Thanh toán qua di động: Thị trường đầy tiềm năng | |
Hoàn thiện pháp lý cho thanh toán qua di động | |
Thanh toán qua di động nhiều tiềm năng phát triển |
Một thực tế khá phổ biến là tâm lý tiền mặt đang ăn sâu vào tiềm thức người Việt, có lương là chạy vội ra cây ATM rút một cục rồi tiêu dần. Hay theo ý kiến của một số bạn trẻ hiện nay thì họ vẫn còn e ngại với các hình thức giao dịch điện tử vì chưa tin tưởng vào tính an toàn cũng như bảo mật của NH, hoặc các thủ tục giải quyết sự cố trong thanh toán!
Từ đó mà nảy sinh ra nhiều bất cập là NH thì tấp cập tích hợp tiện ích cho người sử dụng sau đó thu phí. Trong khi đó, người dân lại không biết sử dụng các dịch vụ mới lại bị trừ tiền phí mỗi tháng khiến những lời than phiền liên quan đến dịch vụ thẻ, ATM cứ kéo dài chưa có điểm dừng.
NH nỗ lực nâng cấp dịch vụ thanh toán tạo tiện ích cho khách hàng |
Theo chia sẻ của anh Vũ Minh Tuấn (sinh viên Trường Đại học NH), dù là người học ngành tài chính nhưng anh cũng có chung bức xúc khi sử dụng dịch vụ thẻ ATM. Với anh Tuấn, tất cả các chủ thẻ đều đồng ý sử dụng dịch vụ phải trả phí và chấp nhận mức phí NH đưa ra nhưng chất lượng dịch vụ mà NH cung cấp lại chưa đáp ứng được yêu cầu của người dùng, do đó, việc thu phí dịch vụ thường nhận được sự phản đối của khách hàng.
Cũng chính câu chuyện rút tiền tại ATM vẫn còn đang gặp nhiều vướng mắc nên việc các NH chưa thể khuyến khích được người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử tiện ích là điều dễ hiểu. Điều đó cũng lý giải vì sao người trẻ hiện nay cầm điện thoại thông minh suốt ngày song các giải pháp thanh toán di động tại Việt Nam như: mPos, QR Pay, dịch vụ mobile banking, ví điện tử, các ứng dụng thanh toán không chạm như Samsung Pay… chẳng mấy ai tải về để sử dụng.
Như đã nói ở trên, một phần, người tiêu dùng chưa tin tưởng vào sự an toàn của hệ thống thanh toán mới. Mặt khác, tâm lý sợ tính phí, sợ phiền phức cũng góp phần làm bước cản để công nghệ phát triển. Tuy nhiên, đối với những người hiểu biết, việc từ chối sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử mà các NH đang triển khai là một thiệt thòi cho người trẻ. Bởi, nếu nói ở góc độ thanh toán bằng thẻ ATM, tín dụng vô cùng tiện ích so với việc phải chạy ra cây ATM rút tiền mặt.
Thực tế, các NH đã không còn đầu tư nhiều cho việc mở rộng cây ATM mà tập trung vào việc phát triển hệ thống thanh toán thông minh trong tương lai. Theo đó, sắp tới đây, người tiêu dùng sẽ nhìn thấy các hình thức thanh toán qua di động gia tăng chóng mặt với các công nghệ mới - xử lý thanh toán bằng điện thoại thông minh thay vì nhận thấy các cây ATM được mở rộng.
Rồi cũng trong tương lai, nhờ công nghệ, tất cả các NH sẽ giúp người dùng chỉ cần mở ứng dụng và đưa điện thoại lại gần các máy POS thông thường để thanh toán. Đến thời điểm hiện tại, các chủ thẻ ATM nội địa thuộc 7 NH: VietinBank, Vietcombank, BIDV, Sacombank, Shinhan Vietnam Bank, ABBank, Citibank đã có thể sử dụng dịch vụ này. Vài năm tới đây, tất cả các NH đều áp dụng triển khai dịch vụ mới khiến việc sử dụng tiền mặt trở nên khó khăn hơn.
