Nền kinh tế “ốm” đến đâu?

10:17 | 24/05/2012

Đánh giá của Chính phủ đã bớt lạc quan hơn so với trước đó khi mà Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh trình bày bản dự thảo báo cáo với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Đúng là kinh tế quý I có thấp hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước, nhưng chúng tôi gọi là nền kinh tế gặp khó khăn chứ chưa đến mức suy giảm”.

Báo cáo tại Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2012, Chính phủ đánh giá: “Đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế” với nhiều dẫn chứng như: Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm 2012 chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011 (5,57%) và năm 2010 (5,84%); Trong đó công nghiệp, xây dựng chỉ tăng 2,94%...

Như vậy, đánh giá của Chính phủ đã bớt lạc quan hơn so với trước đó khi mà Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh trình bày bản dự thảo báo cáo với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Đúng là kinh tế quý I có thấp hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước, nhưng chúng tôi gọi là nền kinh tế gặp khó khăn chứ chưa đến mức suy giảm”.

Thế nhưng, đánh giá này cũng nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều. Giới chuyên gia thì cho rằng, đánh giá của Chính phủ còn quá lạc quan, chưa đánh giá đúng thực trạng hiện nay của nền kinh tế khi mà tình trạng đình trệ sản xuất đang diễn ra trên diện rộng, hàng tồn kho tăng cao. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2012, cả nước có trên 17,7 nghìn doanh nghiệp đã làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, thời điểm hiện tại chưa đủ căn cứ để khẳng định nền kinh tế suy thoái hay là suy giảm. Ông dẫn chứng: “Khác với tình hình suy giảm kinh tế của năm 2009 là có 7 tháng liên tiếp tăng trưởng âm, quý I/2012 nền kinh tế vẫn tăng trưởng 4%. Nếu sang quý II, quý III tăng trưởng là 2% hoặc 3% thì lúc đó chúng ta mới có thể nhận định là suy giảm” (Thời báo Kinh tế Việt Nam số 122, Thứ Ba, ngày 22/5/2012).

Cũng chính vì vậy nên “toa thuốc” 29.000 tỷ đồng mà Chính phủ đưa ra để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Có ý kiến đồng tình, cho rằng những giải pháp như vậy là hợp lý. Số khác lại cho rằng liều lượng như vậy là chưa đủ để “giải cứu” doanh nghiệp. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, những giải pháp mà Chính phủ đưa ra vẫn chưa quan tâm đúng mức đến một khu vực rất quan trọng là nông nghiệp, nông thôn…

Thậm chí, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính ngân sách hiện cũng mới chỉ đồng ý với các đề xuất giảm thuế và không đồng ý với đề xuất miễn thuế của Chính phủ.

Vậy “tình trạng sức khỏe” hiện nay của nền kinh tế thế nào? Nền kinh tế “ốm” đến đâu? Đó là câu hỏi mà người dân, cộng đồng doanh nghiệp đang hàng ngày, hàng giờ mong mỏi có được câu trả lời chính xác.

Chừng nào chưa có chẩn đoán chính xác, chừng đó khó có toa thuốc hiệu quả được. Song cũng đừng để khi có toa thuốc thì con bệnh đã chết. Nếu không sớm có được giải pháp hữu hiệu, có lẽ số doanh nghiệp giải thể, phá sản sẽ không dừng ở con số 17,7 nghìn.

Và khi đó, mục tiêu tăng trưởng chẳng những không thể đạt được mà vấn đề an sinh xã hội cũng khó có thể đảm bảo. Bởi như một chuyên gia đã từng nói: “Đằng sau mỗi doanh nghiệp là hàng trăm, hàng nghìn người lao động”.

Minh Trí

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều