Tuần qua, mạng cộng đồng nghề nghiệp Anphabe và Công ty Nghiên cứu thị trường Intage đã công bố danh sách những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2021. Trong Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam có sự góp mặt của bốn ngân hàng là Vietcombank, Techcombank, TPBank, BIDV. Trong đó, Vietcombank và Techcombank lọt Top 10 với vị trí lần lượt là thứ hai và thứ 10. Bên cạnh bảng xếp hạng những nơi làm việc tốt, năm nay nghiên cứu còn chọn ra Top 50 doanh nghiệp Việt có thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn 2021 hay Top 10 doanh nghiệp tiêu biểu có nguồn nhân lực hạnh phúc. Top 50 doanh nghiệp Việt có thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn 2021 có chín ngân hàng gồm BIDV, HDBank, OCB, SCB, Sacombank, TPBank, Techcombank, VPBank, Vietcombank.
Ảnh minh họa |
Tài chính – ngân hàng là một trong những ngành HOT trên thị trường nên luôn có sức hút nhân sự khá lớn. Song, bước chân vào nghề nhiều lao động mới biết đây là môi trường làm việc nhiều áp lực tính cạnh tranh cao. Hiện các TCTD đều áp dụng Chỉ số KPI (Key Performance Indicator) để đánh giá hiệu quả công việc của nhân sự thể hiện qua số liệu, chỉ tiêu định lượng... Thực tế các cán bộ, nhân viên ngân hàng hiện phải chịu nhiều mức khoán từ huy động vốn, cho vay, phát hành thẻ đến bán chéo sản phẩm… nên áp lực KPI rất lớn. Không ít nhân viên không hoàn thành được khoán KPI, không chịu được áp lực nên phải nghỉ việc. Ngược lại, với những nhân sự có năng lực, ngân hàng phải tìm cách giữ chân nhân tài không chỉ bằng chế độ đãi ngộ qua lương, thưởng mà cả một môi trường đáng cống hiến.
Chuyên gia cho rằng, nhân lực là lợi thế cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp, do vậy cần có sự đầu tư và triển khai bài bản. Lương, thưởng và phúc lợi không chỉ về tài chính mà cần có cả các yếu tố phi tài chính. Gần đây thị trường chứng khoán trở nên đặc biệt sôi động khiến các công ty chứng khoán mở rộng chiến dịch “săn đầu người“, làm cho nguy cơ chảy máu chất xám trong các TCTD tăng lên rõ rệt. Tìm cách tuyển dụng và giữ chân nhân tài trở thành vấn đề cấp bách, quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi ngân hàng. Đặc biệt, trong xu hướng số hóa ngân hàng hiện nay, để có được đội ngũ vừa giỏi nghiệp vụ, vừa thông thạo về công nghệ là đòi hỏi tất yếu nhưng không dễ tìm.
Đại diện MSB chia sẻ, MSB đang mở rộng thị trường tìm kiếm ứng viên bằng việc đặt các "Hub công nghệ" tại ba thành phố trọng điểm là Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. MSB cam kết mang tới chế độ lương thưởng và đãi ngộ hấp dẫn dành cho những ứng viên tham gia dự án. Lãnh đạo MSB cho biết: Nhân sự nói chung và nhân tài số nói riêng là nguồn lực giá trị với bất cứ tổ chức nào. Mục tiêu của ngân hàng là nhân viên "khỏe" cả về thể chất và tinh thần, chung tay đưa văn hóa chuyển đổi số trở thành ADN của MSB...
Tranh thủ điều kiện thị trường thuận lợi gần đây nhiều ngân hàng đã tiến hành phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; phát hành cổ phiếu ESOP để tăng vốn điều lệ và “giữ chân” nhân viên.
Ông Đào Mạnh Kháng – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình cho biết: ABBANK đang thực hiện chào bán 2% vốn điều lệ cho cán bộ nhân viên và sẽ hoàn tất vào 31/12/2021. Ngay sau khi hoàn thành đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ESOP, ABBANK sẽ tiếp tục triển khai chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% (tính trên số vốn điều lệ mới sau chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ESOP) từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ với số tiền được sử dụng tổng cộng gần 2.440 tỷ đồng. Sau khi kết thúc giai đoạn II (chia cổ phiếu thưởng), tổng số vốn điều lệ ABBANK sẽ đạt gần 10.000 tỷ đồng…
Bàn về vấn đề nhân sự, đại diện Techcombank cũng chia sẻ: Không riêng lĩnh vực ngân hàng mà ở bất cứ ngành nghề nào, sự nhất quán trong định hướng chiến lược để truyền thông đến cán bộ nhân viên, cũng như chú trọng tạo ra môi trường làm việc khuyến khích, tạo điều kiện tối ưu cho sự sáng tạo là hai yếu tố quan trọng để thúc đẩy hiệu suất làm việc của người lao động.
Hà An