Đáng chú ý, theo thống kê của NHNN, tính tới tháng 5/2023, Việt Nam đã có khoảng 74,63% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Con số này đã tới rất gần mục tiêu 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đến năm 2025 được đặt ra tại Quyết định 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 về Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giao dịch TTKDTM cũng đã có bước phát triển ấn tượng khi tăng 49% về số lượng, giao dịch qua internet tăng 60,3%, qua kênh điện thoại di động tăng 60,8%, qua QR Code tăng 105% và qua POS tăng 21,39%.
Khuyến khích khách hàng đăng ký tài khoản bằng hình thức e-KYC |
Có được kết quả trên, thời gian qua các nhà băng đã tích cực triển khai mở tài khoản từ xa thông qua phương thức e-KYC công nghệ định danh điện tử cho khách hàng. Mở tài khoản qua e-KYC giúp các ngân hàng rút gọn quá trình đăng ký mở tài khoản mới thông qua hình thức trực tuyến 100%. Các bước ghi nhận thông tin, nhận diện gương mặt, vân tay… đều được thực hiện trên điện thoại có cài đặt ứng dụng mobile banking của ngân hàng mà không cần ra quầy giao dịch, góp phần tăng chất lượng trải nghiệm của khách hàng. Ngoài ra, công nghệ xác thực đa dạng như gương mặt, vân tay… hỗ trợ tăng cường tính bảo mật, nâng cao an toàn cho cả phía ngân hàng và khách hàng. Người dân hoàn toàn có thể ngồi tại nhà và mở tài khoản thanh toán với thời gian chưa tới 2 phút.
Để khuyến khích khách hàng đăng ký tài khoản bằng hình thức e-KYC, nhiều ngân hàng đã liên tục cho ra mắt các chương trình khuyến mại, mang lại nhiều lợi ích hấp dẫn cho khách hàng. Đơn cử như tại Bac A Bank đang có chương trình ưu đãi dành cho khách hàng tham gia giới thiệu nhiều khách hàng mở mới tài khoản bằng hình thức định danh e-KYC sẽ có cơ hội nhận quà tặng tiền mặt lên tới 2 triệu đồng. Nam A Bank cũng đang triển khai chương trình tặng tiền trực tiếp cho khách hàng khi mở tài khoản thanh toán trực tuyến e-KYC qua ứng dụng Open Banking của ngân hàng.
Thống kê cho thấy, tính đến tháng 6/2023, khoảng 40 ngân hàng đã mở 11 triệu tài khoản thanh toán cho khách hàng thông qua phương thức định danh điện tử; khoảng 20 ngân hàng mở tài khoản thanh toán thẻ thông qua e-KYC với 10,8 triệu thẻ.
Các chuyên gia đánh giá, việc NHNN nhanh chóng ban hành Thông tư 16/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trong đó cho phép mở tài khoản từ xa theo phương thức e-KYC là một bước ngoặt lớn, tạo điều kiện cho các TCTD có thể đẩy mạnh việc số hoá trong các quy trình, thủ tục mở tài khoản, từ đó thúc đẩy TTKDTM phát triển.
Theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank, Thông tư 16/2020/TT-NHNN ra đời đã giúp hàng chục triệu người dân đã có thể mở tài khoản qua hình thức
e-KYC. Bên cạnh đó, việc kết nối khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư, và căn cước công dân gắn chip đã và đang là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy mở tài khoản từ xa. Như phương thức truyền thống trước đây nếu dựa trên hình ảnh chụp ở chứng minh thư và giấy tờ tuỳ thân cũ, có thể xảy ra tình trạng giấy tờ bị cũ, nhàu nát, dẫn đến máy đọc dữ liệu không hoàn toàn chính xác. Chưa kể, khuôn mặt của khách hàng trên giấy tờ tùy thân có thể trải qua chục năm và không được cập nhật, dẫn đến tỷ lệ thành công không cao. Ngoài ra, để đảm bảo phòng ngừa rủi ro, ngân hàng luôn phải bố trí một đội ngũ nhân sự kiểm tra lại thông tin nhằm phát hiện vấn đề gian lận giấy tờ, việc này tốn khá nhiều nguồn lực trong việc hỗ trợ mở tài khoản…
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, thời gian qua có tình trạng một người sở hữu nhiều tài khoản ngân hàng trong khi chỉ sử dụng giao dịch 1-2 tài khoản. Từ đó dẫn đến phát sinh cho mượn, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng. Trước thực trạng trên, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, ngành Ngân hàng đang tích cực triển khai kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch 25 triệu thông tin khách hàng tín dụng (tài khoản “rác” như tài khoản không giao dịch, mượn giấy căn cước công dân để làm thẻ) và hiện tiếp tục rà soát làm sạch thêm 26 triệu hồ sơ khách hàng còn lại trong thời gian tới. Hiện một số ngân hàng cũng bắt đầu thu phí những tài khoản mở nhưng không sử dụng. Đơn cử như VietinBank thông báo chính thức điều chỉnh thu phí duy trì tài khoản không hoạt động, được chuyển sang trạng thái “ngủ” và tạm dừng giao dịch do không phát sinh giao dịch tài chính trong thời gian từ 1 năm trở lên với mức phí duy trì là 11.000 đồng/tài khoản. Agribank cũng thông tin ngân hàng này đã làm việc với Bộ Công an để làm sạch tài khoản và loại bỏ những tài khoản giả mạo. Theo các chuyên gia, những hành động mạnh mẽ này sẽ giúp phần nào hạn chế tài khoản “ảo”, tài khoản “rác” trong hệ thống thanh toán.
Hạ Chi