Ngân hàng hỗ trợ khách hàng quản lý, phát triển kinh doanh

10:51 | 03/01/2024

Xu hướng tích hợp tính năng quản lý tài chính cửa hàng vào các app ngân hàng đang ngày càng phổ biến. Nhiều app ngân hàng còn mở rộng sang cả các hoạt động hỗ trợ đầu tư, quản lý tài sản.

Cuối tháng 12/2023, MSB đã tích hợp vào ứng dụng ngân hàng số MSB mBank tính năng quản lý tài chính cửa hàng. Theo đó, tính năng này được thiết kế dành cho khách hàng là các chủ cửa hàng. Khi có biến động số dư, quản lý cửa hàng sẽ lập tức được thông tin, đồng thời có thể giới hạn giá trị giao dịch được chia sẻ; cho phép hoặc không cho phép thực hiện.

ngan hang ho tro khach hang quan ly phat trien kinh doanh

Trước đó, KienlongBank cũng đã giới thiệu giải pháp MyShop tích hợp trong ứng dụng KienlongBank Plus. Với giải pháp này, ngân hàng hỗ trợ các tiểu thương chợ truyền thống, các chủ tiệm tạp hóa, chủ quán cà phê, nhà hàng… kết nối cửa hàng của mình vào các phần mềm quản lý bán hàng. Khi sử dụng MyShop, chủ cửa hàng có thể quản lý, giám sát tài chính nhiều cửa hàng trên cùng một ứng dụng với một tài khoản duy nhất. Hoạt động thanh toán được tích hợp mã QR (động và tĩnh) đồng thời tự động đối soát, báo cáo và thống kê giao dịch.

Đại diện KienlongBank cho biết, hiện ứng dụng MyShop của ngân hàng này đã liên kết với hơn 50 NHTM trong hệ thống để các chủ cửa hàng có thể tích hợp số tài khoản. Chi phí để sử dụng MyShop là từ 0 đồng đến 199.000 đồng/tháng (tùy theo gói dịch vụ). Hiện đã có những đối tác như PasGo, Sunshine Mail, Eco Food, Oden Group, MapleBearSunshine… hợp tác triển khai ứng dụng này.

Nhận thấy tiềm năng mở rộng sản phẩm, dịch vụ phục vụ tệp khách hàng là các chủ cửa hàng, hộ kinh doanh, nhiều NHTM đã hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ để tích hợp các phần mềm bán hàng vào ứng dụng ngân hàng số để gia tăng độ phủ hỗ trợ thanh toán và triển khai những sản phẩm tín dụng nhỏ lẻ. Chẳng hạn, thời gian qua, Ngân hàng KBank Việt Nam đã hợp tác với KiotViet cung cấp giải pháp hỗ trợ vốn kinh doanh cho hàng triệu cửa hàng nhỏ lẻ. Theo đó, các khách hàng là chủ cửa hàng trên KiotViet sẽ được phía ngân hàng tiếp nhận, cho vay nhanh, trực tuyến từ 10-300 triệu đồng, trả góp thông qua ứng dụng KPlus Online với lãi suất tín chấp 19%/năm.

Các ngân hàng khác như OCB, HDBank cũng hợp tác với các doanh nghiệp sở hữu các trang quản lý bán hàng như Sapo và SoBanHang để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tương tự. Để thu hút khách hàng, HDBank áp dụng miễn nhiều loại phí thanh toán đối với khách hàng của SoBanHang; còn OCB cam kết sẽ triển khai các dịch vụ tài chính toàn diện cho chủ shop Sapo, bao gồm cả các khoản vay tín chấp ngắn hạn phục vụ vốn lưu động.

Theo đại diện một số NHTM, xu hướng tích hợp các tính năng quản lý tài chính, quản lý điểm bán hàng trên app di động của các ngân hàng là xu hướng đang phát triển nhanh và sẽ còn tiếp tục có sự lan tỏa trong các năm tới. Trên thị trường hiện nay, hầu như các ngân hàng có thế mạnh về cho vay bán lẻ, cho vay phục vụ DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh đều đã ra mắt hoặc đầu tư xây dựng các phần mềm hỗ trợ quản lý tài chính doanh nghiệp.

Đơn cử, các ngân hàng như Techcombank đã vận hành ứng dụng Techcombank Business, cam kết hoàn tiền đến 5 triệu đồng khi doanh nghiệp đăng ký sử dụng và phát sinh doanh thu thanh toán qua mã QR. Sacombank đã triển khai khá thành công giải pháp Tap To Phone cho phép khách hàng của các doanh nghiệp dùng mã đối soát để thanh toán. Trong khi đó, VIB đã tích hợp ứng dụng MyVIB giúp khách hàng quản lý chi tiêu dễ dàng nhờ các tính năng thống kê, cảnh báo giao dịch và hỗ trợ quản lý cửa hàng kinh doanh online.

Thời gian tới, hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp khách hàng chuyển đổi số sẽ tiếp tục được hệ thống NHTM thúc đẩy. Một mặt các ngân hàng sẽ tích cực tích hợp các ứng dụng hỗ trợ quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý cửa hàng và khuyến khích khách hàng sử dụng trên app ngân hàng số của mình.

Mặt khác, để tăng tính cạnh tranh và đơn giản hóa hoạt động quản lý tài chính doanh nghiệp, tài chính cá nhân, các ngân hàng sẽ đầu tư tích hợp cả các tính năng hỗ trợ đầu tư, “may đo” những sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với từng tệp khách hàng. Chẳng hạn, trên thị trường hiện nay MB đã ra mắt ứng dụng Wealth Management trên app MBBank tích hợp thêm nền tảng Digi Trading vào tính năng đầu tư tài chính; VPBank thời gian qua cũng đã xây dựng các phần mềm ứng dụng quản lý tài sản dành riêng cho 4 nhóm khách hàng VIP là: doanh nhân, quản lý cao cấp, nhà đầu tư và người hưu trí…

Các chuyên gia nhận định rằng, các chiến lược mở rộng ứng dụng ngân hàng số như kể trên sẽ ngày càng thu hút nhiều NHTM tham gia. Đây cũng là kênh để các ngân hàng giữ chân và thu hút thêm các tệp khách hàng mới trong bối cảnh môi trường kinh doanh số, thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh và nhu cầu xử lý tất cả mọi vấn đề trên cùng một ứng dụng ngày càng được nhiều người dân, doanh nghiệp ưa chuộng.

Đỗ Cường

Tin đọc nhiều