Thời của tài chính trực tuyến
“Ra đường không cần cầm ví” là câu nói cửa miệng của Nguyễn Văn An, nhân viên văn phòng quận 3 với đồng nghiệp. Quả thật, phong cách sống của chàng trai 25 tuổi này gần như tương ứng với câu nói trên. Hoạt động mua sắm, giải trí cho đến tài chính cá nhân của An đều thông qua các loại ứng dụng khác nhau.
Theo đó, cứ bình quân mỗi tháng An lại thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước và Internet các loại vào khoảng 1.000.000 đồng qua ứng dụng ngân hàng điện tử, 300.000 đồng để nạp tiền điện thoại qua ví điện tử và những khoản mua sắm không hạn định số lần trên các trang thương mại điện tử. Tất nhiên, các giao dịch của An đều là không tiền mặt.
Công nghệ số đã làm thay đổi thói quen và xu hướng tiêu dùng |
“Các mã khuyến mại lúc nào cũng ngập tràn, từ ứng dụng gọi xe cho đến ví điện tử. Ứng dụng ngân hàng cũng không kém, thanh toán tiện lợi, chuyển tiền dễ dàng. Chưa khi nào người dùng có nhiều lựa chọn hấp dẫn đến thế”, An chìa điện thoại đang ngập tràn ứng dụng trên màn hình và nói.
Nếu như những khuyến mại giúp người dùng lần đầu sử dụng thì sự tiện lợi thực tế đã giúp họ xây dựng và duy trì thói quen ở những ứng dụng thân thuộc, nhưng điều này cũng không dừng lại. Cùng với sự phát triển của công nghệ, những xu hướng mới và thói quen mới liên tiếp hình thành nhờ sự thay đổi tích cực của trải nghiệm cá nhân.
Trở lại với câu chuyện của An. Sau mùa hè vừa qua, An có người em ruột là Kim Ngân lên ở trọ cùng và nhập học vào đại học kinh tế TP.HCM. Điều đầu tiên An làm, đó là hướng dẫn Ngân mở tài khoản để nhận tiền tiêu dùng hàng tháng.
Theo đó, ngân chỉ mất chưa đến 5 phút để mở tài khoản của Ngân hàng TMCP Bản Việt, nơi An đang có tài khoản. Ngay sau đó, An lập tức chuyển tiền cho Ngân từ tài khoản của mình và bắt đầu hướng dẫn em mình liên kết với các ví điện tử để rộng đường chi tiêu hơn.
“Dịch vụ ngân hàng bây giờ quá tiện lợi và lại còn rất nhanh, khác hẳn so với trước kia”, An chia sẻ. Nếu là trước kia, Ngân sẽ phải ra chi nhánh lấy số xếp hàng, còn ngày nay chỉ cần tải thông tin giấy tờ tùy thân và khuôn mặt lên ứng dụng, các thuật toán liên quan đến trí tuệ nhân tạo sẽ thực hiện toàn bộ công đoạn còn lại.
Những người dùng như An, và bây giờ đã “kéo” thêm em của mình, đại diện cho tầng lớp tiêu dùng trẻ tuổi định hướng tiêu dùng dựa trên công nghệ.
Trải nghiệm khách hàng là trung tâm
Khi ngân hàng số Timo Plus công bố chuyển đổi đối tác vào hồi tháng 9, Nguyễn Văn Khang (ngụ quận Gò Vấp) không ngần ngại trở thành một trong những người đầu tiên chuyển đổi sang nền tảng của Ngân hàng Bản Việt.
“Tôi thích dùng Timo Plus vì giao diện đơn giản, giao dịch nhanh chóng, không tính phí chuyển tiền mà lại còn rút tiền tại ATM miễn phí từ lâu rồi”, Khang cho biết. Là lao động chính trong nhà, Khang thường xuyên phải rút tiền, việc miễn phí một số loại giao dịch đã thực sự giúp ích và góp phần giữ chân khách hàng.
Khách hàng ngày nay cũng không thực sự đặt nặng câu chuyện về độ lớn của thương hiệu. Khi được hỏi liệu có e ngại khi Ngân hàng Bản Việt là một ngân hàng có quy mô nhỏ, Khang trả lời: “Đó không phải là vấn đề. Quan trọng là trải nghiệm dịch vụ mà khách hàng là người cảm nhận trực tiếp và đầu tiên”.
Lợi ích từ chuyển đổi số không chỉ là “đặc quyền” dành cho người trẻ tuổi, rành công nghệ. Câu chuyện trải nghiệm thú vị của bà Thùy Dung (55 tuổi), ngụ quận Gò Vấp, khi giao dịch tại một chi nhánh của Bản Việt ở quận 3 là một ví dụ. Lần đầu mở tài khoản, bà tỏ vẻ ngạc nhiên khi không cần phải điền thêm thông tin giấy tờ gì phức tạp, mà được nhân viên ngân hàng tận tình hỗ trợ định danh điện tử tại chỗ để mở tài khoản nhanh chóng. “Không ngờ bây giờ giao dịch ở ngân hàng lại nhanh chóng như thế này”, bà Dung nói.
Những trải nghiệm “ngoại tuyến” về eKYC như của Ngân hàng Bản Việt kể trên đã bổ sung cho hình thức định danh trực tuyến, giúp giảm thời gian chờ đợi của khách hàng. Bên cạnh đó, việc hợp tác chiến lược với Timo Plus cũng được xem là một phương án mở rộng kênh tiếp cận và giúp tăng trải nghiệm, nhận được phản hồi tốt từ người dùng.
Ngọc Bảo