Ngân hàng “may đo” sản phẩm

08:08 | 12/12/2022

Việc thiết kế những sản phẩm, dịch vụ dành riêng cho một nhóm khách hàng, thậm chí là một khách hàng đang trở thành xu hướng của ngân hàng.

Một trong những sự kiện đáng chú ý tuần qua là sự ra mắt của nền tảng số SMEasy. Dự án được BIDV và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) triển khai từ năm 2021 và chính thức đưa vào vận hành từ ngày 8/12/2022. Nằm trong dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa” do ADB tài trợ, sự kiện ra mắt Nền tảng số SMEasy đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa ADB và BIDV nhằm hỗ trợ phát triển DNNVV tại Việt Nam. Qua đó cũng thể hiện nỗ lực của BIDV và ADB trong việc tối ưu hóa phương thức hỗ trợ DNNVV với các giải pháp tài chính và phi tài chính thông qua nền tảng số toàn diện.

Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc BIDV cho biết, việc ra mắt Nền tảng số SMEasy là một sự kiện quan trọng trong hành trình đồng hành phát triển của BIDV và cộng đồng DNNVV, góp phần gia tăng nội lực và sức khỏe tài chính cho các DNNVV, đặc biệt trong giai đoạn hồi phục kinh tế hiện nay…

ngan hang may do san pham
Ảnh minh họa

Nền tảng số SMEasy được BIDV triển khai với mục tiêu hướng đến cung cấp tổng thể các giải pháp dịch vụ tài chính và phi tài chính dành cho DNNVV theo mô hình “One Stop Shop” - Một điểm đến, đa dịch vụ. Đây là nền tảng số đầu tiên tại Việt Nam do ngân hàng phát triển trên Website và ứng dụng Mobile App. Với thông điệp “Easy Share - Easy Shine”, SMEasy sẽ giúp cho việc quản trị, kinh doanh của DNNVV dễ dàng và hiệu quả hơn. Đặc biệt, SMEasy được xây dựng theo hướng cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, trong đó “may đo” riêng cho các khách hàng là DNNVV do phụ nữ làm chủ (WE).

Theo thống kê của IFC, Việt Nam hiện có gần 96.000 doanh nghiệp WE, phần lớn trong số này là doanh nghiệp siêu nhỏ, 42% là DNNVV và chỉ có 1% là doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp WE thường gặp nhiều khó khăn hơn so với các doanh nghiệp nam làm chủ, do đa số tập trung trong những lĩnh vực dễ bị tổn thương bởi suy thoái kinh tế như du lịch, bán lẻ, dịch vụ ăn uống…

Cùng với BIDV, từ tháng 10/2021, ADB phối hợp với bốn NHTM Việt Nam khác, trong đó có VPBank, triển khai khoản viện trợ không hoàn lại từ Quỹ Sáng kiến tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-Fi) trị giá 5 triệu USD, hỗ trợ giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ. Theo đó, với các khoản vay mới, doanh nghiệp WE sẽ được hỗ trợ giảm lãi suất đến 2%. Với doanh nghiệp đang có khoản vay hiện hữu, nếu được cơ cấu nợ kể từ ngày 12/04/2021, VPBank sẽ xem xét hỗ trợ tối đa 6 tháng tiền lãi vay, cao nhất là 230 triệu đồng.

Còn tại HDBank, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ được vay tín dụng với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 9%/năm. Ưu đãi nằm trong chương trình dành 1.250 tỷ đồng tài trợ cho nữ doanh nhân trên cả nước của HDBank trong năm 2022. Thời hạn cho vay lên đến 5 năm; và ngân hàng cũng sẽ đồng hành, tư vấn các giải pháp tài chính và quản lý rủi ro phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Để tham gia chương trình, doanh nghiệp phải do phụ nữ sở hữu ít nhất 51% vốn điều lệ hoặc đồng thời thỏa mãn các tiêu chí sau: phụ nữ sở hữu ít nhất 20% vốn điều lệ, giữ vai trò điều hành hoặc quản lý cấp cao và ít nhất 30% thành viên hội đồng quản trị là nữ.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết, với gói tín dụng ưu đãi này, HDBank mong muốn góp phần giúp các các nữ doanh nhân xóa đi các rào cản về định kiến xã hội, định kiến giới hay nghi ngại về khả năng lãnh đạo doanh nghiệp thành công; qua đó tiếp sức giúp các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tăng cường nguồn lực vốn trong giai đoạn cạnh tranh mới…

Có thể nói việc thiết kế những sản phẩm, dịch vụ dành riêng cho một nhóm khách hàng, thậm chí là một khách hàng đang trở thành xu hướng của ngân hàng. Mục tiêu các NHTM hướng đến là lấy khách hàng làm trung tâm, lấy công nghệ làm khâu đột phá. Trong quá trình thực hiện mục tiêu đó, các NHTM Việt Nam cũng đang từng bước hội nhập xu hướng chung của thế giới: Bình đẳng, tiến bộ vì mục tiêu phát triển bền vững.

Hà An

Tin đọc nhiều