Ngân hàng số chạy đua dịch vụ bán lẻ

10:28 | 01/06/2022

Mặc dù chưa độc lập hoàn toàn với dịch vụ ngân hàng truyền thống nhưng các ứng dụng ngân hàng thuần số của nhiều NHTM hiện nay đang cạnh tranh rất sôi động để mở rộng các sản phẩm dịch vụ bán lẻ và tài chính tiêu dùng.

Kéo ngân hàng “trên mây” về mặt đất

Đơn cử, Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam vừa đưa ra thị trường khối “Future Bank Group”. Bằng việc ra mắt khối công nghệ này, ngân hàng đặt mục tiêu tập trung triển khai dự án Bank-In-Bank (B.I.B). Theo đó, ngân hàng ngoại này sẽ hình thành một ứng dụng số độc lập nhắm đến hai tệp khách hàng chính là người lao động trẻ Gen MZ (sinh từ khoảng 1980-2010) và phụ nữ có khả năng tài chính độc lập.

Ngay khi ra mắt, Future Bank Group đã “chào sân” bằng sản phẩm mở tài khoản tiết kiệm trực tuyến trên app SOL, với hạn mức tích lũy chỉ từ 50.000 đồng/tháng, lãi suất từ 6,5%/năm và miễn mọi phí giao dịch. Để thúc đẩy mở rộng người dùng, Shinhan đã mua lại 10% vốn của Tiki và hợp tác chiến lược với trang thương mại điện tử này nhằm triển khai các sản phẩm cho vay và thanh toán tiêu dùng thông qua khối ngân hàng thuần số B.I.B.

ngan hang so chay dua dich vu ban le
Các ngân hàng số đang thu hút giới trẻ bằng nhiều tiện ích giao dịch khác nhau

Câu chuyện nhập cuộc của Shinhan vào thị trường ngân hàng thuần số không phải là cá biệt. Trước tập đoàn tài chính Hàn Quốc này, tại Việt Nam hàng loạt các NHTM, như: VietcapitalBank, MSB, OCB, VPBank, NamABank… đều đã đổ tiền tỷ xây dựng và vận hành các phiên bản ngân hàng số độc lập hướng đến nhóm khách hàng trẻ.

Theo quan sát từ thị trường, sau 7 năm ra mắt và vận hành (từ 2015) ngân hàng số Timo là một trong những cái tên được giới trẻ nhắc đến khá nhiều trên các diễn đàn bán lẻ và thanh toán mua sắm tiêu dùng. Hiện Timo là một trong những ứng dụng thanh toán thuần số đã bắt đầu chứng tỏ độ độc lập tương đối với các đối tác ngân hàng mẹ. Ứng dụng số này sau 5 năm gắn bó với VPBank đã chuyển sang đối tác mới là VietcapitalBank, và trở thành “ngân hàng không chi nhánh” hoạt động hiệu quả ở phân khúc bán lẻ, tiêu dùng, bao gồm tiết kiệm trực tuyến, thanh toán trực tuyến và đầu tư trực tuyến.

Ra đời muộn hơn Timo, các ứng dụng thuần số của MSB, VPBank, NamABank đến hiện tại cũng đã khá thành công trong việc thu hút khách hàng trẻ.

Đơn cử, Cake by VPBank thời gian vừa qua sau khi thành công trong mảng thanh toán mua sắm tiêu dùng đã lấn sân sang lĩnh vực cho vay và đầu tư vi mô. Theo đó, BeGroup là đơn vị đang sở hữu Cake by VPBank cho vay tín chấp với tài xế xe công nghệ, đồng thời hợp tác với Dragon Capital Vietnam, tạo ra sản phẩm đầu tư tài chính từ 10.000 đồng, rất được giới trẻ kinh doanh online ưa chuộng quản lý tài chính cá nhân.

Chờ pháp lý để “bung mạnh”

Theo các chuyên gia tài chính, Việt Nam chưa có chính sách cho ngân hàng thuần số nên hiện nay các ứng dụng và ngân hàng số như Timo, TNEX, Cake, NEO, OneBank, Ubank… đều vận hành dựa trên giấy phép hoạt động của các NHTM truyền thống.

Xu hướng chung của nhóm ngân hàng thuần số là hướng đến nhóm khách hàng trẻ, khối DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh với các dịch vụ tiêu biểu, từ thanh toán trực tuyến đến cho vay tín chấp tiêu dùng và đầu tư tài chính vi mô.

Ở khía cạnh công nghệ, hiện nay dịch vụ quản lý toàn diện dữ liệu trên đám mây (AWS outposts) đã bắt đầu được các ngân hàng số như Timo, TNEX triển khai và hỗ trợ các khách hàng sử dụng dịch vụ này nhằm tiết giảm chi phí hoạt động. Vì vậy, khả năng mở rộng tệp khách hàng, mở rộng phạm vi phục vụ của nhóm ngân hàng thuần số đang khá lớn và khá nhiều điều kiện để phát triển.

Ông Phạm Quang Minh, Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam thông tin rằng, các hình thức cho vay thay thế đang gia tăng khi các DNNVV chuyển sang vay vốn từ các ngân hàng thuần số và các công ty tài chính công nghệ (fintechs) để vượt qua các rào cản về thủ tục và tiết giảm chi phí. Khảo sát của Mambu cho thấy 94% DNNVV tại Đông Nam Á sẵn sàng hợp tác với các công ty tài chính mới để nhận được các dịch vụ số tiện ích và đơn giản hơn. “Chính vì thế vài năm tới sẽ là cơ hội để phát triển các ngân hàng thuần số”, ông Minh nhấn mạnh.

Từ khía cạnh pháp lý, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam nhận định rằng, hiện nay Việt Nam đang đi chậm hơn các nước trong khu vực đối với việc cấp phép cho các ngân hàng thuần số. Xu hướng phát triển các tập đoàn tài chính, các hệ sinh thái ngân hàng mở và ngân hàng số độc lập 100% đang khá phổ biến. Vì thế, hoạt động cấp phép ngân hàng thuần số cũng cần được ngành Ngân hàng đẩy nhanh hơn để tạo điều kiện tối ưu hóa phục vụ nhu cầu khách hàng và tiết giảm chi phí.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng đến hiện nay, ngân hàng số tại Việt Nam (gồm cả mảng số hóa của ngân hàng truyền thống và các ứng dụng thuần số của các NHTM) đều đang làm khá tốt hoạt động mở tài khoản, thanh toán, cho vay tiêu dùng cá nhân… Tuy nhiên, cơ chế chính sách vẫn chưa cho phép các TCTD phát triển tín dụng điện tử đối với khối khách hàng DN. Vì thế pháp lý cho ngân hàng thuần số cần tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, ngoài sự nỗ lực của ngành Ngân hàng thì các bộ ngành liên quan cũng cần chung tay xây dựng chính sách để thực hiện các giao dịch đảm bảo, phê duyệt, thẩm định khoản vay. Từ đó mới hoàn thiện, thống nhất được pháp lý triển khai ngân hàng số toàn diện.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán, tăng cường tích hợp, kết nối để cung ứng dịch vụ thanh toán tiện ích trên nền tảng số, giúp tăng tiện ích, trải nghiệm người dùng. Tiếp tục thúc đẩy hoạt động thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ. Đồng thời triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ xác minh thông tin nhận biết khách hàng, tích hợp các dịch vụ tài chính - ngân hàng thông qua căn cước công dân.

Đỗ Cường

Tin đọc nhiều