Ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam: Đích đến không xa đối với LienVietPostBank

08:42 | 24/06/2020

Bức tranh kinh doanh với những điểm sáng về tín dụng, huy động, thu dịch vụ... một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của chiến lược xây dựng nền tảng để phát triển bền vững mà ngân hàng đã theo đuổi trong nhiều năm qua...

Bứt phá nhờ tận dụng hiệu quả lợi thế

Theo số liệu tổng hợp của FiinGroup, 18 NHTM niêm yết trên sàn chứng khoán hiện chiếm khoảng 67,4% tổng dư nợ toàn ngành có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2019 ở mức 29,3%. Trong đó, khoản tiền lãi từ phí dịch vụ tại hầu hết nhà băng đều tăng so với năm trước. Nhiều cái tên sở hữu mức tăng 3 chữ số như VIB tăng 145%, NCB tăng 104%, đáng chú ý lãi từ dịch vụ của LienVietPostBank tăng 159% cao gấp 2,5 lần so với năm trước và đạt cao nhất trong 11 năm hoạt động góp phần tích cực trong bức tranh kinh doanh ngân hàng trong năm 2019 cũng như trong vài năm trở lại đây.

ngan hang ban le hang dau viet nam dich den khong xa doi voi lienvietpostbank
Bán lẻ đa dạng nguồn thu nhất gia tăng tỷ trọng của nguồn thu nhập

Như một xu hướng tất yếu, các nhà băng đang tìm nhiều cách phát triển mảng dịch vụ, bán lẻ đa dạng nguồn thu gia tăng tỷ trọng của nguồn thu nhập phi tín dụng, giảm dần phụ thuộc vào tín dụng để phân tán rủi ro trong hoạt động cho vay và gia tăng lợi nhuận bền vững đồng thời tăng khả năng cạnh tranh trước sự biến đổi, thách thức của nhu cầu khách hàng và các công ty fintech thời gian tới. Mục tiêu tăng thu từ dịch vụ không chỉ là yêu cầu từ nội tại của mỗi ngân hàng mà đó là đòi hỏi từ Chính phủ, NHNN để đảm bảo kinh doanh ngân hàng vừa hiệu quả, bền vững lại vừa giảm đi rủi ro. Trong Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, Thủ tướng đặt ra yêu cầu cho từng ngành dịch vụ, trong đó có ngành tài chính, ngân hàng. Mục tiêu cụ thể trong Đề án chiến lược của ngành Ngân hàng, đến năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%. Tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng trên tổng thu nhập của các NHTM là 16-17%... Chính vì vậy, hầu hết các ngân hàng đẩy mạnh tung ra nhiều “chiêu bài” để thúc đẩy doanh thu cho mảng kinh doanh này.

Nhưng muốn là một chuyện còn làm được hay không lại là chuyện khác. Trong cuộc đua này, ngân hàng nào có lợi thế vượt trội sẽ tạo ra sự khác biệt. Chẳng hạn như LienVietPostBank, ngoài công nghệ hiện đại đồng thời là ngân hàng đầu tiên có ví điện tử, ngân hàng còn sở hữu mạng lưới rộng lớn mà nhiều ngân hàng cổ phần mơ ước. Trong năm 2019, LienVietPostBank đã hoàn thành đưa vào hoạt động thêm 147 phòng giao dịch, nâng tổng số chi nhánh, phòng giao dịch lên gần 540 điểm. Dự kiến trong năm nay, ngân hàng sẽ tiếp tục mở phòng giao dịch tới tất cả các huyện tại 63 tỉnh thành cả nước, giữ vững lợi thế là ngân hàng cổ phần có mạng lưới lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, mạng lưới chi nhánh phòng giao dịch rộng lớn là lợi thế rất lớn của các ngân hàng giúp cho ngân hàng bao phủ các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng tới các khách hàng ngày càng dày dặn hơn, khai thác tối đa tiềm năng của khách hàng. Nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi mà khách hàng chưa có điều kiện tiếp cận sản phẩm công nghệ hiện đại, thì chi nhánh, phòng giao dịch truyền thống vẫn là lựa chọn số 1 của người dân.

Quả thực, nhờ việc cụ thể hoá các đường lối chiến lược thành những chính sách rất cụ thể, LienVietPostBank đã tận dụng rất hiệu quả lợi thế trên giúp cho kết quả kinh doanh nói chung, thu dịch vụ nói riêng đạt kết quả rất khả quan. Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của ngân hàng đạt hơn 2.039 tỷ đồng, tăng 68% so với năm trước và cũng là mức cao nhất kể từ khi thành lập. Một số dịch vụ trọng tâm được ngân hàng triển khai như dịch vụ thẻ, chuyển tiền cá nhân trong nước, thanh toán quốc tế, dịch vụ bảo hiểm… Tổng thu thuần dịch vụ ngân hàng năm 2019 đạt gấp 2,6 lần năm trước. Trong đó, bảo hiểm tiếp tục là dịch vụ mang lại kết quả tốt nhất trong hoạt động dịch vụ của ngân hàng trước bối cảnh cạnh tranh quyết liệt của các NHTM trong năm 2019 với doanh thu phí đại lý bảo hiểm tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2018. Theo đánh giá của TS. Hiếu, thời gian tới, bancassurance là một trong những nhân tố tạo ra sự khác biệt trong cơ cấu nguồn thu giữa các nhà băng khi số người chưa có bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam còn khá lớn. Với lợi thế đặc biệt là mạng lưới rộng lớn, TS. Hiếu nhận định, LienVietPostBank sẽ khai thác hiệu quả mảng kinh doanh này và dự báo sẽ mang lại nguồn thu rất tốt cho ngân hàng.

