Ảnh minh hoạ |
Gia tăng trải nghiệm cho khách
Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã ra mắt ngân hàng số VCB Digibank với nhiều tiện ích mới cho khách hàng như: Face ID (nhận diện khuôn mặt), Touch ID (cảm biến vân tay) và công nghệ mới là Push Authentication giúp khách hàng có thể kiểm soát từng lần đăng nhập trên trình duyệt web. Đặc biệt, VCB Digibank tích hợp sẵn phương thức xác thực giao dịch qua Smart OTP, thay thế việc gửi mã xác thực qua SMS truyền thống.
Hay tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), BIDV iBank là sản phẩm trọng tâm và là phương tiện nền tảng để tạo lập hệ sinh thái công nghệ.
Với BIDV iBank, doanh nghiệp có thể quản lý dòng tiền tập trung hiệu quả, dễ dàng quản lý các khoản doanh thu qua hệ thống tài khoản định danh; năng kết nối trực tiếp với hệ thống kế toán/ERP; thực hiện các giao dịch chuyển tiền trong nước và quốc tế; vấn tin, báo cáo thống kê tài khoản tiền gửi, tiền vay, bảo lãnh, các đơn vị chấp nhận thẻ...
Theo ông Trần Long, Phó tổng giám đốc BIDV, trong thời gian tới, qua BIDV iBank, ngân hàng sẽ cung cấp các giải pháp quản trị tài chính thông qua tích hợp với hệ thống ERP của doanh nghiệp với phương thức như Host-to-host/Firm Banking/Ngân hàng mở (Open API); tự động hóa các thao tác xử lý; tăng cường bảo mật trong giao dịch; xác thực số e-KYC; ứng dụng công nghệ Scraping, ứng dụng blockchain trong các giao dịch tài trợ thương mại...
Không chỉ các ngân hàng thuộc nhóm “Big4” đầu tư vào ngân hàng số mà các ngân hàng TMCP cũng đang tăng tốc chạy đua công nghệ đưa ra nhiều sản phẩm sáng tạo. Theo đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng thành công tính năng nhận diện khuôn mặt trên ngân hàng tự động LiveBank và cũng là ngân hàng đầu tiên hoàn thiện toàn bộ quy trình về công nghệ eKYC (định danh khách hàng điện tử) trên ứng dụng di động.
Để ứng dụng ngay tính năng onboarding tích hợp eKYC mới này, ngân hàng đã dám đầu tư, bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để mua giải pháp mới từ một đối tác châu Âu, dám chấp nhận bỏ đi giải pháp Mobile Banking cũ, vốn đã mất nhiều năm xây dựng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng đã trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên ứng dụng công nghệ robot vào giao dịch nhằm tăng trải nghiệm của người dùng. Ngân hàng này còn đầu tư VTM OPBA - máy giao dịch ngân hàng tương tác bằng hình ảnh, tích hợp ATM, mọi nhu cầu tài chính của khách hàng sẽ được đáp ứng mọi lúc mọi nơi: rút tiền, in, xem sổ phụ tài khoản, phát hành thẻ mà không cần tới ngân hàng.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã cho phép khoảng 10 ngân hàng TMCP được thí điểm áp dụng công nghệ định eKYC trong hoạt động.
Sức nóng của chuyển đổi số
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự nỗ lực gia tăng ứng dụng số hoá của các ngân hàng không chỉ nhằm hưởng ứng, đồng hành với chủ trương thúc đẩy chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và NHNN, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, mà còn là đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ số hoá của khách hàng trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hiệu quả này xuất phát từ những mục tiêu được đặt ra khi Thống đốc NHNN đưa ra yêu cầu các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn với các đối tượng, ngành kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp, tạo điều kiện tăng cường tiếp cận tín dụng cho khách hàng...
Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), hoạt động thanh toán, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán dịch vụ công trong quý III/2020 có sự tăng trưởng mạnh. Tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 82,2 triệu món, giá trị đạt 59,1 triệu tỷ đồng (tăng 13,61% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).
Các chuyên gia đánh giá, chính nhu cầu thanh toán trực tuyến để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan với những trải nghiệm dịch vụ vượt trội, tức thời, chi phí thấp của khách hàng trong thời gian qua là đòn bẩy hữu hiệu để thúc đẩy thanh toán điện tử trong xã hội, giúp các ngân hàng thêm động lực triển khai nhanh, mạnh hơn các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số.
Không phải ngẫu nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, hệ thống ngân hàng Việt Nam liên tiếp đón nhận hai sự kiện lớn là Vietcombank ra mắt dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank, BIDV phát động Chiến dịch chuyển đổi số và hàng loạt các ngân hàng phát triển thêm dịch vụ tiện ích trên ứng dụng,
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nhu cầu sử dụng các dịch vụ công nghệ số đang bùng nổ và ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc. Trong cuộc đua số hóa này, bên cạnh ra mắt các sản phẩm, dịch vụ số, ngân hàng nào xây dựng hệ sinh thái, mạng lưới số tốt sẽ có ưu thế cạnh tranh hơn các đối thủ.
Tuy nhiên, để các ngân hàng bắt kịp xu hướng chuyển đổi số hiệu quả, các chuyên gia cho rằng vẫn còn không ít trở ngại, đòi hỏi ngân hàng có chiến lược dài hạn và cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định đầu tư công nghệ để số hoá ngân hàng.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPbank cho biết, mỗi năm TPBank dành khoảng 25-30% ngân sách cho công nghệ. Nhưng thành quả có được không chỉ ở câu chuyện “đầu tư bao nhiêu tiền”, mà quan trọng là việc tiếp cận công nghệ nguồn đã được triển khai từ rất sớm và liên tục, cùng với chiến lược về nhân sự, tạo lập quy trình và cả kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, theo đại diện lãnh đạo Vietcombank, việc số hoá không chỉ dừng lại ở triển khai các dịch vụ ngân hàng trực tuyến hoặc di động, mà phải đảm bảo ứng dụng được các công nghệ hiện đại ở tất cả các cấp độ tác nghiệp và trên tất cả các nền tảng cung cấp sản phẩm, dịch vụ hay nói hình tượng là “số hoá là biến tất cả những gì có thể nhìn thấy thành không nhìn thấy…”.
Giang Giang