Khác với cuộc chạy đua mở thêm các chi nhánh, phòng giao dịch truyền thống ở giai đoạn trước, trong khoảng 3-4 năm trở lại đây cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ mạnh mẽ đã khiến các TCTD tại Việt Nam bước vào một cuộc cạnh tranh mới – cạnh tranh mở rộng địa bàn trên không gian internet và các ứng dụng di động.
LiveBank là ngân hàng trên môi trường số của TPBank |
Ở nhà vay vốn, gửi tiền ngày càng phổ biến
Tiên phong cho xu hướng ngân hàng không có điểm giao dịch có thể kể đến mô hình LiveBank của TPBank đã triển khai từ năm 2017 đến nay. Theo đó, để triển khai mô hình này TPBank đã đầu tư hệ thống các điểm giao dịch ATM đa năng phục vụ 24/7 như một chi nhánh ngân hàng tự động. Mô hình này áp dụng hệ thống định danh điện tử (eKYC) và dùng công nghệ sinh trắc học để nhận diện khách hàng bằng khuôn mặt và vân tay mà không cần yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân hay thẻ ngân hàng.
Các máy LiveBank khách hàng của TPBank có thực hiện các giao dịch: chuyển khoản, mở tài khoản thanh toán, đăng ký khoản vay, mở thẻ tín dụng, gửi và tất toán sổ tiết kiệm… ngay tại cây ATM. Ngoài ra, nếu khách hàng bị mất thẻ ATM chỉ cần đăng ký phát hành lại thẻ trên ứng dụng TPBank Mobile để nhận được mã QR, sau đó tới bất kỳ điểm giao dịch LiveBank nào trên toàn quốc quét mã để nhận lại thẻ và sử dụng.
Thống kê của TPBank cho thấy, từ khi ra mắt với 50 điểm giao dịch LiveBank ban đầu đến cuối năm 2020 số điểm LiveBank đã đạt mức hơn 330 điểm tổng số lượng tài khoản và thẻ mở mới của LiveBank năm 2020 là 215.000, tăng gấp 4 lần so với năm 2019. Số dư tiền gửi không kỳ hạn tăng gấp 5 lần, trong khi số giao dịch năm 2020 tăng 130% với 7 triệu giao dịch, trị giá 33.000 tỷ đồng. Những kết quả trên cho thấy thành công của mô hình ngân hàng số 24/7 của TPBank là rất ấn tượng.
Nối tiếp mô hình LiveBank của TPBank, trong các năm 2018-2020 vừa qua hàng loạt NHTM cũng đã ra mắt các mô hình ngân hàng giao dịch tự động. Theo đó, VPBank đã ra mắt ngân hàng số tích hợp YOLO cho phép khách hàng thanh toán trên phạm vi toàn cầu với thẻ ảo YOLO MasterCard, đồng thời có thể gửi tiết kiệm với sản phẩm YOLO Super tích hợp ngay trên ứng dụng. Thời gian qua, YOLO-VPBank cũng đã phối hợp với VinaPhone để triển khai giải pháp tích điểm đa năng Vpoint ở gần 3.000 cửa hàng liên kết, đồng thời hợp tác với Foodizzi, Gotadi, MyTour và 15 hãng taxi để tạo ra hệ sinh thái số, giúp khách hàng đặt phòng khách sạn, thanh toán các dịch vụ di chuyển, ăn uống, mua sắm du lịch bằng thẻ ảo YOLO MasterCard.
Các ngân hàng khác như OCB, Techcombank trong hai năm vừa qua cũng lần lượt đưa vào áp dụng hệ thống ngân hàng mở Open API và hệ thống giao dịch ngân hàng tự động với 90 máy ATM thế hệ mới (ATM-CR). Theo thông tin từ OCB, hiện ngân hàng này đã triển khai được hơn 30 Open API trên cả nước để kết nối với các đối tác là tổ chức kinh doanh và các fintech nhằm tạo ra hệ sinh thái thanh toán trực tuyến và quản lý tài khoản hoặc ra các quyết định về bán hàng, khuyến mại ngay trên cùng một nền hợp nhất.
