Nên giải quyết tranh chấp bằng hòa giải tại VMC

00:00 | 14/12/1999

VMC sẽ giúp các DN, kể cả DN FDI có phương thức giải quyết các tranh chấp thân thiện, bí mật, tiện lợi và hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và tăng sức thu hút FDI.

Ra mắt Trung tâm Hòa giải Việt Nam
Luật Đăng ký tài sản: Giúp ngân hàng hóa giải rủi ro?
Giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải

“Hòa giải thương mại là biện pháp giải quyết tranh chấp phổ biến trên thế giới. Phương thức này vừa tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền bạc cho các bên lại giúp các quan hệ kinh tế trong nền kinh tế trở nên vững bền”, TS. Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam phát biểu tại lễ ra mắt Trung tâm Hòa giải Việt Nam.

Thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế, Trung tâm Hoà giải Việt Nam với tên gọi tắt là VMC sẽ là một trong vài tổ chức đầu tiên tại Việt Nam thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải theo Quy tắc Hoà giải VMC.

Nhấn mạnh vai trò của VMC và phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, bà Nguyễn Thị Mai - Phó Cục trưởng Cục bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư Pháp) kể lại câu chuyện của Singapore. Từ năm 1990, khi Chính phủ cam kết và đẩy mạnh cơ chế giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, Singapore đã trở thành địa điểm thu hút đầu tư lớn trên thế giới. Năng lực cạnh tranh, chỉ số minh bạch quốc gia của Singapore tăng lên.

nen giai quyet tranh chap bang hoa giai tai vmc
Lễ ra mắt Trung tâm Hòa giải Việt Nam

Với Việt Nam VMC ra đời rất quan trọng trong bối cảnh tranh chấp trong kinh doanh và đầu tư ngày càng nhiều và ngày càng phức tạp, nhu cầu giải quyết tranh chấp ngày càng cao, nhưng tòa án thì luôn quá tải và chi phí cũng khá tốn kém nên đã nảy sinh một số vụ sử dụng “xã hội đen” để giải quyết tranh chấp rất đáng quan ngại. Số liệu từ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho thấy, tranh chấp giữa các DN FDI với DN FDI khoảng 20%, tranh chấp giữa DN FDI với DN nội địa chiếm tới 40%, tập trung tới 41% vào mua bán hàng hóa, tranh chấp về xây dựng, hoạt động về cơ sở hạ tầng…

Hiện ở Việt Nam các kênh xử lý tranh chấp phổ biến là qua tòa án, trọng tài, xử lý hành chính. Nhưng các phương pháp này có lúc xử lý nhanh, có lúc chậm, chưa kể xử lý xong DN không tâm phục, khẩu phục. “Tranh chấp trong thương mại không giải quyết được hoặc chậm trễ, làm sao môi trường kinh doanh cải thiện tốt?”, ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết.

Theo điều tra PCI, với câu hỏi “phán quyết của tòa có công bằng không” thì câu trả lời “có” ở năm 2013 là 86%; nhưng năm 2016 chỉ là 78%. Năm 2013 có 60% số DN trả lời “chọn tòa án để giải quyết tranh chấp”, nhưng năm 2016 số DN chọn tòa chỉ còn 36%.

Điều tra PCI cho biết, 47% số DN cho biết chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp, 32% số DN dùng quan hệ, 14% cho biết dùng áp lực báo chí. Có 4% số DN trả lời là dùng phương thức phi chính thức, mà trong đó có việc dùng tới “xã hội đen”. Thực trạng này, có thể chưa đến mức báo động, nhưng không ngăn chặn sẽ tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh của Việt Nam, một môi trường đang phải cạnh tranh gay gắt còn nhà đầu tư luôn canh cánh nỗi lo về an toàn pháp lý.

“Dùng xã hội đen để giải quyết trước đây chỉ trên phim ảnh nay đã xuất hiện khiến chúng ta phải suy nghĩ. Phải làm sao trở thành một nền kinh tế văn minh, ở đó tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải”, ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch VIAC phát biểu.

VMC sẽ là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải. VMC sẽ giúp các DN, kể cả DN FDI có phương thức giải quyết các tranh chấp thân thiện, bí mật, tiện lợi và hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và tăng sức thu hút FDI. Tại VMC, các yêu cầu về tính độc lập, vô tư, khách quan và trung thực của Hòa giải viên được đặt ra ở mức rất cao.

VMC có nguyên tắc hai tầng bảo mật, toàn bộ các thông tin, trao đổi trong thủ tục hòa giải sẽ được giữ bí mật giữa các bên và hòa giải viên; các thông tin, trao đổi được một bên đưa ra trong phiên họp riêng giữa bên đó với hòa giải viên còn phải được giữ bí mật giữa bên cung cấp thông tin và hòa giải viên.

“Khi có tranh chấp, bên nào đúng – bên nào sai không quan trọng, quan trọng là tranh chấp được giải quyết nhanh chóng và ít tốn kém. Vì thế khi có tranh chấp không cần phải đưa đến tòa án. Tôi tin rằng VMC sẽ là kênh giải quyết tranh chấp phổ biến ở Việt Nam vì đây là cách giải quyết hiệu quả”, đại diện Tổ chức Tài chính quốc tế khuyến nghị.

"Chúng tôi sẽ cố gắng cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại VIAC và bằng hòa giải tại VMC tốt hơn nữa, gây được niềm tin của DN, giảm đến tối đa việc DN phải dùng tới xã hội đen, giúp xã hội tìm ra cách thực hiện giải quyết các tranh chấp không chỉ trong thương mại mà còn trong cả đời sống kinh tế", ông Huỳnh khẳng định.

Việt Nam đến nay đã có một cơ chế pháp luật hoàn chỉnh cho hoạt động hoà giải thương mại. Trong các Nghị quyết 19 dù trực tiếp hay gián tiếp song cũng đề cập nhiều đến hỗ trợ giải quyết tranh chấp bằng hoà giải thương mại. “Đây là thông điệp rất quyết liệt của Chính phủ trong việc khuyến khích các cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài toà án nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia. Cộng đồng DN, doanh nhân hãy tự sử dụng quyền lực giải quyết tranh chấp của mình bằng hòa giải tại VMC trước khi nhờ đến toà án”, bà Nguyễn Thị Mai khuyến nghị.

Linh Linh

Tin đọc nhiều