Ngân hàng chuyển dịch ưu đãi sang kênh thanh toán trực tuyến

11:02 | 18/06/2021

Dù dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp nhưng ở bất cứ đâu, chỉ cần có internet, khách hàng có thể thực hiện những thao tác đơn giản với thanh toán trực tuyến, nhanh chóng, nhiều ưu đãi hơn so với giao dịch truyền thống . Đây là kết quả từ các hoạt động chuyển dịch ưu đãi sang kênh thanh toán trực tuyến của các ngân hàng.

ngan hang chuyen dich uu dai sang kenh thanh toan truc tuyen
Ngân hàng chuyển dịch ưu đãi sang kênh thanh toán trực tuyến

Thanh toán nhiều, ưu đãi lớn

Theo Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), 5 tháng đầu năm hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử Napas đã xử lý hơn 800 triệu giao dịch, tương ứng với hơn 8 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 113% về số lượng và 169% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt tại ATM giảm 10% so với năm 2020.

Các con số trên cho thấy người dân lựa chọn phương thức mua sắm và thanh toán trực tuyến đã tăng mạnh. Bởi đây chính là một giải pháp thanh toán an toàn nhằm đảm bảo giãn cách và an toàn trong dịch bệnh. Vì vậy, các ngân hàng đã nhanh chóng triển khai nhiều ưu đãi để khách hàng yên tâm phòng dịch và nhận được nhiều ưu đãi khi thanh toán.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, để khuyến khích người dân thanh toán không tiền mặt, các chương trình miễn giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến vẫn tiếp tục được NHNN và các ngân hàng triển khai. Việc miễn giảm phí chuyển tiền nhằm thực hiện tốt nhất nhu cầu thanh toán trực tuyến của khách hàng và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp an toàn, giảm bớt khó khăn trước tác động của đại dịch COVID-19.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) vừa triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi thanh toán trực tuyến. Theo đó, ngoài ưu đãi hoàn tiền 350.000 đồng trong những ngày đặc biệt, khi sử dụng ứng dụng ngân hàng số của HDBank để giao dịch, khách hàng còn được tích điểm để đổi các phần quà giá trị; thanh toán quét mã VnPay-QR "Trúng nhà, trúng xe"; nhận ưu đãi lên đến 700.000 đồng khi liên kết thẻ/tài khoản thanh toán của ngân hàng với ví Zalo Pay...

Hay tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), từ nay đến 20/6, khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử để chuyển tiền sẽ được hưởng mức phí đồng giá chỉ 1.000 đồng/giao dịch (chưa VAT) cho tất cả giao dịch chuyển tiền có thu phí. Ngoài ra, khách hàng còn được giảm ngay 50%, tối đa 100.000 đồng khi nạp tiền điện thoại mệnh giá từ 100.000 đồng trong khung thời gian từ 12h đến 14h.

Khách hàng của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng nhận được nhiều ưu đãi khi thanh toán trực tuyến. Khách hàng sẽ được giảm ngay 30.000 đồng cho đơn hàng từ 60.000 đồng với dịch vụ Grab Car, Grab Bike...; giảm 50.000 đồng cho mỗi hóa đơn từ 400.000 đồng khi mua thực phẩm online; giảm ngay 20% khi đăng ký các khóa học trực tuyến đào tạo kỹ năng cho bé... khi sử dụng thẻ VIB Online Plus 2in1 để thanh toán trực tuyến.

Đặc biệt trong ngày 16/6, NHNN phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức chương trình Ngày không tiền mặt 2021 với nhiều ưu đến từ các ngân hàng. Khi tham gia chương trình khách hàng nhận ngay nhiều ưu đãi như hoàn tiền 50% giá trị giao dịch khi nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn sinh hoạt hoặc thanh toán QR code; hoàn 50% khi thanh toán vé máy bay; tặng vé nội địa khứ hồi cho các khách hàng có tổng doanh số giao dịch thanh toán cao nhất theo quy định của chương trình...

Luôn quan tâm đến chất lượng dịch vụ

Bên cạnh xây dựng các chương trình ưu đãi, các ngân hàng còn tích cực đầu tư vào công nghệ mở rộng tiện ích, tăng an toàn bảo mật, nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng.

Ông Phạm Đức Duy, Giám đốc Trung tâm thẻ Ngân hàng Sacombank cho biết, ngân hàng đã đầu tư mạnh cho các giao dịch thanh toán không tiếp xúc trong nhiều năm trở lại đây và xu thế này thực sự bùng nổ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Trong đó, ngân hàng đẩy mạnh hình thức tap to phone (công nghệ chấp nhận thanh toán cho phép doanh nghiệp biến điện thoại di động sử dụng hệ điều hành Android thành thiết bị chấp nhận thanh toán thay thế cho máy POS truyền thống), rất phù hợp các đơn vị chấp nhận thanh toán là các cửa hàng tạp hóa, tiểu thương chợ truyền thống, đơn vị bảo hiểm, các shipper giao hàng...

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho hay, ngân hàng này đã tập trung phát triển các tính năng "phi tiếp xúc" như rút tiền mặt bằng mã QR, thanh toán bán bảo hiểm, vay thấu chi online... nhằm mang tới sự thuận tiện cũng như tạo sự an toàn, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch cho khách hàng. Nhờ vậy, ứng dụng ngân hàng số của ngân hàng có số khách hàng sử dụng dịch vụ này tăng 50% và lượng giao dịch tăng 120% so với năm 2019. Còn với khách hàng doanh nghiệp, số lượng giao dịch kênh ngân hàng điện tử dành cho doanh nghiệp (VietinBank eFAST) năm 2020 tăng gần 210% so với năm 2019.

Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, trong 3 - 4 năm gần đây TPBank đã chi khoảng 1.000 tỷ đồng cho những lĩnh vực liên quan đến công nghệ, ngân hàng số. Đầu tư lớn cho công nghệ, nhưng TPBank đang thu về những trái ngọt đầu tư từ quản trị, tiết kiệm nguồn lực, hạn chế tổn thất và sự hài lòng của khách hàng khi sử dụng dịch vụ.

Cùng chung quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ, việc đầu tư vào công nghệ luôn "ngốn" chi phí khủng của ngân hàng. Bởi, các ngân hàng Việt Nam phần lớn mua, sở hữu các phần mềm mà không thuê những trung tâm công nghệ ở nước ngoài vì lo ngại vấn đề rò rỉ thông tin, an ninh, an toàn tài chính của quốc gia. Bên cạnh đó, hệ thống công nghệ tại thời điểm này là hiện đại nhưng chỉ một thời gian sau là lỗi thời, buộc ngân hàng phải nâng cấp, cập nhật đồng bộ công nghệ mới. Tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ sẽ giúp các ngân hàng mang đến những trải nghiệm tốt cho khách hàng.

Dù tốn kém nhưng các ngân hàng vẫn mạnh tay đầu tư vào công để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách là hợp xu thế. Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu của thời đại nhằm đáp ứng yêu cầu mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây cũng được coi là giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm tính liên tục, thông suốt cho hoạt động giao dịch, thúc đẩy kinh doanh giữa các chủ thể trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

Hương Giang

Tin đọc nhiều