Về tính bảo mật, là một người đã và đang sử dụng dịch vụ thanh toán bằng điện thoại, anh Hoàng An ngụ quận Thủ Đức (TP.HCM), cho biết các NH đang có bước thay đổi rõ nét khiến anh rất yên tâm. Anh chia sẻ rằng, cách đây không lâu, khi anh vẫn còn sử dụng ATM để rút tiền thì NH đã có những bước bảo mật tiến bộ. Đơn cử, anh đến máy ATM của một NH để rút tiền. Khi vừa nhập mã PIN nhận được thông báo “thẻ này có vấn đề nên NH thu hồi” và “nuốt” thẻ vào máy. Khi anh gọi tổng đài của NH đó hỏi nguyên nhân thì nhận được câu trả lời là thời gian qua, NH nhận thấy một số thẻ có khả năng bị lộ mã, nên NH khoá các thẻ này để đảm bảo an toàn cho khách hàng. Sau khi lên NH nhận lại thẻ và được các giao dịch viên tại NH tư vấn sử dụng hình thức thanh toán mới không cần rút tiền tại thẻ, anh cảm thấy khá hài lòng.
Gần đây, sau mỗi lần đăng nhập giao dịch, lâu lâu anh lại nhận được tin nhắn từ NH yêu cầu phải đổi mã PIN nhằm bảo vệ an toàn cho tài khoản. Thậm chí, mỗi khi triển khai chính sách mới NH đều thông báo khiến khách hàng cảm thấy an tâm hơn khi tài khoản của mình luôn được NH kiểm soát. Ấy vậy mà anh lại cảm thấy ngạc nhiên khi nhiều người lại cho rằng việc NH kiểm tra tài khoản cho mình, yêu cầu thay đổi mã PIN hay đăng nhập câu hỏi kiểm tra là phiền phức.
Có thể nói, lâu nay, khi sử dụng dịch vụ thẻ ATM, tất cả các chủ thẻ đều đồng ý sử dụng dịch vụ phải trả phí và chấp nhận mức phí NH đưa ra. Trong số đó có những khoản phí thông dụng phải trả cho NH như số dư tối thiểu (từ 20.000-50.000 đồng, thậm chí một số NH còn áp dụng mức 100.000 đồng), phí rút tiền mặt (từ 1.000-3.000 đồng/giao dịch), phí tin nhắn báo biến động số dư (8.000 đồng/tháng). Nếu sử dụng các dịch vụ khác, khách hàng cũng phải trả phí theo biểu phí mà NH đưa ra. Một số NH áp dụng biểu phí đối với dịch vụ NH điện tử cũng khá hợp lý so với ứng dụng mà họ cung cấp. Chẳng hạn TPBank tăng phí dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn SMS Banking 11.000 đồng/tháng. Phí dịch vụ Internet Banking áp dụng đối với khách hàng cá nhân của Sacombank hiện được tính từ 44.000 đồng/quý…
Nhưng ngược lại, chất lượng của dịch vụ thanh toán đang được hoàn thiện bằng công nghệ mới. Hệ thống máy ATM nói chung cũng đang được NH nâng cấp và đáp ứng được yêu cầu của người dùng, kể cả dịch vụ phổ biến nhất là rút tiền mặt.
Từ những yếu tố thực tại, người tiêu dùng nên cân nhắc để có những thay đổi trong cách thanh toán, chuyển từ thao tác cũ sang hình thức giao dịch hiện đại. Bởi theo Quyết định số 2545 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, giải pháp để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt là triển khai một số biện pháp hành chính kết hợp với các biện pháp khuyến khích về lợi ích kinh tế nhằm phát triển thanh toán điện tử… Thiết nghĩ người dân nói chung và người trẻ nói riêng cũng cần chuyển dịch thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt sang phương thức thanh toán mới tiện dụng hơn.
Linh San