Ngân hàng nào cho lãi suất tốt?

09:43 | 07/07/2020

Mặc dù lãi suất tiết kiệm đang trong xu hướng giảm, vẫn có những ngân hàng cố gắng đưa ra chính sách phù hợp để người dân được hưởng lợi tối đa.

ngan hang nao cho lai suat tot

Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng

Theo khảo sát của phóng viên, tính đến ngày 6/7/2020, lãi suất cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 3 tháng tại nhiều ngân hàng tuy có sự điều chỉnh giảm nhưng vẫn dao động trong khoảng từ 3,5%/năm - 4,25%/năm. Đây được xem là kỳ hạn có ít biến động nhất so với thời điểm đầu tháng 6.

Cụ thể, lãi suất cao nhất hiện nay là 4,25%/năm, được áp dụng tại nhiều ngân hàng như Dong A Bank, SeABank, OceanBank, ABBank, LienVietPostBank, Kienlongbank, Bac A Bank, NCB, HDBank, ACB, Eximbank, VietBank, , Saigonbank, VietABank, SCB.

Mức lãi suất cao thứ hai là 3,95%/năm cũng được áp dụng tại một số ngân hàng như PVcomBank, MSB, SHB và VIB.

TPBank có mức lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn này là 3,85%/năm.

Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng

Với kỳ hạn 6 tháng, kết quả khảo sát cho thấy giữa các ngân hàng có sự chênh lệch khá lớn. Hiện nay, khung lãi suất tiền gửi tiết kiệm niêm yết tại quầy ở một số ngân hàng trong nước với kỳ hạn này đang dao động quanh mức 4,4% - 7,8%/năm.

Mức lãi suất cho kỳ hạn 6 tháng cao nhất hiện nay là 7,8%/năm được SHB áp dụng khi khách hàng gửi số tiền từ 500 tỷ đồng trở lên.

Tiếp đến là NCB có mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng cao thứ hai, áp dụng ở mức 7,25%/năm, nhưng không quy định số tiền gửi.

Ngân hàng SeaBank cũng áp dụng lãi suất tiết kiệm khá cao, chia làm 3 hạn mức gửi từ 1 tỷ đồng đến trên 10 tỷ đồng. Trong đó, khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên được hưởng lãi suất cao nhất nhóm này là 7%/năm, số tiền gửi từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng có lãi suất 6,98%/năm và với mức còn lại được áp dụng lãi suất là 6,95%/năm.

Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng

Với kỳ hạn này, lãi suất ngân hàng có sự điều chỉnh giảm trên mặt bằng chung tại hầu hết các ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã áp dụng mức lãi suất trên 7%, dao động trong khoảng từ 4,6%/năm - 7,35%/năm.

Hiện nay, NCB là ngân hàng áp dụng mức lãi suất cao nhất tại kì hạn này với 7,35%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ.

Đứng thứ hai là ngân hàng SeABank với mức lãi suất áp dụng 7,3%/năm, điều kiện số tiền gửi từ 10 tỉ đồng trở lên. Với số tiền gửi từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng, SeABank có lãi suất niêm yết là 7,25%/năm.

Sở hữu mức lãi suất thấp hơn một chút, Ngân hàng Đông Á và SeABank (điều kiện số tiền gửi từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng) có cùng mức lãi suất là 7,2%/năm.

Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng

Với kỳ hạn 12 tháng, nhiều ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất tiết kiệm cao so với mặt bằng chung hiện nay. Khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn này tại các ngân hàng có mức lãi suất dao động trung bình từ 5,6 % - 8,90%/năm.

Với mức lãi suất cao nhất là 8,9%/năm, ngân hàng SHB đứng đầu bảng danh sách khi áp dụng mức lãi suất này cho số tiền gửi từ 2 tỷ trở lên. Đối với số tiền gửi dưới 2 tỷ đồng, ngân hàng này vẫn áp dụng mức lãi suất 6,70%/năm.

Đứng vị trí thứ hai là Ngân hàng Bảo Việt khi đưa ra mức lãi suất từ 7,33% - 7,95% (tùy vào thời điểm lĩnh lãi). Còn lại các ngân hàng khác đều đưa ra mức lãi suất tiết kiệm từ 6,40% - 5,8%, tuỳ vào lượng tiền gửi.

Áp dụng quy tắc “chọn mặt gửi tiền”

Hiện nay, theo các chuyên gia kinh tế, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là một lựa chọn an toàn cho nhiều người có tiền nhàn rỗi, trong đó lãi suất là một trong những yếu tố hàng đầu mà khách hàng quan tâm khi gửi tiết kiệm.

Trong khi mỗi ngân hàng có mức lãi suất khác nhau, khách hàng cũng có nhiều yêu cầu để lựa chọn. Vì vậy, để lựa chọn ngân hàng phù hợp nhất, người gửi tiền cần cân nhắc những yếu tố then chốt, xem xét lãi suất để đánh giá rủi ro, khảo sát mức độ uy tín cũng như chất lượng dịch vụ của ngân hàng mình lựa chọn.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, không phải lãi suất cao thì đó là khoản tiền gửi hấp dẫn.Để đảm bảo khoản tiền sinh lời hiệu quả, người dân nên “chọn mặt, gửi tiền”, tức là ngoài lãi suất nên quan tâm nhiều hơn đến uy tín, chất lượng tài sản và dịch vụ của ngân hàng.

Bên cạnh đó, việc tuân thủ ba trụ cột của Basel II cũng là tiêu chí đánh giá năng lực hoạt động và khả năng giảm thiểu rủi ro của ngân hàng. Tính đến nay, 18 ngân hàng tại Việt Nam đã được cấp phép để áp dụng Basel II, đồng nghĩa với việc đảm bảo được nguồn vốn tự có, sử dụng nguồn vốn một cách lành mạnh và có khả năng chống chịu với rủi ro cao hơn...

Hương Giang

Tin đọc nhiều