Ngân hàng đồng hành cùng người cao tuổi

15:07 | 14/12/2021

Theo một số nghiên cứu gần đây tại Việt Nam, đa số người lớn tuổi đều muốn tự chủ hơn về cuộc sống, đặc biệt là khía cạnh tài chính. Vì vậy, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp để người cao tuổi được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng dễ dàng với không ít ưu đãi.

ngan hang dong hanh cung nguoi cao tuoi
Các giải pháp tài chính số dễ sử dụng được ngân hàng xây dựng để đồng hành cùng người cao tuổi

Thêm ưu đãi dành riêng người cao tuổi

Theo số liệu thống kê, năm 2011-2012 Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân khi số người cao tuổi Việt Nam (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7,7% dân số, tức có 7,4 triệu người cao tuổi. Ước tính của Tổng cục thống kê cho biết, đến năm 2038, nhóm đó dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số, nghĩa là trong 5 người sẽ có 1 người cao tuổi.

Theo các chuyên gia, sự nhận thức tốt hơn về các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số và các giải pháp tài chính của người cao tuổi đã tốt hơn, sự sẵn sàng sử dụng các dịch vụ này cũng lớn hơn so với người cùng độ tuổi ở thời kỳ trước.

Để phục tốt hơn nhu cầu của khách hàng cao tuổi, không ít nhà băng đang áp dụng các giải pháp công nghệ cùng các chương trình ưu đãi đối tượng khách hàng này. Theo khảo sát, đa số người cao tuổi đều có nhu cầu gửi tiết tiệm để yên tâm an dưỡng tuổi già nên nhiều ngân hàng đã đưa ra chính sách cộng thêm lãi suất tiết kiệm. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) đã và đang đều đặn triển khai chương trình ưu đãi gửi tiết kiệm dành riêng cho khách hàng cao tuổi “Bách niên - Phát tài" với chính sách tuổi càng cao, lãi suất càng lớn. Năm nay, lãi suất cộng thêm tối đa cho khách hàng cao tuổi lên đến 1%/năm.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng cộng lãi suất suất tiết kiệm 0,1%/năm cho khách hàng trên 40 tuổi gửi tiết kiệm từ 10.000.000 VND hoặc 1.000 USD kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Bên cạnh đó, ngân hàng còn dành ưu đãi giảm lãi suất vay cầm cố thẻ tiết kiệm khi gửi từ ½ kỳ hạn trở lên cho khách hàng.

Đối với người cao tuổi có nhu cầu tín dụng để phục vụ sản xuất, kinh doanh, ngân hàng cũng có giải pháp để đáp ứng nhu cầu. Hiện Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đang tiếp tục triển khai chương trình tín dụng hưu trí với mức vay lên đến 500 triệu đồng, thời hạn cho vay lên đến 5 năm và thủ tục vay vốn đơn giản, dễ dàng, nhanh gọn. Khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng không cần phải đi lại nhiều lần do việc cung cấp sản phẩm được ngân hàng phối hợp với bưu điện tư vấn cung cấp tại các phòng giao dịch bưu điện và tại các điểm chi trả lương hưu trên địa bàn cả nước.

Bên cạnh đó, ngân hàng này đã gia tăng lợi ích cho khách hàng cao tuổi sử dụng dịch vụ trên bằng cách mở tặng khách hàng vay hưu trí một thẻ hưu trí để nhận lương hưu qua tài khoản, với ưu đãi hấp dẫn như miễn các loại phí phát hành, phí rút tiền, quản lý tài khoản; miễn số dư duy trì trong tài khoản, cũng như phí đăng ký và phí thường niên các dịch vụ SMS Banking, Internet Banking...

Dịch vụ ngân hàng số dễ sử dụng với người cao tuổi

Dù nhiều ưu đãi nhưng không ít người cao tuổi ngần ngại sử dụng dịch vụ ngân hàng số vì không am hiểu công nghệ. Chia sẻ với phóng viên, bà Thanh Hảo (76 tuổi, TP. Hà Nội) cho biết, bà đã nghỉ hưu hơn 20 năm, mỗi tháng đều đặn nhận được khoản lương hưu của mình. Trước kia, mỗi tháng để nhận được lương, bà đều phải bắt xe ôm hoặc nhờ con cháu đưa đi. Ngày nắng thì không sao, còn vào những ngày mưa rét bệnh xương khớp của bà lại tái phát nên không thể đi nhận lương được. Hơn nữa, mỗi lần muốn chuyển tiền cho người thân, bà phải tự đi ra ngân hàng và phải nộp thêm 1 khoản phí.

Để hỗ trợ người cao tuổi nhận lương hưu thuận tiện, nhanh chóng, các ngân hàng đã kết hợp cùng cơ quan bảo hiểm xã hội triển khai dịch vụ chi trả lương hưu qua tài khoản ngân hàng. Cùng với đó các dịch vụ ngân hàng số đơn giản, dễ sử dụng cũng đang hỗ trợ giúp người cao tuổi thực hiện các giao dịch ngân hàng thuận tiện hơn.

Ông Huy Cận, một cán bộ hưu trí tại Ninh Bình chia sẻ, nhận lương qua tài khoản ngân hàng rất thuận tiện, mỗi lần đến kỳ lương, ngân hàng tự động chuyển vào tài khoản, cần sử dụng bao nhiêu rút bấy nhiêu và ở bất cứ chỗ nào, không bị bó buộc phải đến điểm phát lương chờ đợi mất nhiều thời gian như trước. Ngoài ra để tiền trong tài khoản còn như một hình thức tiết kiệm nên được hưởng lãi.

Không chỉ vậy, các ngân hàng còn hỗ trợ người cao tuổi chủ động hơn trong việc chi trả sinh hoạt phí từ tiền điện, tiền nước... bằng việc cài đặt tự động thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đang triển khai chương trình đăng ký dịch vụ khấu trừ hóa đơn tiền điện tự động và hoàn toàn miễn phí. Theo đó, khách hàng ủy quyền cho ngân hàng tự động trích nợ tài khoản để thanh toán tiền điện theo bảng kê của công ty điện cung cấp và đã thông báo cho khách hàng trước đó.

Hay như Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đang cung cấp tính năng tìm kiếm bằng giọng nói (Voise Search), qua đó khắc phục được khó khăn của người cao tuổi khi không biết phải làm thao gì trên ứng dụng ngân hàng số mỗi khi có nhu cầu. Ví dụ, khách hàng muốn chuyển tiền chỉ cần nói "chuyển tiền", ứng dụng sẽ hiện ra ngay tính năng chuyển tiền để thực hiện giao dịch.

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc toàn xã hội cùng chung tay giúp đỡ, chăm sóc người cao tuổi về vật chất và tinh thần, thì việc động viên, hỗ trợ người cao tuổi tiếp cận công nghệ từ những việc nhỏ nhất như trò chuyện, thanh toán, mua sắm... là vô cùng cần thiết. Điều này tạo cho cuộc sống người cao tuổi thêm thuận lợi, thoải mái giúp cho họ cải thiện sức khỏe bản thân và trí tuệ. Nhờ đó, giúp tinh thần của người cao tuổi thêm lạc quan, quên đi những phiền muộn trong cuộc sống để mà tiếp tục “sống vui, sống khỏe, sống yêu đời”.

Hương Giang

Tin đọc nhiều