Trong khi đó, phía Techcombank cho biết, hệ thống ATM-CR lắp đặt tại Hà Nội và TP.HCM của ngân hàng này đã có thể hoạt động như một giao dịch viên ngân hàng tự động, giúp khách hàng nộp tiền vào tài khoản thanh toán; nộp tiền thanh toán cho thẻ tín dụng; nộp tiền mở sổ tiết kiệm và thanh toán các loại hóa đơn một cách nhanh chóng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Hiện tại mỗi máy ATM-CR của Techcombank phục vụ khoảng 8.000 giao dịch/tháng. Điều này cho thấy hệ thống ngân hàng tự động đã bắt đầu có sức hút rất lớn đối với người dùng, giảm dần áp lực công việc tại các chi nhánh, phòng giao dịch.
Nam A Bank sử dụng robot để giao dịch với khách hàng |
Manh nha nền tảng ngân hàng số độc lập
Theo quan sát của Thời báo Ngân hàng, trong năm 2020 vừa qua, ngoài việc các NHTM tích cực đầu tư các mô hình ngân hàng số tự động để mở rộng hệ sinh thái khách hàng thì trên thị trường cũng đã manh nha xuất hiện những mô hình ngân hàng số độc lập. Theo đó, ngoài ứng dụng YOLO triển khai từ 2018, mới đây VPBank cũng đã triển khai ngân hàng số Cake by VPBank. Ứng dụng số này đã được VPBank tích hợp trên nền tảng ứng dụng gọi xe Be, với tệp khách hàng hơn 10 triệu người. Người dùng đã có thể mở tài khoản, chuyển tiền, nhận tiền, gửi tiết kiệm, thanh toán hóa đơn hoặc phát hành thẻ ghi nợ quốc tế… trực tiếp trên nền tảng ứng dụng hoàn toàn trực tuyến.
Tương tự các ứng dụng TNEX của MSB và Timo của VietCapitalBank hiện nay vẫn được người tiêu dùng sử dụng như những ngân hàng số với nhiều tiện ích trong giao dịch vay vốn, gửi tiết kiệm và thanh toán trực tuyến. Các ngân hàng số này mặc dù hiện nay vẫn phải dựa hoàn toàn vào giấy phép của ngân hàng mẹ để cung cấp một phần dịch vụ tài chính ngân hàng, nhưng các dữ liệu phân khúc khách hàng mục tiêu (như: sinh viên, công nhân, những người có thu nhập thấp…) đều đã được các ngân hàng tích hợp vào các ứng dụng để khai thác và nâng cao các tiện ích cũng như trải nghiệm của khách hàng.
Theo nhiều chuyên gia tài chính – ngân hàng, hiện nay xu hướng hình thành các ngân hàng số độc lập, hoạt động hoàn toàn trên nền tảng internet đang bắt đầu hình thành ở nhiều quốc gia trong khu vực. Năm 2020 vừa qua Singapore đã cấp phép cho 4 doanh nghiệp ngoài ngân hàng là Grab – Singtel; SEA Group; Ant Financial và Greenland Financial Holdings được thành lập ngân hàng số. Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Malaysia, Hồng Kông… hiện cuộc đua thành lập ngân hàng ảo cũng đang khá sôi động.
Vì vậy trong tương lai khi quá trình số hóa của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam vượt qua giai đoạn chuyển đổi về kỹ thuật số, các TCTD sẽ tập trung nhiều hơn cho chuyển đổi về nền tảng dữ liệu và hình thành các ngân hàng số hoạt động với ngân hàng mẹ. Đến thời điểm này hầu hết các ngân hàng và doanh nghiệp fintech đều sẽ tích hợp mọi giao dịch tài chính – tín dụng vào các ứng dụng công nghệ để thực hiện trực tuyến. Khi đó, nếu kho cơ sở dữ liệu quốc gia đã được hoàn thiện, pháp lý về chia sẻ dữ liệu và thử nghiệm các mô hình mới (regulator sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng đã được cơ quan quản lý Nhà nước ban hành, thì động lực để hình thành các ngân hàng không có chi nhánh, không có trụ sở phòng giao dịch sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ và trở thành xu hướng trong nền kinh tế số giai đoạn tiếp sau.
Thạch Bình