Khẳng định vị thế ngân hàng bán lẻ hàng đầu

Việc là một trong những ngân hàng dẫn đầu về mảng dịch vụ nói riêng và cải thiện tỷ trọng thu ngoài lãi nói chung của LienVietPostBank cho thấy, cơ cấu nguồn thu của ngân hàng này ngày càng đa dạng và bền vững. Giảm phụ thuộc vào tín dụng không chỉ chứng tỏ sức khỏe tài chính của LienVietPostBank được cải thiện mà còn cho thấy mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu, ngân hàng của mọi người, có thể đáp ứng mọi nhu cầu tài chính đa dạng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đang dần thành hiện thực.

Bên cạnh tập trung tăng trưởng kinh doanh, LienVietPostBank đồng thời chú trọng công tác quản trị hoạt động an toàn, hiệu quả và luôn nghiêm túc chấp hành và đảm bảo tuân thủ các chỉ đạo, quy định chỉ tiêu an toàn hoạt động của NHNN. Năm 2019, LienVietPostBank là một trong 18 ngân hàng được NHNN chấp thuận áp dụng chuẩn Thông tư 41/2016/TT-NHNN về tỷ lệ an toàn vốn trước thời hạn. Đây là cột mốc rất quan trọng cho thấy LienVietPostBank đã đáp ứng được những nguyên tắc quản trị rủi ro cao hơn, tạo nền tảng cho sự phát triển ổn định, bền vững.

Nền tảng kinh doanh bền vững giúp cho ngân hàng tiếp tục tăng trưởng tốt ngay cả giai đoạn kinh tế khó khăn. Theo số liệu báo cáo tài chính quý I/2020 của LienVietPostBank, cho vay khách hàng đạt mức 144,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 2,84%. Riêng tiền gửi của khách hàng tăng 5,23%, lên hơn 144 nghìn tỷ đồng trong khi huy động vốn của nhiều ngân hàng bị sụt giảm. Đây là lợi thế rất lớn cho ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn hậu dịch Covid-19, hứa hẹn kết quả kinh doanh khả quan cho ngân hàng trong thời gian tới. Mảng dịch vụ kỳ này ghi nhận khoản lãi hơn 96 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần quý I/2019. Theo đó, kết thúc quý I/2020, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt gần 604 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ và cũng là một trong những điểm sáng trong bức tranh hoạt động ngân hàng trong những tháng đầu năm 2020.

Để có được kết quả tích cực trên, ông Phạm Doãn Sơn - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết, ngân hàng chú trọng thúc đẩy hoạt động dịch vụ và tăng nguồn thu từ các hoạt động khác để đa dạng hóa nguồn thu, gia tăng lợi nhuận và tăng tỷ trọng đóng góp trong tổng thu nhập. Đây là một trong những yếu tố khiến lợi nhuận của ngân hàng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh duy trì hiệu quả sử dụng vốn, thời gian qua, công tác kiểm soát rủi ro tín dụng được ngân hàng rất quan tâm. Song song với đó, nợ xấu tiếp tục được xử lý rất tích cực nên trong quý I/2020 ngân hàng được hoàn dự phòng, góp phần nâng cao lợi nhuận đạt được.

Bức tranh kinh doanh với những điểm sáng về tín dụng, huy động, thu dịch vụ... một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của chiến lược xây dựng nền tảng để phát triển bền vững mà ngân hàng đã theo đuổi trong nhiều năm qua.

Nhìn về tương lai, với nền tảng tài chính ngày càng vững chắc, LienVietPostBank xác định mục tiêu đến năm 2020 các chỉ tiêu kinh doanh tiếp tục tăng trưởng, phát triển theo định hướng bán lẻ, đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả, ổn định, bền vững và luôn tuân thủ các chỉ đạo, quy định của NHNN đề ra.

Chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của ngân hàng trong những năm gần đây, theo đánh giá của giới chuyên môn, đích đến mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam của LienVietPostBank không còn xa. Nhất là khi ngân hàng sở hữu nhiều yếu tố khác biệt vượt trội cùng với chiến lược kinh doanh đúng hướng thì đích đến đó lại càng trở nên gần hơn bao giờ hết.

PV

Tin đọc nhiều