Ngân hàng cùng sàn thương mại điện tử "hợp sức" vì khách hàng

16:04 | 09/12/2021

Nắm bắt xu hướng mua sắm trực tuyến, hàng loạt ngân hàng đã bắt tay với các sàn thương mại điện tử để kích cầu mua sắm thông qua các chương trình khuyến mại và ưu đãi dành cho khách hàng.

ngan hang cung san thuong mai dien tu hop suc vi khach hang
Hàng loạt ngân hàng đã bắt tay với các sàn thương mại điện tử để kích cầu mua sắm cuối năm

Gia tăng tiện lợi và ưu đãi

Để việc mua sắm trên các sàn thương mại điện tử được diễn ra thuận lợi và dễ dàng trong mùa dịch, các ngân hàng đã liên kết với sàn thương mại điện tử để khách hàng nhận được nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Mới đây, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) ra mắt tính năng “Thanh toán bằng điểm” cho phép chủ thẻ VIB Travel Élite dễ dàng dùng dặm thưởng tích lũy để thanh toán cho mọi khoản mua sắm tại máy POS hay mua trực tuyến. Theo đó, khách hàng sẽ được giảm 2 triệu đồng khi mua iPhone 13 tại các sàn thương mại điện tử TIKI, Lazada.

Ngoài ra, khách hàng còn được giảm 50.000 - 500.000 đồng từ thứ Hai đến thứ Sáu khi mua sắm trên các sàn thương mại điện tử TIKI, Lazada, Sendo…

Không chỉ vậy, các ngân hàng còn hỗ trợ khách hàng trả góp 0% qua thẻ tín dụng trên các sàn thương mại điện tử. Hiện, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đang áp dụng chương trình trả góp hoàn toàn miễn phí với 0% lãi, 0% phí chuyển đổi, trả dần mỗi tháng theo kỳ hạn trả góp linh hoạt từ 3-12 tháng, cho phép thanh toán 5% trên số tiền trả góp định kỳ, xét duyệt nhanh chóng, không qua các khâu thẩm định phức tạp cho khách hàng khi mua sắm trên các sàn thương mại điện tử Tiki, Shopee, Sendo...

Trong khi đó, nhiều nhà băng còn tích hợp sẵn mảng thương mại điện tử trên ứng dụng của mình. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank)... đã tích hợp VnShop - một tiện ích mua sắm trực tuyến trên ứng dụng ngân hàng. Nhờ đó, khách hàng có thể thỏa sức mua sắm và thanh toán, được bảo đảm an toàn thông tin mà không cần tải thêm bất kỳ ứng dụng nào khác.

Ngoài ra, ngân hàng còn "bắt tay" cùng một số sàn thương mại điện tử để cung cấp ra thị trường sản phẩm thẻ tín dụng đồng thương hiệu như: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã hợp tác với Visa và Shopee ra mắt thẻ tín dụng Super Shopee mang tới voucher mua sắm và cơ hội hoàn tiền lên đến 10%; Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) liên kết với Tiki ra mắt thẻ tín dụng Sacombank Tiki Platinum, khách hàng sẽ được hoàn tiền 15% trong vòng 180 ngày kể từ ngày kích hoạt thẻ, hoàn tiền 10% cho các giao dịch thanh toán tại website/ứng dụng Tiki và Ticketbox từ ngày thứ 181 trở đi đến khi thẻ được thanh lý...

Hợp tác cùng phát triển

Theo báo cáo thị trường quý III/2021 của iPrice Group, Việt Nam đã và đang trở thành một trong những ”ngôi sao" trong thị trường thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á khi số người dùng Việt Nam truy cập vào các sàn thương mại điện tử cao gấp đôi Thái Lan và gấp 3 lần Malaysia.

Trước đó, báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2020-2025 là 29% và quy mô thị trường sẽ đạt 52 tỷ USD trong năm 2025.

Không chỉ mua sắm trực tuyến tăng trưởng, những giao dịch không tiền mặt cũng ghi nhận sự bứt phá khi đang trở thành phương thức thanh toán tiện lợi, an toàn trong mùa dịch. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 9 tháng đầu năm, hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,6% về số lượng và 133,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Thanh toán qua kênh điện thoại di động (Mobile banking) tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị. Đặc biệt, thanh toán qua kênh QR code tăng 64,1% về số lượng và 127,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Chia sẻ với báo giới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, trên thực tế đã hình thành hệ sinh thái thanh toán số, trong đó kết nối tích hợp chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống ngân hàng với các đơn vị cung ứng sản phẩm dịch vụ, hàng hóa. Việc kết hợp giữa ngân hàng và sàn thương mại điện tử không chỉ tạo thuận lợi cho người tiêu dùng mua hàng mà họ còn biết được các dịch vụ của ngân hàng và quay lại sử dụng các dịch vụ này. Nhờ vậy, trong đợt bùng phát dịch vừa rồi, người dân mới có thể nhận hàng hóa từ ngoài ngõ, khu cách ly còn người bán hàng nhận được tiền bằng các phương thức thanh toán không tiền mặt.

Theo các chuyên gia, việc kết hợp giữa ngân hàng và sàn thương mại điện tử mang đến lợi ích cho cả các bên và dần trở thành xu hướng. Việc hợp tác này vừa mang lại tiện ích cho người dân, ngân hàng và sàn thương mại điện tử vừa tạo đà tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ tài chính - ngân hàng cho người dân.

Bên cạnh đó, xu hướng này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong chỉ đạo phát triển thương mại trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên diện rộng. Theo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thương mại điện tử đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80% vào năm 2025.

Để hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ, bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều các giải pháp, hạ tầng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, xây dựng nền tảng hỗ trợ giao dịch trực tuyến tích hợp thanh toán KeyPay; nghiên cứu triển khai hệ thống thanh toán đảm bảo trong thương mại điện tử hướng đến mục đích bảo vệ cả người tiêu dùng và người bán hàng khi thanh toán không dùng tiền mặt trong một giao dịch thương mại điện tử; hợp tác với các địa phương, các đơn vị vận hành như Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada... và các đối tác tài chính như VPBank, Visa, các ví điện tử... đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản.

Hương Giang

Tin đọc nhiều