Ngân hàng luôn ưu đãi doanh nghiệp nhỏ và vừa

10:04 | 03/12/2020

Các DN khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo (hay còn gọi là startup) đã và đang từng bước khẳng định tiềm năng phát triển. Để khởi nghiệp thành công hiện có nhiều sự hỗ trợ từ phía ngân hàng.

Thực tế, ai cũng thừa hiểu, các DN nhỏ, đặc biệt là các DN khởi nghiệp luôn thiếu vốn và hoạt động của các DN này thường dựa nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Trên thực tế, DNNVV luôn là đối tượng ưu tiên trong chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, thể hiện qua việc lãi suất cho vay đối với các DNVVV luôn thấp hơn so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, để được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng, các DNNVV cũng phải đáp ứng được các tiêu chí mà phía ngân hàng đưa ra.

Tuy nhiên thời gian gần đây các ngân hàng cũng đã có những thay đổi rất linh hoạt trong cách cho vay để hỗ trợ DN, đặc biệt là những DN nhỏ và DN khởi nghiệp. Đặc biệt để thúc đẩy các ngân hàng cho vay theo mục tiêu của Nhà nước, Luật Hỗ trợ DNNVV (Điều 8 về Hỗ trợ tiếp cận tín dụng) đã quy định: Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ TCTD tăng dư nợ cho vay đối với DNNVV; DNNVV được cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của DN...

ngan hang luon uu dai doanh nghiep nho va vua
Muốn vay tín chấp thì DN phải tạo được lòng tin với ngân hàng

Theo đó, để thực hiện nội dung hỗ trợ quy định tại Điều 8 Luật Hỗ trợ DNNVV, NHNN Việt Nam đã chỉ đạo các TCTD chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý cho DNNVV và đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục vay vốn.

Ngoài ra, nhằm tạo tiền đề cho các hoạt động đầu tư khởi nghiệp, Luật Hỗ trợ DNNVV quy định nhà đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo bao gồm quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Ngày 11/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. Theo đó, Quỹ Đầu tư khởi nghiệp được hình thành từ nguồn vốn góp của các nhà đầu tư nhằm thực hiện đầu tư cho khởi nghiệp. Do thị trường đầu tư khởi nghiệp còn rất mới ở Việt Nam và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, Nhà nước cần tham gia góp vốn cùng các nhà đầu tư tư nhân để hỗ trợ cho các DNKN sáng tạo và có kế hoạch thoái vốn cụ thể để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia (sau 05 năm)…

Có thể nhiều người nói rằng, dù có Luật hỗ trợ nhưng quá trình triển khai trên thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc. Còn với nguồn vốn tín dụng, cần phải hiểu rằng ngân hàng chỉ là trung gian tài chính, nguồn vốn để cho vay chủ yếu được hình thành từ nguồn tiền gửi của người dân và DN nên ưu tiên hàng đầu của các nhà băng là phải đảm bảo an toàn cho nguồn vốn này, có nghĩa các ngân hàng chỉ có thể cho vay đối với những DN đáp ứng được các điều kiện đề ra. Chia sẻ về vấn đề này, một lãnh đạo NHTM nói rằng, nếu hiểu một cách bao quát thì việc DN không tiếp cận được vốn ngân hàng không phải do ngân hàng khó khăn; mà thực chất là do DN thiếu tài sản đảm bảo, tài chính thiếu minh bạch, thiếu dự án phương án kinh doanh khả thi, không chứng minh được dòng tiền trả nợ...

Dẫn chứng một DN (tạm gọi là DN A) đang đặt thủ tục vay vốn khởi nghiệp tại ngân hàng mà ông đang phụ trách, ông cho biết, vị lãnh đạo DN đưa ra một mô hình liên minh phát triển rau hữu cơ. Tuy nhiên, quy định mà DN A đưa ra là nông dân vào liên minh phải chịu quy định kiểm soát, phải lấy nguyên vật liệu trồng cây tại một điểm của DN. Theo vị lãnh đạo ngân hàng trên, quy định này là không khả thi. Bởi rất có thể nhiều nông dân âm thầm đi lấy thuốc ở chỗ khác giá rẻ hơn mà DN không kiểm soát được. Nếu ngân hàng cho vay để DN A thực hiện dự án này, khi xét nghiệm ra vườn của một ai đó vi phạm về thuốc an toàn, hàng hóa không đảm bảo chất lượng bị trả về thì lúc đó, khoản vay của ngân hàng cho DN A sẽ rất rủi ro. Chưa kể, đối với các DN khởi nhiệp, phần lớn đều không có tài sản đảm bảo mà chỉ có ý tưởng. “Vậy, khi nợ cho vay trở thành nợ xấu? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nói thêm.

Quả vậy, khi trao đổi với một Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ của SCB, vị này cũng thừa nhận nhiều DN khởi nghiệp có ý tưởng rất xuất sắc. Tuy nhiên, nếu đưa ra hội đồng thẩm định cấp vốn để mổ sẻ về triển vọng của các dự án này, sẽ lộ ra rất nhiều vấn đề không khả thi. Trong khi các DN khởi nghiệp thường không có tài sản đảm bảo, vấn đề minh bạch tài chính của các DN nhỏ trong nước cũng rất yếu, tình trạng “hai sổ sách” diễn ra khá phổ biến… khiến các ngân hàng không khỏi e ngại.

Cùng quan điểm, một giám đốc khối của Ngân hàng Nam Á nói thêm rằng, rất nhiều DN tìm đến ngân hàng tự hào về việc DN mình chưa từng vay, chưa từng có nợ xấu… Tuy nhiên họ không hiểu rằng lịch sử tín dụng cũng chính là một yếu tố để ngân hàng xem xét khi cho vay không có tài sản đảm bảo. Hay nói một cách khác, để cho vay tín chấp thì ngân hàng cần phải hiểu rõ DN, muốn vậy thì DN cần phải có quan hệ với ngân hàng một thời gian và phải tạo được uy tín nơi ngân hàng. Trường hợp DN không vay, chưa có lịch sử tín dụng thì ngân hàng cũng rất khó để đánh giá cho vay không có tài sản đảm bảo. Một điểm nữa mà các DN khởi nghiệp không để ý đó là ngân hàng đặc biệt quan tâm đến yếu tố gắn kết. Nếu vì vấn đề lãi suất tiết kiệm/cho vay mà nay chạy theo ngân hàng này mai chạy theo ngân hàng kia thì ngân hàng sẽ không ưu tiên cho vay tín chấp được. Do đó, nếu có định hướng được hỗ trợ dài hạn thì DN chỉ nên gắn kết với một ngân hàng nào đó...

Rõ ràng, đối với ngành Ngân hàng, việc cho vay lĩnh vực mới, sáng tạo luôn được ưu tiên, không phân biệt DN lớn hay nhỏ. Có điều ngân hàng quy định trong phần hỗ trợ về vốn cho khởi nghiệp thì đó phải là dự án khả thi. Mảng miếng đó có thuộc ưu đãi vay vốn không? Như đã nói, yếu tố gắn kết và lịch sử tín dụng rất quan trọng trong việc vay vốn tín chấp. Theo đó, DN phải xác định được tiêu chí ngân hàng đặt ra trước khi làm hồ sơ vay vốn để được giải ngân dễ dàng hơn…

Triều Anh

Tin đọc nhiều