Ngại “chịu đau” sẽ khó thực hiện

09:27 | 04/06/2012

Một trong những giải pháp quan trọng của Đề án này là tái cấu trúc tài chính, nhân sự nhằm nâng cao năng lực quản trị. Tuy nhiên, điểm nghẽn chính yếu nằm ở việc xác định trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo thế nào hay liệu nhà nước có chấp nhận mất vốn và mất đến mức nào?

Ngại “lật lại” hiệu quả kinh doanh

Tính đến tháng 4/2012, đã có 7 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trình Thủ tướng đề án tái cơ cấu, 35 đơn vị khác đã và đang hoàn thiện đề án dưới các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến thực thi đã không được đề cập cụ thể. “Các đề án đều chưa tính đến chi phí tài chính, chưa rà soát được công nợ bao nhiêu, khoản nợ mất, thua lỗ như thế nào...”, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết.

“Khoảng trống” tương đối giống nhau kể trên ở nhiều bản đề án tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có cùng một nguyên nhân. Quả vậy, nếu “lật lại” vấn đề hiệu quả kinh doanh để từ đó định ra chi phí tái cơ cấu thì mới vỡ lẽ trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả như đã thông tin.

“Một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong các năm 2007-2008 đã thành lập nhiều công ty con đầu tư vào những lĩnh vực ngoài nhiệm vụ chính nhưng thiếu kiểm soát chặt chẽ...; một vài doanh nghiệp chưa triệt để tuân thủ pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng...”. Đó là những hạn chế, yếu kém trong quá trình đổi mới, sắp xếp DNNN, cũng là nguyên nhân dẫn đến tiến trình cổ phần hóa chậm lại trong 3 năm gần đây, được bộ Tài chính chỉ ra tại Đề án tái cơ cấu DNNN.

Cho nên, một trong những giải pháp quan trọng của Đề án này là tái cấu trúc tài chính, nhân sự nhằm nâng cao năng lực quản trị. Tuy nhiên, điểm nghẽn chính yếu nằm ở việc xác định trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo thế nào nếu quá trình sắp xếp lại doanh nghiệp, cơ cấu lại tài chính phát sinh lỗ; hay liệu nhà nước có chấp nhận mất vốn và mất đến mức nào?...

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri thẳng thắn nhìn vào trường hợp của chính doanh nghiệp mình. Ông cho biết, việc thoái vốn của EVN đang tắc lại là do quy định hiện nay: thoái vốn nhưng không được để mất vốn. “Yêu cầu bán không được dưới giá trị sổ sách, song bên mua chỉ trả dưới giá. Như thế, không ông giám đốc nào dám quyết để bị đi tù”, ông Tri phát biểu.

“Tái” gì cũng có cái giá của nó

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành - muốn và khó

Trong quá trình phát triển vừa qua, nhiều DNNN đã “trót” đầu tư ngoài ngành, thấy ngành nghề tốt cùng nhảy vào, dẫn đến lấn sân nhau, nguồn lực nhà nước bị triệt tiêu. Đơn cử thời gian qua thấy bất động sản, chứng khoán tăng nóng thì đổ xô đầu tư vào. Đến khi thị trường xuống như hiện nay, muốn thoái vốn cũng khó.

Tổ chức các DNNN đan xen giữa công ty mẹ, công ty con và cùng đầu tư vào công ty thứ ba. Cho nên, sắp xếp lại như thế nào là vấn đề không dễ dàng, ngay cả với ngành nghề kinh doanh muốn sắp xếp lại cũng khó. Bây giờ sắp xếp thu hẹp là khó, trong lúc yêu cầu phải “cắn răng” sắp xếp theo mô hình chiều dọc chứ không theo chiều ngang như trước. Thế nhưng, đầu tư vào đâu phải bảo toàn vốn cũng là một yêu cầu khó khăn. Các tập đoàn, tổng công ty nên nêu các vấn đề của mình, hướng giải quyết ra sao để có kiến nghị điều chỉnh.

Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp

Nhưng việc “che dấu” những khoản lỗ, nợ khó đòi... đã đến lúc không thể tiếp diễn. Từ nhiều vụ việc buông lỏng quản lý, gây hậu quả nghiêm trọng, thất thoát vốn nhà nước được phát giác tại nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước gần đây, đã đến lúc... phải nói cho rõ. “Đừng để khi cơ quan thanh kiểm tra vào, không xoay sở được thì ảnh hưởng đến cả cộng đồng doanh nghiệp”, Phó cục trưởng Tiến nói.

Cũng bởi vậy, cho đến gần đây quan điểm phải chấp nhận mất mát mới tái cơ cấu được DNNN thành công đã được đặt ra. Tái gì cũng có giá phải trả, đã đầu tư ngoài ngành, đầu tư vào lĩnh vực nhà nước yêu cầu thoái vốn thì sẽ có chuyện bán được giá cao hơn, hoặc thấp hơn giá trị sổ sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu thừa nhận.

Ở góc độ doanh nghiệp, bộ phận phải thực hiện các giải pháp tái cơ cấu, Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri chia sẻ thêm: “Muốn cải tổ phải xem những doanh nghiệp còn phát huy được thì bán luôn, thà rằng nhà nước lỗ một phần còn hơn nuôi rồi sau này mất toàn bộ vốn”.

Nhưng dưới góc nhìn tích cực hơn, sự thất thoát vốn nhà nước qua việc bán, giải thể doanh nghiệp sẽ không phải mất mát của cả nền kinh tế. Bởi vì, nguồn lực còn lại sẽ được chuyển sang các doanh nghiệp khác có quản trị và điều hành tốt hơn. Ngay việc giải thể DNNN, ông Tri cho rằng, xét ở mặt nào đó cũng tạo cơ hội cho tư nhân.

Và việc chuyển giao nguồn lực, cơ hội kinh doanh từ khu vực doanh nghiệp kém hiệu quả sang khu vực doanh nghiệp có hiệu quả hơn cũng là mục tiêu lớn nhất của tái cấu trúc nền kinh tế mà Chính phủ đang mong muốn thực hiện. Nhưng, từ ý tưởng đến thực hiện là khoảng cách “không ngắn”, cần ý chí và cách thức tiến hành hiệu quả, Thứ trưởng Hiếu lưu ý.

Tình hình đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty trong giai đoạn 2006 – 2010

Đến hết năm 2010 tổng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty là 1.799.317 tỷ đồng, bằng 238% so với năm 2006. Năm 2010, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty là 1.488.273 tỷ đồng; lợi nhuận là 162.910 tỷ đồng

Trong khi đó, đến hết năm 2010, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty là 1.088.290 tỷ đồng, bình quân bằng 1,67 lần vốn chủ sở hữu (quy định hiện hành được huy động vốn trong phạm vi nợ phải trả không vượt quá 3 lần vốn điều lệ). Có 30 tập đoàn, tổng công ty tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong đó có 7 tổng công ty trên 10 lần, có 9 tổng công ty trên 5-10 lần, có 14 tổng công ty từ 3 đến 5 lần.

(Theo báo cáo Thực trạng hoạt động của TĐ, TCT NN giai đoạn 2006-2010 của Bộ Tài chính)

Diệu Hương

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều