'Ngân hàng - doanh nghiệp luôn gắn kết và đồng hành để thúc đẩy phát triển'

16:26 | 09/12/2019

Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc, gửi tới các ngân hàng thương mại và cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tĩnh Vĩnh Phúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh phúc tổ chức mới đây.

Trên thực tế, ngoài yếu tố hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả như: Đồng hành, tư vấn cho doanh nghiệp trong quản trị, điều hành, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất - kinh doanh; Cung cấp các sản phẩm dịch vụ tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, kết nối khách hàng tiềm năng…

Thống kê cho thấy, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ giải ngân mới trong chương trình kết nối gần 700 doanh nghiệp, đạt dư nợ gần 6.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp đến tháng 9/2019 đạt 36.888 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 50% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn với trên 2.910 doanh nghiệp vay vốn.

Đặc biệt, mức lãi suất cho vay VND trong chương trình kết nối được áp dụng thấp hơn mức lãi suất chung từ 1,5 - 2%/năm đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn, duy trì, phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm bớt khó khăn về vốn và chi phí lãi vay, từ đó giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, công khai các thủ tục giao dịch với khách hàng, cắt giảm các khoản phí, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2019, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giải ngân cho vay đối với 2.908 doanh nghiệp, đạt dư nợ 36.244 tỷ đồng chiếm 48,67%, trong đó cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt dư nợ 140 tỷ đồng, cho vay công nghiệp phụ trợ 237 tỷ đồng.

Hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn đã hỗ trợ giảm lãi suất, giảm phí... cho 45 doanh nghiệp đạt dư nợ 232 tỷ đồng. Cùng với đó, các doanh nghiệp khi tham gia mua bảo hiểm đối với đối tượng sản xuất nông nghiệp hình thành từ nguồn vốn vay, sẽ được tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng. Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm phổ biến ở mức 6-6,5%.

Ngành Ngân hàng trên địa bàn cũng đã triển khai rất nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân, như: bố trí nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống chính đáng của người dân; xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả nợ đúng hạn, qua đó giúp người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thuận lợi, hạn chế người dân tìm đến tín dụng đen.

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cung cấp sản phẩm, dịch vụ, tăng tính ưu việt của các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích ngân hàng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong quá trình sản xuất gặp khó khăn được cơ cấu lại thời gian trả nợ cho vay mới, cho vay ưu đãi, miễn, giảm lãi tiền vay... Đặc biệt, để khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp và người dân được các tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 70% giá trị của dự án, phương án.

ngan hang doanh nghiep luon gan ket va dong hanh de thuc day phat trien
Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đã khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp phát triển

Tuy nhiên, việc tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khoảng cách nhất định. Theo ông Đường Trọng Khang, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, hiện có 2.625 doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn ngân hàng, chiếm 37% tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Khang lý giải, lý do nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được nguốn vốn ngân hàng là thiếu tài sản đảm bảo, thiếu dự án kinh doanh khả thi, không chứng minh được hiệu quả sản xuất kinh doanh, phương án kinh doanh để vay vốn không rõ ràng, thiếu sức thuyết phục, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế; công tác hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp; thông tin tài chính thiếu minh bạch.

Ngoài ra, hiệu quả đầu tư tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa cao do phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ; trình độ quản lý hạn chế, công nghệ áp dung vào sản xuất kinh doanh còn lạc hậu, tính đổi mới sáng tạo còn kém… Điều đó khiến các tổ chức tín dụng không có niềm tin vào khối doanh nghiệp này bởi rủi ro tương đối cao.

Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thường mang tính tự phát, thiếu kế hoạch, chiến lược cụ thể, sức chịu đựng rủi ro thấp, khả năng chống đỡ trước các biến động kinh tế vĩ mô hạn chế, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn ngân hàng và khả năng trả nợ vốn vay các tổ chức tín dụng.

Khẳng định mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là cộng sinh, hai bên phải cùng tìm đến với nhau mới có thể tìm ra những giải pháp tiếp tục đưa dòng vốn ngân hàng đến với doanh nghiệp hiệu quả, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh, gắn tăng trưởng hoạt động ngân hàng với mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các tổ chức tín dụng cùng với xây dựng kế hoạch tăng trưởng phù hợp quy mô và khả năng huy động vốn để ổn định mặt bằng lãi suất cần đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp thông qua rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.

Đồng thời, mở rộng và đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, các sản phẩm phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá nhằm giúp doanh nghiệp chủ động về vốn; cắt giảm thủ tục, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong quá trình cạnh tranh, hội nhập. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cần phải chủ động lập kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh, tận dụng tốt cơ hội được vay vốn ưu đãi, đưa doanh nghiệp phát triển ổn định, tạo niềm tin để ngân hàng luôn đồng hành với mình trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Ông Thành cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh có giải pháp xử lý dứt điểm nợ xấu, không để nợ xấu làm ảnh hưởng đến việc thu hồi vốn và tiếp tục đầu tư cho vay các khách hàng mới của ngân hàng...

Thanh Thủy

Tin đọc nhiều