có những chính sách ưu đãi, miễn phí cho khách hàng khi sử dụng thẻ của NH đó. Vậy nên, khách hàng cần có cái nhìn đa chiều về phí và dịch vụ mà mỗi NH cung cấp”, vị lãnh đạo trên chia sẻ.

Là đơn vị có số lượng máy ATM thuộc top lớn nhất nước, ông Lê Huỳnh Hà, cán bộ phụ trách ATM của Vietcombank cho biết NH đang triển khai nâng hạn mức rút tiền ATM cho 2.300 máy trên cả nước và sẽ hoàn tất trong vài ngày tới. Theo đó, dự kiến, chủ thẻ NH khác sẽ rút được 3 triệu đồng/lượt tại ATM của NH này.

Trên tinh thần chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã nhanh chóng chú trọng đổi mới, cải tiến các quy trình để nâng hạn mức rút tiền trên tài khoản thẻ, tạo thuận lợi cho khách hàng trong quá trình giao dịch với NH. Theo đó, nhiều NH đã cho phép rút tiền qua ATM nội mạng từ 5-10 triệu đồng/lượt. Đối với ngoại mạng, các NHTM cũng đã điều chỉnh hệ thống để có thể liên kết nâng hạn mức cho người dân rút tiền theo hạn mức tối đa được nhà nước quy định.

Như vậy, nếu tính theo số liệu của Hội Thẻ NH Việt Nam, doanh số sử dụng thẻ tính đến hết tháng 5 lên tới hơn 1,6 triệu tỷ đồng. Việc nới hạn mức rút tiền của NHNN lần này sẽ giúp số tiền giao dịch qua thẻ tăng lên gấp nhiều lần.

Quan trọng vẫn là thanh toán

Bốn năm trước một quy định ra đời làm nền tảng cho sự phát triển hệ thống thanh toán tự động trong NH. Đó là Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt có thể nói đã tạo ra một khung pháp lý căn bản cho sự phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Với những quy định về những đơn vị tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, mở tài khoản, người dùng tài khoản NH, tổ chức vận hành hệ thống thanh toán quốc gia… đã là những điều kiện cho các TCTD tham gia hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt từng bước phát triển.

Theo đó, cá nhân, DN và các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán là các TCTD và NHNN với vai trò quản lý vận hành hệ thống thanh toán quốc gia như hệ thống điện tử liên NH. Từ đó tạo nên hệ thống thanh toán hiện đại, trong đó có hệ thống thanh toán điện tử liên NH, cho phép kết nối thanh toán hệ thống NH với các NHTM thành viên. Thực hiện được việc thanh toán điện tử liên NH, chẳng hạn bù trừ điện tử, bỏ hẳn các hình thức thanh toán thủ công trước đây vào các buổi chiều ở NHNN cấp tỉnh, thành phố. Nó mang lại lợi ích rất lớn cho các DN, cá nhân và bản thân hệ thống NHTM.

Khi khung pháp lý thanh toán không dùng tiền mặt được xây dựng lên, đã làm cho các sản phẩm dịch vụ thanh toán phát triển đa dạng, mở rộng dịch vụ cho các NHTM với nền tảng công nghệ hiện đại. Trong khi đó chính sách đã tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong toàn bộ nền kinh tế, nhờ thanh toán, chuyển tiền nhanh, tăng tốc độ vòng quay vốn.

Từ thực tế phát triển dịch vụ NH, đến nay toàn hệ thống NH cả nước đã phát hành trên 100 triệu chiếc thẻ ra thị trường, có những chủ thẻ chưa sử dụng thường xuyên nhưng cũng đã là một bước tiếp cận với sản phẩm dịch vụ NH. Những đô thị lớn thường có tốc độ phát triển sản phẩm dịch vụ tiện ích của NH với tốc độ rất nhanh.

Chẳng hạn, TP.HCM cho thấy một địa phương có tốc độ tăng nhanh nhất về dịch vụ tài khoản cá nhân, dịch vụ thẻ.

Theo thống kê của NHNN chi nhánh thành phố, đến nay hệ thống NH trên địa bàn đã phát hành trên 10,250 triệu thẻ, mạng lưới thanh toán hiện đại đa tiện ích phát triển. Trên 4.214 máy ATM và 34.500 máy chấp nhận thẻ (POS) được đặt tại 18.000 điểm chấp nhận thanh toán đã hỗ trợ rất lớn cho đời sống kinh tế-xã hội. Trong khi đó tốc độ tăng trưởng khách hàng tham gia dịch vụ tài chính ngày càng cao, giao dịch thanh toán bằng phương tiện công nghệ ngày càng phổ biến nhất là giới trẻ.

Không thể phủ nhận những lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt trên những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao được hệ thống NH đưa ra thị trường. Lợi ích đầu tiên phải nói đến khi thanh toán bằng các sản phẩm của NH là đảm bảo an toàn tài chính, tiếp đến tiết kiệm thời gian, chi phí…

Chẳng hạn một cú nhấp chuột hiện nay tại nhà đã có thể chuyển tiền điện, nước, bảo hiểm, gửi tiền cho thân nhân… Phổ biến nhất là các hình thức thanh toán điện tử như Internet Banking, Mobi Banking với các DN là lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ tín dụng, dịch vụ thu hộ chi hộ.

Sự phát triển của hệ thống thanh toán điện tử của Việt Nam hiện nay có thể nói ngang bằng các nước trong khu vực. Trong những năm qua hệ thống NH đã đầu tư hạ tầng, công nghệ cho phép các NHTM cung cấp dịch vụ không cần dùng tiền mặt. Đặc biệt hệ thống thanh toán điện tử liên NH do NHNN quản lý và sự phát triển về công nghệ NH đã mang lại nhiều lợi ích cho người dùng dịch vụ NH mà không lo cầm tiền mặt.

Theo các chuyên gia thanh toán, hiện nay hệ thống NH Việt Nam hoàn toàn đáp ứng tốt cho nền kinh tế một hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt ngang bằng với các quốc gia trên thế giới. Điều quan trọng nhất hiện nay là nhu cầu thị trường, thói quen sử dụng tiền mặt chưa thể một sớm một chiều có thể thay đổi ngay được.

Trong lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chíp dự kiến hoàn tất vào năm 2020 đảm bảo bảo mật và nhiều tiện ích hơn cho người tiêu dùng. Hơn hết lúc này phải là các cơ quan nhà nước mua sắm thiết bị và đầu tư dự án nên đi đầu trong việc thanh toán bằng các sản phẩm dịch vụ NH để người dân học theo.

Nguyễn Nam - KIM

Tin đọc nhiều